Ung thư vú - Yếu tố nguy cơ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Hầu hết những phụ nữ có một hay nhiều yếu tố nguy cơ của ung thư vú không bao giờ phát triển thành ung thư vú thật sự. Trong khi một số phụ nữ khác bị ung thư vú lại không tìm thấy yếu tố nguy cơ. Người ta thấy rằng, ngay cả khi một người phụ nữ có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, cũng thật khó để xác định được các yếu tố này đã góp phần như thế nào vào sự phát triển bệnh.

Dưới đây là một số nguy cơ thường gặp của ung thư vú.

Yếu tố nguy cơ không thay đổi được[sửa]

Một số yếu tố nguy cơ chính của ung thư vú mà bạn không thể thay đổi được, bao gồm: giới nữ, lớn tuổi, thay đổi một số gien di truyền. Các yếu tố này khiến nguy cơ mắc ung thư vú của bạn tăng cao hơn. Nhưng có các yếu tố này không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn sẽ mắc bệnh.

Giới nữ[sửa]

Đơn giản, phụ nữ là một yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư vú. Nam giới cũng có thể bị ung thư vú, tuy nhiên, khả năng mắc bệnh ít hơn 100 lần so với nữ. Nguyên nhân có thể do nam có ít estrogen và progesterone, những hormone sinh dục nữ có khả năng xúc tiến sự trưởng thành của các tế bào ung thư vú.

Lớn tuổi[sửa]

Tuổi là yếu tố nguy cơ lớn thứ nhì của ung thư vú. Phần lớn ung thư vú được phát hiện sau tuổi 50 và hầu hết ung thư vú xâm lấn được tìm thấy ở phụ nữ trên 55 tuổi.

Một số gien di truyền nhất định[sửa]

Khoảng 5-10% số ca bị ung thư vú được cho là do di truyền một số đột biến gien từ cha mẹ, mà thông thường là do do đột biến gien BCRA1 và BCRA2. (Bình thường, hai gien này tổng hợp các protein giúp ngăn ngừa sự tăng sinh tế bào bất thường. Khi bị đột biến, chúng mất đi khả năng kiểm soát tế bào, dẫn tới ung thư.) Ngoài ra, còn một số đột biến gien khác cũng có thể dẫn đến ung thư vú di truyền, nhưng BCRA1 và BCRA2 là có thể tầm sóat khi thử nghiệm gien.

Tiền sử gia đình bị ung thư vú[sửa]

Cần lưu ý rằng khoảng 8/10 phụ nữ bị ung thư vú không có người nào trong gia đình mắc bệnh này, tuy nhiên:

– Phụ nữ nếu có người thân trong gia đình bị ung thư vú sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

– Phụ nữ có một người thuộc thế hệ thứ nhất (mẹ, chị, con gái) bị ung thư vú sẽ tăng nguy cơ bản thân lên gấp 2 lần. Nếu có hai người thuộc thế hệ này bị bệnh, nguy cơ sẽ tăng 3 lần.

– Nguy cơ cũng sẽ tăng lên nếu phụ nữ có ba hoặc một anh trai bị bệnh này.

Tiền sử bản thân bị bệnh vú lành tính ở vú hay bị ung thư vú

Phụ nữ mắc một bệnh lành tính ở vú thì tăng 3.5 đến 5 lần nguy cơ bị ung thư vú.

Hơn nữa, một người phụ nữ bị ung thư 1 vú tăng nguy cơ phát triển ung thư ở vú còn lại hay ở vùng khác ở cùng bên vú bệnh (khác với sự tái phát của bệnh ung thư lần đầu).

Chủng tộc[sửa]

Nhìn chung, phụ nữ da trắng tăng nhẹ nguy cơ phát triển ung thư vú hơn phụ nữ Mỹ gốc châu Phi, nhưng khi mắc bệnh, nguy cơ tử vong ở phụ nữ Mỹ gốc châu Phi lại cao hơn. Phụ nữ châu Á, châu Mỹ và châu Mỹ latin nguy cơ mắc và tử vong vì ung thư vú thấp hơn.

Mô vú đặc[sửa]

Như đã biết, mô vú được tạo thành từ mô mỡ, mô sợi và mô tuyến. Mô vú được gọi là đặc (phát hiện trên nhũ ảnh) khi có nhiều mô tuyến và mô sợi, và có ít mô mỡ. Phụ nữ có mô vú đặc nguy cơ bị ung thư vú tăng gấp 1.2 đến 2 lần so với mô vú bình thường. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới độ đặc của mô vú như tuổi, tình trạng mãn kinh, sử dụng thuốc (dùng hormone thay thế sau mãn kinh), thai kỳ, và di truyền.

Có kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi)[sửa]

Phụ nữ có nhiều chu kỳ kinh, vì có kinh sớm hoặc mãn kinh muộn đều tăng nguy cơ mắc ung thư vú, do họ có nhiều thời gian tiếp xúc với hormone estrogen và progesterone hơn.

Xạ trị vùng ngực[sửa]

Xạ trị vùng ngực để chữa cho một loại ung thư khác (như bệnh Hogkin và lymphoma non-Hogkin) làm tăng đáng kể nguy cơ bị ung thư vú, bắt đầu từ 10 năm sau tiếp xúc tia xạ và kéo dài sau đó. Yếu tố nguy cơ này phụ thuộc vào liều và độ tuổi tiếp xúc với tia xạ: tăng cao nhất khi tiếp xúc ở tuổi dậy thì (mô vú đang phát triển) và hầu như không tăng khi xạ trị sau 40 tuổi.

Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được[sửa]

Uống rượu[sửa]

Lượng rượu tiêu thụ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Giả thiết được đặt ra là rượu làm hạn chế khả năng kiểm soát lượng estrogen trong máu của gan, dẫn tới tăng khả năng ung thư vú.

Thừa cân hay béo phì[sửa]

Thừa cân hay béo phì sau mãn kinh là yếu tố nguy cơ của ung thư vú. Tình trạng này được giải thích bởi sau mãn kinh, mô mỡ là nguồn estrogen chính của cơ thể, khi hai buồng trừng ngừng sản xuất hormone này. Có nghĩa là mô mỡ càng nhiều thì lượng estrogen càng cao, và nguy cơ ung thư vú càng tăng.

Ít vận động thể lực[sửa]

Ít vận động là một yếu tố nguy cơ của ung thư vú. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa tập thể dục đều đặn 4 đến 7 giờ mỗi tuần và sự giảm nguy cơ ung thư vú. Tập thể dục giúp tiêu thụ và kiểm soát lượng đường huyết, hạn chế nồng độ insulin – hormone có thể ảnh hưởng tới sự phát triển mô vú. Mặt khác, người có thói quen tập thể dục thường khỏe mạnh, ít mỡ thừa hơn so với người ít vận động. Mỡ tạo estrogen, và mỡ thừa tạo estrogen thừa.

Tiền sử sinh đẻ[sửa]

Nhìn chung, phụ nữ không có con hay có con đầu sau 30 tuổi tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú.

Nuôi con bằng sữa mẹ[sửa]

Nuôi con bằng sữa mẹ có thể giảm nhẹ nguy cơ ung thư vú, nhất là kéo dài 1.5 đến 2 năm. Nguyên nhân được cho là cho con bú làm giảm số chu kỳ kinh, dẫn đến giảm lượng estrogen, đồng thời, trong khoảng thời gian này, phụ nữ thường có xu hướng ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng và duy trì lối sống lành mạnh (không uống rượu hay hút thuốc).

Điều trị kết hợp hormone thay thế[sửa]

Điều trị kết hợp hormone thay thế estrogen – progesterone (HT) sau mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc và tử vong vì ung thư vú. Nguy cơ này bắt đầu tăng sau 2 năm sử dụng liệu pháp và trở về bình thường sau 5 năm ngừng sử dụng.

Yếu tố chưa rõ ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú[sửa]

Chế độ ăn và vitamin[sửa]

Chế độ ăn được cho là đóng khoảng 30 – 40% nguyên nhân gây ung thư nói chung. Không có loại thực phẩm hay chế độ ăn nào giúp phòng ngừa ung thư vú, nhưng dưỡng chất từ các loại thực phẩm sạch (không thuốc trừ sâu hay thuốc tăng trưởng) như trái cây, rau củ quả, ngũ cốc giúp bảo vệ cơ thể khỏi những đột biến tế bào có hại.

Mặc dù rất nhiều nghiên cứu trên phụ nữ ở Mỹ chưa tìm ra được mối liên hệ giữa ung thư vú và lượng chất béo ăn vào, nhưng thống kê cho thấy ung thư vú ít gặp ở các nước có chế độ ăn ít chất béo toàn phần.

Hút thuốc lá[sửa]

Hút thuốc lá gây nhiều loại bệnh, và có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trẻ và phụ nữ tiền mãn kinh. Hút thuốc còn làm tăng các biến chứng khi điều trị ung thư vú, bao gồm:

– Gây tổn hại phổi khi điều trị xạ trị ung thư vú.

– Khó lành vết thương sau phẫu thuật và tái tạo hình vú.

– Tăng nguy cơ tạo cục máu đông khi điều trị hóa trị liệu.

Làm việc ban đêm[sửa]

Một vài nghiên cứu cho rằng phụ nữ làm việc ban đêm, như công nhân, bác sĩ, điều dưỡng, có thể tăng nguy cơ ung thư vú. Giả thiết được đặt ra là do sự hạ thấp nồng độ melatonin khi cơ thể tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm.

Các yếu tố chưa được chứng minh hay còn đang tranh cãi[sửa]

Chất ngăn tiết mồ hôi[sửa]

Hiện nay, có một số tin đồn trên Internet về việc chất ngăn tiết mồ hôi nách sẽ thẩm thấu qua da, cản trở sự lưu thông bạch huyết, làm tích tụ độc tố ở vú và từ đó dẫn đến ung thư vú. Tuy nhiên không có chứng cứ khoa học nào ủng hộ cho tin đồn này. Ngay cả chất ngăn tiết mồ hôi mạnh nhất cũng không ngăn được hoàn toàn sự tiết mồ hôi ở nách. Hơn nữa, hầu hết các chất gây ung thư được thải qua thận hay được xử lý ở gan.

Áo ngực[sửa]

Liệu mặc áo ngực có thể gây tắc nghẽn dẫn lưu bạch huyết và dẫn đến ung thư vú không? Cho tới hiện tại, câu trả lời là không. Một nghiên cứu gần đây trên hơn 1 500 phụ nữ cho thấy không có sự liên hệ nào giữa hai sự việc này.

Phá thai[sửa]

Một số nghiên cứu đã cung cấp các dữ liệu mạnh mẽ rằng phá thai hay sảy thai tự nhiên cũng không ảnh hưởng gì đến nguy cơ ung thư vú.

Nâng ngực[sửa]

Mặc dù nâng ngực bằng silicone có thể tạo mô sẹo ở ngực, nhưng vẫn các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy nguy cơ nào dẫn đến ung thư vú. Tuy nhiên, cần lưu ý là nâng ngực khiến mô vú khó quan sát trên nhũ ảnh chuẩn, do đó, nếu ngực bạn có túi silicone, phải thông báo với kĩ thuật viên để chụp thêm một số hình ảnh giúp chẩn đoán mô vú chính xác hơn.

Tóm lại, bản thân phụ nữ đã là một nguy cơ của ung thư vú, và mỗi người lại có thêm những nguy cơ riêng – một số thay đổi được, một số không. Bằng cách chọn cho mình một lối sống lành mạnh nhất, cùng với việc thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ về yếu tố ung thư vú của mình, thì bạn đã trao cho bản thân khả năng giảm thiểu tối đa những nguy cơ này.

Chịu trách nhiệm thông tin[sửa]

  • Bùi Anh Thư
  • Cố vấn ý học: Dr Dustin Triet Nguyen, MD, VietMD.net Inc.
  • Lần cuối xem xét y học: 12/06/2016
  • Lần cuối chỉnh sửa: 12/06/2016

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. American Cancer Society, What are the risk factors for breast cancer?
  2. National Cancer Institute, Breast cancer prevention: Who is at risk?
  3. Breast cancer risk factors
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này