VLOS:Thảo luận/Wiki day tháng 11 năm 2008 tại Hà Nội/Minh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
 1
 2
 3
 4
 5
 6
 7
 8
 9
 10
 11
 12

Chào các bạn,

Rất tiếc vì không thể có mặt tại ngày Wiki Day đầu tiên. Giáo sư ở trường đã bảo tôi không được trốn qua Việt Nam trước khi lấy bài thi!

Hồi còn nhỏ, gia đình tôi có bộ sách bách khoa toàn thư tiếng Anh dưới tên Bách khoa toàn thư Kiến thức Grolier. Nó được viết rất hay, gồm bài về đủ thứ đề tài, có hình ảnh và biểu đồ rất đẹp. Nhưng đáng tiếc, trong số 24 quyển, chúng tôi chỉ có hai quyển đầu tiên: A và một trong hai quyển B.

Nhiều khi bà giáo Địa lý ở trường bắt các học sinh phải viết bài để đọc trước lớp. Chúng tôi phải dùng cuốn sách hoặc bách khoa toàn thư làm nguồn. Tôi cứ tự hỏi, những bà giáo có bao giờ nghi ngờ các bài của tôi không? Tại vì lúc nào cũng chọn đề tài bắt đầu với chữ A, đôi khi chữ B: Alaska, Albania, Australia, vùng Baltic…

Mười năm sau, khái niệm bách khoa toàn thư trên giấy – nói chung – đã lỗi thời. Bây giờ khi nào học sinh cần nơi bắt đầu học biết về chủ đề nào, họ tới Google hoặc Yahoo!, và từ đấy đi tiếp đến Wikipedia.

Trang Wikipedia là “bách khoa toàn thư có nội dung mở và thuộc sở hữu cộng đồng”. Có thể thay câu dài dòng này bằng ba khái niệm căn bản: kiến thức, mở, cộng đồng.

Thứ nhất, vì là bách khoa toàn thư, Wikipedia có mục đích chia sẻ kiến thức theo hình dạng bài viết. Muốn hiểu thêm về Việt Nam thì hãy ghé vào bài “Việt Nam”; muốn biết về Hà Nội thì cũng có bài về thành phố này; còn muốn hiểu kỹ hơn về Hà Nội thì đọc bài “Đại học Bách khoa Hà Nội”. Vì đây là một dự án trực tuyến, không cần nghĩ đến những hạn chế như kích thước sách.

Thứ hai, vì Wikipedia là một dự án mở, mọi người không những ghé đọc được miễn phí mà lại được phép tái sử dụng và cải tiến các bài, không cần xin phép lúc nào. Chúng ta khuyên mọi người không chỉ là người hâm mô, đáng lẽ phải tham gia tích cực.

Thứ ba, Wikipedia cũng là tên của cộng đồng, của những người tình nguyện tốn bao nhiêu giờ đêm để chỉnh lại một bài không có tiếng tăm, chỉ mong là mai mốt có người đánh giá cao sự đóng góp này; của những người tranh cãi về chi tiết nhỏ để cho bài trở nên chính xác hoàn toàn; của những người dịch bài vì chưa ai bao giờ viết về đề tài này trong tiếng Việt.

Đây không phải là cộng đồng khổng lồ đâu. Trong số 90.000 thành viên đăng ký, chỉ không tới 1% là người đóng góp vào dự án trong tháng qua. Vì chỉ có 22 bảo quản viên – người nhận trách nhiệm dọn dẹp wiki – chúng ta dựa trên những người thường giúp đỡ về bất cứ mọi công việc trong dự án.[1]

Không giống các diễn đàn trên Web, Wikipedia tiếng Việt nói riêng không có “ban quản trị”, không ai có quyền lực kiểm soát, chỉ có những người thường muốn làm việc trên wiki một cách kỹ càng hơn. Ai nào đã đóng góp một thời gian tại Wikipedia có thể ra ứng cử bảo quản viên. Trong số ứng cử viên từ trước đến đây, khoảng nửa đã trở thành bảo quản viên.[2][3]

Wikipedia hiện có hơn 60.000 bài bách khoa và được các thành viên và những người vô danh đóng góp 1,6 triệu lần. Dự án chỉ có cộng đồng vì cởi mở đến độ này: chúng ta tin cậy rằng mọi người thực sự có ý tốt. Không tin như vậy thì chúng ta không xây dựng được tài nguyên khổng lồ trong thời gian ngắn như đang làm. Dĩ nhiên, sẽ có người phá hoại. Trên những đường phố đầy khách du lịch, đầy cảnh sát, vẫn thấy được graffiti nếu nhìn kỹ. Nhưng “Ai cũng vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội.”[4] Chúng ta không muốn phạt mọi người vì một người kia gây rối loạn.

Từ lúc Wikipedia bắt đầu đến nay, nhóm lập trình chú trọng về dùng phần mềm để ngăn trở phá hoại trong khi giữ thái độ cởi mở của dự án. Vì thế, chúng ta có thể xem lịch sử bài, lùi lại sửa đổi phá hoại, theo dõi các đóng góp của một thành viên, và cấm những người hoặc địa chỉ IP cố gắng phá hoại, trong khi vẫn có thể sửa đổi bài vô danh.

Chúng ta đã quen chống lại những vụ phá hoại rõ ràng, như tẩy trống bài. Cái thách thức hiện nay là kiếm thấy graffiti khó thấy, như thêm một câu sai hẳn vào bài viết dài. Bây giờ Wikipedia tiếng Đức và dự án tin tức Wikinews đang thử một loạt tính năng gọi Flagged Revisions (Phiên bản tuần tra). Các lập trình viên muốn từ từ thay đổi hệ thống wiki để đánh giá các sửa đổi, để cho độc giả có thể biết phiên bản hiện nay có chính xác hay không.

Nhóm lập trình đang nghĩ đến những học sinh. Cộng đồng Wikipedia đã bảo mọi người không nên dùng bách khoa toàn thư nào, không những Wikipedia, để chứng tỏ gì. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng Wikipedia làm nguồn, họ vẫn có thể gặp phá hoại. Không ai muốn học sinh đó gặp thông tin sai rồi tin tưởng những điều sai suốt đời.

Wikipedia chỉ là một dự án dưới chùm wiki gọi là Wikimedia, và ngoài số wiki trực thuộc Wikimedia, có rất nhiều wiki riêng, như VLOS, Baamboo Tra từ. Ngoài Wikipedia, tôi cũng tham gia vào dự án từ điển Wiktionary. Có thể coi rằng Wiktionary “cạnh tranh” với Baamboo Tra từ, nhưng mỗi dự án có điểm hay.

Trước đây, các dự án Wikimedia và nhiều wiki kia không có thể chia sẻ thông tin với nhau dễ dàng, vì vấn đề giấy phép. Từ lúc Wikipedia mở cửa, nó cung cấp thông tin theo những điều kiện trong Giấy phép Tài liệu Tự do GNU, một giấy phép ít dùng, trong khi phần nhiều wiki khác sử dụng một giấy phép Creative Commons. Quỹ hỗ trợ Wikimedia mới tuyên bố một thay đổi làm cho có thể chia sẻ thông tin giữa các wiki khác dễ dàng hơn, bắt đầu trong vòng vài tháng, nếu cộng đồng đồng ý.[5]

Tôi hy vọng rằng, với thay đổi này, Wikipedia không chỉ là sản phẩm của cộng đồng Wikipedia, mà là sản phẩm của cộng đồng wiki nói chung. Cộng đồng Wikipedia mới chỉ viết hai quyển A và B. Vào tương lai, nếu chúng ta thuyết phục đủ người cùng chỉnh sửa, tranh cãi, dịch, chúng ta sẽ viết được ít nhất 24 quyển.

“Cộng đồng” của Wikimedia ngoài Wikipedia rất nhỏ, tại vì nhiều người nghĩ phải xong việc Wikipedia trước. Wikipedia không bao giờ xong được. Chắc tương lai thế hệ sau sẽ tiếp tục công việc của chúng ta. Lúc đó, một người sẽ tình cờ ghé vào một bài không có tiếng tăm nào và đánh giá cao sự đóng góp của các bạn.

(Bài thuyết trình này còn sơ khai. Mời bạn góp sức thảo luận để cuộc họp này được hoàn thiện hơn.)

Chú thích[sửa]

  1. ^  “Thống kê.” Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở. Truy cập 7 tháng 11 năm 2008.
  2. ^  Conbo; Khương Việt Hà; Thaisk; v.v. (4 tháng 11 năm 2008). “Wikipedia:Biểu quyết chọn bảo quản viên/Đề nghị thành công.” Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở. Truy cập 7 tháng 11 năm 2008.
  3. ^  Conbo; Khương Việt Hà; Apple; v.v. (4 tháng 11 năm 2008). “Wikipedia:Biểu quyết chọn bảo quản viên/Đề nghị không thành công”. Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở. Truy cập 7 tháng 11 năm 2008.
  4. ^  Do Trịnh Nhật dịch từ “Everyone is innocent until proven guilty” trong “Đi guốc trong bụng”.
  5. ^  Möller, Erik (4 tháng 11 năm 2008). “GNU Free Documentation License 1.3 Released” (bằng tiếng Anh). Wikimedia Blog. Quỹ hỗ trợ Wikimedia. Truy cập 4 tháng 11 năm 2008.

Xem thêm[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này