Ung thư dạ dày - Yếu tố nguy cơ và phòng tránh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 5 trên thế giới với 952000 ca mắc mới và tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 trong các loại ung thư.

Việt Nam có số ca mắc ung thư dạ dày đứng thứ 18 trên thế giới (năm 2012).

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là một nguyên nhân phổ biến của bệnh ung thư dạ dày.

Những yếu tố nguy cơ – làm tăng khả năng mắc ung thư dạ dày[sửa]

  • Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori): nhiễm H. pylori là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm loét và có thể gây ra tình trạng viêm mãn tính ở lớp niêm mạc dạ dày. Từ đó có thể phát triển thành những biến đổi tiền ung thư và ung thư.
  • Thừa cân hoặc béo phì: Những người đàn ông béo phì có nguy cơ cao bị ung thư phần trên của dạ dày gần với thực quản.
  • Ăn nhiều thức ăn hun khói và thực phẩm nhiều muối như cá, thịt muối, rau muối. Nitrat và nitrit là những chất thường thấy trong các loại thịt ướp muối. Chúng có thể được chuyển đổi bởi H. pylori thành các hợp chất gây ra ung thư dạ dày ở động vật.
  • Ăn các loại thực phẩm nhiễm H.pylori do chưa qua chế biến hoặc chế biến và bảo quản không đúng cách.
  • Sử dụng thuốc lá và lạm dụng rượu: Hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt đối với các bệnh ung thư phần trên của dạ dày gần thực quản. Tỷ lệ ung thư dạ dày ở người hút thuốc cao gấp đôi so với người không hút thuốc.

Điều kiện y tế[sửa]

Những người có bất kỳ những điều kiện y tế như bên dưới làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày:

  • Chuyển sản ruột (tình trạng mà trong đó các tế bào lót dạ dày được thay thế bởi các tế bào bình thường lót ruột).
  • Viêm dạ dày mãn tính – viêm mạn teo đét (niêm mạc dạ dày bị mỏng gây ra bởi viêm dạ dày mãn tính).
  • Thiếu máu (Pernicious anemia – một loại thiếu máu do thiếu vitamin B12). Có những tế bào trong dạ dày tạo thành các chất nội tại cần thiết để hấp thu vitamin B12 từ thực phẩm. Những người không có đủ những chất này có thể dẫn đến việc thiếu hụt vitamin B12, ảnh hưởng đến khả năng sản sinh ra các tế bào máu mới. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bị thiếu máu dạng này có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người bình thường.
  • Polyp (U lành tính tạo ra từ một số tế bào phát triển bất bình thường) dạ dày: polyp tuyến còn gọi là u tuyến – đôi khi có thể phát triển thành ung thư dạ dày.
  • U lympho dạ dày (MALT, mucosa associated lymphoid tissue) lymphoma – u tạo ra từ một số tế bào miễn dịch phát triển bất thường trên lớp tế bào tiết chất nhờn. Những người đã tứng mắc u lympho của dạ dày có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày. Nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn H pylori.
  • Hội chứng Peutz-Jeghers (PJS): Những người mắc phải hội chứng này có nguy cơ gia tăng ung thư vú, ruột kết, tuyến tụy, dạ dày, và một số cơ quan khác.
  • Người mắc bệnh Menetrier (hypertrophic gastropathy). Sự tăng trưởng quá mức của niêm mạc dạ dày tạo thành các nếp gấp lớn và làm giảm axit dạ dày. Tuy nhiên bệnh Menetrier khá hiếm nên chưa rõ bệnh này làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày như thế nào.
  • Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV): Virus Epstein-Barr gây bệnh truyền nhiễm (còn gọi là mono) và một số dạng u lympho. Epstein-Barr được tìm thấy trong các tế bào ung thư của khoảng 5% đến 10% bệnh nhân bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên chưa có những nghiên cứu rõ ràng cho thấy EBV là nguyên nhân gây ung thư dạ dày.
  • Suy giảm miễn dịch thường biến (CVID, Common variable immune deficiency): Hệ thống miễn dịch của người có CVID không thể tạo đủ kháng thể để đáp ứng với vi khuẩn gây bệnh. Những người bị CVID có thể bị nhiễm trùng thường xuyên, viêm dạ dày mãn tính và thiếu máu ác tính. Người bệnh cũng có nhiều khả năng bị u lympho dạ dày và ung thư dạ dày.
  • Trào ngược axit hay khó tiêu mãn tính.
  • Phẫu thuật dạ dày trước.
  • Người có nhóm máu A.: tuy chưa rõ nguyên nhân nhưng nhiều nghiên cứu về ung thư dạ dày cho thấy những người có nhóm máu A có nguy cơ cao hơn những người có nhóm máu khác.

Điều kiện di truyền[sửa]

Những người có bất kỳ những điều kiện di truyền như bên dưới có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày:

  • Trong gia đình có bố mẹ, anh chị em hoặc người thân đã bị ung thư dạ dày.
  • Hội chứng Li-Fraumeni: Những người bị hội chứng này có nguy cơ gia tăng của một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư dạ dày ở độ tuổi tương đối trẻ. Hội chứng Li-Fraumeni được gây ra bởi đột biến ở gen p53.
  • Hội chứng đa polyp tuyến gia đình (FAP, Familial adenomatous polyposis): Trong hội chứng FAP, người bệnh có nhiều polyp trong đại tràng, dạ dày và ruột. Những người bị hội chứng này có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng và có nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Hội chứng FAP được gây ra bởi đột biến ở gen APC.
  • Ung thư đại tràng di truyền không do polyp (HNPCC, Hereditary nonpolyposis colorectal cancer) còn được gọi là hội chứng Lynch, là một rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Những người bị hội chứng này cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cũng như một số bệnh ung thư khác. Trong hầu hết các trường hợp, rối loạn này là do một khiếm khuyết trong gen MLH1 hoặc MSH2, và một số gen khác bao gồm MLH3, MSH6, TGFBR2, PMS1, và PMS2.
  • Đột biến gen BRCA1 và BRCA2: Những người mang đột biến các gen ung thư vú BRCA1 hoặc BRCA2 có tỷ lệ bệnh ung thư dạ dày cao hơn bình thường.

Nguyên nhân môi trường[sửa]

  • Thường xuyên tiếp xúc với các tia bức xạ ion hóa như: hạt alpha, hạt beta, tia gamma, tia X .
  • Làm việc trong ngành công nghiệp cao su, kim loại, than đá, gỗ và những người đã tiếp xúc với sợi amiăng.
  • Những người ở các nước, vùng miền có tỷ lệ ung thư dạ dày cao.

Các yếu tố nguy cơ khác[sửa]

  • Chế độ ăn uống ít trái cây và rau quả.
  • Giới tính: Ung thư dạ dày phổ biến ở nam hơn nữ giới. Hoóc môn estrogen có thể giúp bảo vệ phụ nữ khỏi căn bệnh này.
  • Độ tuổi: Những người trên 50 tuổi có tỉ lệ mắc cao hơn. Và thường là từ 60 -80 tuổi.
  • Phân bố địa lý: Trên thế giới, ung thư dạ dày là phổ biến hơn ở Châu Á, Mỹ Latin, Vùng Caribe. Bệnh này ít phổ biến ở Châu Phi và Bắc Mỹ.

Những yếu tố bảo vệ có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày[sửa]

Ngừng hút thuốc[sửa]

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng hút thuốc có liên quan mật thiết với việc tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Chính vì vậy, việc ngừng hút thuốc hoặc không hút thuốc lá làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ bị ung thư dạ dày theo thời gian.

Điều trị nhiễm Helicobacter pylori[sửa]

Nghiên cứu cho thấy nhiễm H. pylori thời gian dài có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Khi vi khuẩn H. pylori nhiễm vào dạ dày, dạ dày có thể trở nên bị viêm và gây ra những thay đổi trong các tế bào lót dạ dày. Theo thời gian, các tế bào trở nên bất thường và có thể trở thành ung thư.

Một số nghiên cứu cho thấy điều trị nhiễm H. pylori với thuốc kháng sinh làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Cần Tthực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa là cần thiết để tìm hiểu xem việc điều trị nhiễm H. pylori với thuốc kháng sinh làm giảm số ca tử vong do ung thư dạ dày.

Các yếu tố chưa biết rõ có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày[sửa]

Chế độ ăn[sửa]

Ăn ít trái cây tươi và rau quả có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Một số nghiên cứu cho thấy rằng ăn trái cây và rau quả có nhiều chất vitamin C và beta caroten có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng các loại ngũ cốc nguyên hạt, carotenoid, trà xanh, và các chất có trong tỏi có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

Bên cạnh đó nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn uống ít muối cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

Những chất bổ sung vào chế độ ăn uống[sửa]

Chưa xác định rõ được việc bổ sung Vitamin, khoáng chất, và một số chất bổ sung khác trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

Tai Trung Quốc, một nghiên cứu về việc bổ sung beta caroten, vitamin E và selen trong chế độ ăn cho thấy số ca tử vong do ung thư dạ dày có giảm đi. Tuy nhiên nghiên cứu này có thể thực hiện trên một số người bị thiếu các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn bình thường của họ. Chính vì vậy không biết chắc nếu bổ sung các chất trên vào chế độ ăn sẽ có tác dụng tương tự ở những người đã ăn một chế độ ăn uống đầy đủ.

Tóm lược[sửa]

Nhiều yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày đã được xác định, tuy nhiên vẫn còn các yếu tố chưa kiểm soát được.

Chính vì vậy, việc thay đổi lối sinh hoạt nhằm tránh các yếu tố rủi ro và thực hiện tốt các yếu tố bảo vệ là cách tốt nhất để phòng mắc ung thư dạ dày.

Sử dụng những thực phẩm đã qua chế biến và bảo quản đúng cách làm giảm nguy cơ nhiễm H.pylori. Ăn chế độ ăn nhiều rau và trái cây có thể giúp ngăn ngừa những thay đổi không mong muốn ở niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó bỏ thuốc là hay không hút thuốc và hạn chế sử dụng rượu, giảm các loại thực phẩm muối, hun khói sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Nếu có các triệu chứng như đã nêu ra ở trên và kéo dài trong 2 đến 4 tuần thì nên đến các cơ sở y tế để khám và xác định rõ nguyên nhân gây bệnh từ đó giúp phòng ngừa và điều trị sớm nếu mắc phải ung thư dạ dày.

Chịu trách nhiệm thông tin[sửa]

  • Trịnh Vạn Ngữ
  • Xem xét y học: Bs.Huynh Wynn Tran, Bs.Dustin Nguyen
  • Xem xét khoa học: Ts.Nguyễn Hồng Vũ

Tài liệu tham khảo[sửa]

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này