Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam
Bìa sách
Tên nguyên tác Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam
Năm xuất bản 2006
Tác giả Ngô Đức Thịnh
Nhà xuất bản NXB Khoa học Xã hội
ISBN-10 10 chữ số
ISBN-13 13 chữ số
Ngôn ngữ tiếng Việt
Số trang

Có thể coi cuốn sách Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam của GS TS Ngô Đức Thịnh là một đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp nghiên cứu và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đánh giá của nhiều người quan tâm đọc các sách báo về khoa học thì ở Việt Nam hiện tại, để có thể thích nghi cập nhật với hệ thống báo chí đa dạng và phong phú như hiện nay, các nhà nghiên cứu thường viết cũng như công bố tác phẩm của mình theo hai xu hướng là “tư duy bài” và “tư duy quyển”.

Người viết theo “tư duy bài” thường dành sự quan tâm tới một vấn đề nào đó, viết và công bố một lần là xong, còn người theo “tư duy quyển” thì viết các tiểu luận tập trung vào một hệ thống vấn đề, khi tập hợp lại, họ sẽ có một công trình hoàn chỉnh.

Với cách nhìn ấy, xin được nhận xét rằng cuốn sách Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội, 2006) của GS.TS Ngô Đức Thịnh được tổ chức theo “tư duy quyển”, bởi dẫu đây là sự tập hợp nhiều tiểu luận ông đã công bố thì khi tổ chức xuất bản, với ba phần khá logic, lại cho thấy các nội dung mà tác giả quan tâm là có tính hệ thống và toàn diện.

Phần thứ nhất của cuốn sách có nhan đề Một số vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu văn hóa, xét về cầu trúc thì đây là giới thuyết của tác giả khi đặt vấn đề nghiên cứu, như với nội hàm của: khái niệm không gian văn hóa, đối tượng nghiên cứu của Folklore học, thế giới quan bản địa, sự du nhập và xuất hiện cái mới trong văn hóa các dân tộc, vấn đề về tính hệ thống trong nghiên cứu văn hóa dân gian, loại hình học và một số nguyên tắc phân loại loại hình học các hiện tượng văn hóa…

Với các giới thuyết này, GS TS Ngô Đức Thịnh đã tiến hành một thao tác khoa học nghiêm túc, cho thấy về mặt phương pháp, tác giả đã quan tâm xác lập con đường tiếp cận riêng đối với văn hóa, đặc biệt là với loại hình học - một phương pháp nghiên cứu mà cho đến nay, ngoài việc sử dụng như một khái niệm, không ít nhà nghiên cứu văn hóa (và cả nghiên cứu văn chương) ở Việt Nam vẫn nhìn nhận nó như một kiểu phân loại nhiều hơn là một phương pháp nghiên cứu.

Ở phần thứ hai, dưới tiêu đề Về tộc người và văn hóa tộc người, từ việc đưa ra một quan niệm khoa học về văn hóa tộc người, tác giả tiến thêm một bước trong việc khu biệt nội dung vấn đề nghiên cứu bằng cách giới thuyết khái niệm văn hóa tộc người để từ đó nghiên cứu các phương diện văn hóa khác nhau, từ diện mạo văn hóa tới tập quán, cách thức tổ chức gia đình, trang phục truyền thống, đặc điểm ngôn ngữ… của một số tộc người ở Việt Nam như: Tày, Nùng, Phàn Xình, Thái, Pa Dí, Dao, Mảng, Bru, Vân Kiều, Khmer…

Đáng chú ý ở phần này là các tiểu luận Thực trạng và sự biến đổi văn hóa các dân tộc thiểu số, Nguồn gốc và lịch sử các tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á…, vì đây chính là các khái quát cơ bản mà tác giả đã rút ra được sau khi khảo sát hiện trạng văn hóa của các tộc người thiểu số. Cần coi đây là phần quan trọng của cuốn sách, nó cho thấy GS TS Ngô Đức Thịnh không chỉ là con người của lý thuyết mà ông còn là con người của sự thực hành các lý thuyết. Mà xét về mặt này thì các chuyến điền dã, khảo sát văn hóa là mang ý nghĩa cực kỳ quan thiết, đó cũng là nền tảng cho tính thuyết phục của các luận điểm mà GS TS Ngô Đức Thịnh đã trình bày.

Phần thứ ba của cuốn sách được triển khai trên một phạm vi rộng hơn, đó là Một số vấn đề về văn hóa Việt Nam. Ở phạm vi này, tác giả nhìn nhận văn hóa Việt Nam như một tổng thể gồm nhiều quan hệ như: văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, vùng và phân vùng văn hóa, trang phục, bản sắc văn hóa dân tộc, dòng họ, văn hóa gia đình…, từ đó tác giả đặt ra và phân tích các vấn đề thuộc về lịch sử văn hóa Việt Nam, về đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội…

Nhìn trên một tổng thể, khả năng nắm vững lý thuyết và tri thức phong phú về văn hóa tộc người đã giúp GS TS Ngô Đức Thịnh trình bày nhiều vấn đề trong một số phần của cuốn sách là khá thuyết phục, như khi bàn về sự đa dạng và thống nhất của văn hóa, tác giả đã phân tích một cách khá biện chứng: “Nếu coi thống nhất của văn hóa từ đa dạng, thì muốn củng cố sự thống nhất ấy, phải trên cơ sở bảo tồn và phát triển tính đa dạng của văn hóa, mà ở đây thể hiện rõ nhất là đa dạng văn hóa tộc người và văn hóa địa phương (văn hóa vùng). Sẽ không có sự thống nhất văn hóa nào vững chắc và lành mạnh lại dựa trên cơ sở thuần nhất hóa hay đơn nhất hóa văn hóa” (tr.845). Có thể coi cuốn sách Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam của GS TS Ngô Đức Thịnh là một đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp nghiên cứu và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

(Nhân đọc: Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam - GSTS Ngô Đức Thịnh, NXB Khoa học Xã hội, H.2006)

Tác giả bài viết: Nguyễn Hòa (trên báo Nhân Dân điện tử)