Viết ghi chú từ sách giáo khoa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ghi chú rất tiện lợi cho việc tham khảo và ghi nhớ. Lý tưởng nhất là khi thông tin trong sách giáo khoa có thể giúp bạn xem xét lại và bổ sung kiến thức mà bạn đã học trên lớp. Tuy nhiên, một vài giáo viên lại muốn sinh viên tự tìm hiểu thêm thông tin trong sách và họ sẽ không hướng dẫn trực tiếp từ sách. Do đó, điều quan trọng là bạn cần phải đọc, hiểu, và ghi chú một cách hiệu quả từ sách giáo khoa.

Các bước[sửa]

Ôn lại chương[sửa]

  1. Biết rõ bài đọc được giao. Kiểm tra bất kỳ một giáo trình, lịch, hoặc ghi chú nào trên lớp có thể hướng dẫn bạn xác định đề mục mà bạn cần đọc trong sách giáo khoa.[1] Tốt nhất là bạn nên dành ra 5 phút để đọc từng trang sách đã được giao.[2] Nếu bạn đọc khá chậm, bạn sẽ cần phải tăng thêm lượng thời gian này.
  2. Đọc qua tiêu đề chính và tiêu đề phụ của chương.[2] Trước khi bắt đầu đọc hoặc ghi chú, bạn nên ôn lại chương. Hầu hết mọi loại sách giáo khoa đều đã được phân chia thành từng đề mục giúp bạn dễ tiếp thu hơn và thường bắt đầu bằng tiêu đề chính. Ôn lại chương và xem xét tiêu đề chính và phụ từ đầu đến cuối sẽ cung cấp cho bạn khái niệm cụ thể về độ dài và hướng đi của chương. Nó cũng sẽ giúp bạn nhận thức được từ khóa in đậm trong tiêu đề phụ trong quá trình đọc.
    • Ngoài ra, bạn cũng nên tìm kiếm từ ngữ được in đậm khác.[1] Chúng thường là khái niệm quan trọng hoặc từ vựng được định nghĩa trong chương hoặc trong phần chú giải.
    • Nếu sách giáo khoa mà bạn đang đọc không có bất kỳ một tiêu đề chính hoặc phụ nào, bạn nên tham khảo câu văn đầu tiên của từng đoạn văn.[2]
  3. Xem xét biểu đồ, đồ thị, hoặc biểu đồ thông tin bổ sung.[1][2] Nhiều sinh viên thường hay phớt lờ hoặc bỏ qua thông tin trong khung hoặc biểu đồ của chương. Tuy nhiên, đây là hành động sai lầm; thông tin đó sẽ là chìa khóa để bạn hiểu rõ hoặc xem xét lại khái niệm chính của chương. Xem xét tài liệu bổ sung (và đọc chú thích bên dưới hình ảnh hoặc biểu đồ) sẽ giúp bạn tập trung vào thông tin chủ chốt trong quá trình đọc.
  4. Tham khảo phần “câu hỏi ôn tập” phía cuối chương hoặc đề mục.[2] Câu hỏi ôn tập được hình thành để bảo đảm rằnh sinh viên nắm rõ “kiến thức tổng quát” hoặc khái niệm cần thiết của một đoạn văn bản nào đó. Đọc trước những câu hỏi này sẽ giúp bạn chú tâm vào hầu hết mọi khía cạnh quan trọng nhất của chương.

Đọc để hiểu[sửa]

  1. Tránh xa tác nhân gây xao nhãng. Loại bỏ mọi tiếng ồn hoặc yếu tố đánh lạc hướng trong môi trường xung quanh sẽ giúp bạn dễ dàng tập trung và tiếp thu thông tin mà bạn đã học.[3] Nếu bạn đang tìm hiểu tài liệu mới mẻ hoặc tham khảo về ý tưởng phức tạp, bạn cần phải tránh xa mọi sự xao nhãng. Bạn nên tìm kiếm khu vực yên tĩnh và thoải mái để bắt đầu đọc và học hỏi.
  2. Phân chia bài đọc được giao thành nhiều mục dễ quản lý hơn. Nếu bạn phải đọc một chương dài 30 trang, bạn nên cố gắng chia nó thành những mục nhỏ. Độ dài của từng mục sẽ tùy thuộc vào mức độ chú ý của bạn. Nhiều người cho rằng bạn nên phân chia bài đọc theo từng phần 10 trang,[2] nhưng nếu bạn gặp khó khăn trong việc tập trung và tiếp thu nhiều đoạn văn bản, bạn có thể phân chia bài đọc theo mỗi 5 trang. Bản thân chương cũng có thể được phân chia thành từng mục dễ quản lý hơn.
  3. Đọc một cách chủ động. Sẽ dễ để bạn đọc một thông tin nào đó theo cách bị động đến nỗi bạn cảm thấy rằng nó khá phức tạp hoặc nhàm chán. Đọc theo cách bị động diễn ra khi đôi mắt của bạn chú ý đến từng từ ngữ, nhưng bạn không thể lưu giữ bất kỳ một thông tin nào hoặc suy nghĩ về vấn đề mà bạn đọc. Để đọc theo kiểu chủ động, bạn nên cố gắng tư duy trong khi đọc. Điều này có nghĩa là tóm tắt lại ý tưởng, liên kết chúng với khái niệm khác mà bạn quen thuộc, hoặc tự đặt ra câu hỏi cho chính mình hoặc cho đề mục mà bạn đọc.
    • Để đọc sách một cách chủ động, bạn không nên ghi chú hoặc tô đậm bất kỳ thông tin nào trong lần đọc đầu tiên; thay vào đó, bạn chỉ cần tập trung đọc để hiểu.[2]
  4. Sử dụng công cụ để hỗ trợ cho sự hiểu biết của bản thân. Bạn nên nhớ bảo đảm rằng bạn hiểu rõ đoạn văn bản mà bạn đang đọc. Bạn có thể sẽ cần phải sử dụng từ điển hoặc chú giải trong sách hoặc bảng mục lục để xác định từ ngữ bạn không biết rõ.
    • Khi bước vào giai đoạn ghi chú, hãy viết ra từ khóa mới quan trọng cho từng chương kèm theo số thứ tự trang mà bạn đã tìm thấy thuật ngữ và định nghĩa đó. Bằng cách này, bạn có thể dễ dàng xem lại sách giáo khoa nếu cần.
  5. Tóm tắt điểm chính. Sau khi đọc qua từng mục của bài đọc (bất kể nó có là do bạn tự phân chia cho chính mình hay là theo sự phân chia có sẵn trong sách), bạn nên suy nghĩ về điểm chính. Cố gắng tóm tắt đề mục và xác định từ 1 đến 3 chi tiết quan trọng nhất.[2]
  6. Không nên đọc lướt qua tài liệu bổ sung. Hy vọng là bạn đã xem xét chúng kỹ càng, ví dụ như hình ảnh, biểu đồ, và đồ thị khi bạn ôn lại chương. Nếu không, bạn nên nhớ tham khảo chúng khi bạn đã đọc xong đề mục. Xem xét những chi tiết này sẽ giúp bạn tổng hợp thông tin.
    • Thông tin bổ sung loại này sẽ khá hữu ích đối với sinh viên có xu hướng học tập thông qua thị giác. Khi cố gắng gợi lại thông tin, biểu đồ hoặc đồ thị sẽ dễ nhớ hơn là thông tin thực tế.

Ghi chú[sửa]

  1. Chọn lọc một cách kỹ lưỡng. Bạn không nên viết ra mọi kiến thức trong sách. Và bạn cũng không nên chỉ ghi chú một dữ liệu thực tế duy nhất cho từng trang. Tìm kiếm sự cân bằng trong việc viết đầy đủ nhưng không quá nhiều có thể sẽ khá khó khăn, nhưng nó là chìa khóa để ghi chú hiệu quả. Sử dụng chiến lược đọc một đoạn văn và sau đó là tóm tắt lại nó sẽ giúp bạn ghi chép lại lượng thông tin phù hợp.
    • Tùy thuộc vào chủ đề và cấp độ của sách giáo khoa, viết từ 1 – 2 câu tóm tắt cho từng đoạn văn sẽ là tỷ lệ phù hợp cho việc ghi chú thông tin.
  2. Diễn giải lại thông tin từ bài đọc. Bạn nên viết ghi chú bằng ngôn ngữ riêng của mình.[1] Diễn giải lại thông tin sẽ cho thấy rằng bạn thật sự thấu hiểu kiến thức mà bạn đọc (sẽ khó để bạn viết một điều gì đó theo ngôn ngữ của mình nếu bạn không hiểu rõ ý nghĩa của nó). Nếu bạn sử dụng ngôn ngữ riêng để ghi chép, bạn sẽ cảm thấy chúng có nhiều ý nghĩa hơn khi xem lại chúng trong tương lai.
  3. Sử dụng quy cách phù hợp với bạn. Bạn có thể viết ghi chú dưới dạng danh sách thông tin theo từng gạch đầu dòng. Bạn cũng có thể viết ra mốc thời gian của sự kiện để bạn dễ dàng nhận thấy trật tự của từng vấn đề chứ không phải chỉ đơn giản là danh sách của hàng loạt các sự kiện. Hoặc là bạn có thể vẽ lưu đồ (biểu đồ phát triển) để nhấn mạnh sự nối tiếp. Hoặc bạn có thể phát thảo dàn ý truyền thống với ý tưởng chính nằm bên trên và ý tưởng hỗ trợ nằm bên dưới. Cuối cùng thì ghi chú cũng chỉ nhằm mục đích hỗ trợ cho việc học của bạn, vì vậy, tốt nhất là bạn nên ghi chép chúng theo cách có nghĩa nhất đối với bạn.
  4. Thêm vào nhân tố liên quan đến thị giác nếu có thể. Thêm sự trình bày bằng yếu tố trực quan trong ghi chú sẽ giúp ích khá nhiều cho người học tập bằng thị giác. Bạn nên ghi chép lại bản sao của biểu đồ thay vì viết ra thông tin về nó. Bạn có thể vẽ nên một mẩu truyện tranh đơn giản về sự kiện cụ thể hoặc sự tương tác giữa nhân vật. Không nên cho phép nhân tố trực quan khiến bạn bị phân tâm khỏi nhiệm vụ trước mắt – hiểu và ghi chú – nhưng thêm yếu tố liên quan đến thị giác vào ghi chú sẽ giúp bạn tổng hợp hoặc ghi nhớ tài liệu một cách hiệu quả hơn.
  5. Sắp xếp ghi chú một cách có nghĩa. Tùy thuộc vào chủ đề, bạn có thể sắp xếp ghi chú của bạn theo cách cụ thể. Sắp xếp ghi chú lịch sử theo thứ tự thời gian sẽ là biện pháp hợp lý nhất (hoặc thậm chí là theo dạng mốc thời gian). Tuy nhiên, ghi chú khoa học cần phải được ghi chép theo trình tự nối tiếp để cho thấy khái niệm chính trước khi tiến đến những yếu tố khác.
    • Nếu bạn không biết cách để tổ chức lại ghi chú của mình, bạn nên tận dụng thứ tự theo như sách giáo khoa. Thông tin được viết theo một trật tự cụ thể trong sách thường sẽ có một lý do nào đó.

Tận dụng ghi chú cho việc học tập trên lớp[sửa]

  1. Chú ý đến bài giảng trên lớp. Thầy cô thường sẽ nêu rõ chương hoặc đề mục trong sách giáo khoa có liên quan đến bài kiểm tra sắp đến. Biết rõ thông tin này trước khi tiến hành đọc sách sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và năng lượng, và cho phép bạn tập trung vào yếu tố quan trọng nhất.[4]
    • Ghi chép lại bất kỳ điều gì mà giáo viên viết trên bảng. Chúng thường sẽ có liên quan đến cuộc thảo luận và bài tập hoặc bài kiểm tra trong tương lai.
    • Tham khảo ý kiến của người hướng dẫn xem liệu họ có cho phép bạn sử dụng thiết bị ghi âm cá nhân để lưu lại bài giảng và lắng nghe tại nhà. Bất kỳ một yếu tố nào mà bạn bỏ lỡ trong quá trình viết ghi chú trên lớp sẽ có mặt trong bản ghi âm, và bạn có thể ghi chép lại thông tin đó sau giờ học.
  2. Tìm hiểu cách để viết tốc ký. Sẽ khó để bạn ghi chú một cách nhanh chóng khi giáo viên đang giảng bài. Học cách để viết tốc ký là biện pháp tuyệt vời để bảo đảm rằng ghi chú của bạn trong lớp học bao gồm đầy đủ mọi thông tin mà thầy cô muốn bạn hiểu rõ.
    • Viết ra mọi tên gọi, địa điểm, ngày tháng, sự kiện và khái niệm quan trọng. Nếu bạn viết về chúng, bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ chi tiết cụ thể xoay quanh những nhân vật hoặc địa điểm này khi bạn xem lại sách giáo khoa.
    • Ghi chép thêm một vài gợi ý ngắn gọn theo sau chủ đề chính. Chúng có thể chỉ là một vài từ hoặc một câu văn ngắn, nhưng chúng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tên gọi hoặc ngày tháng mà bạn đã ghi chú trong khi nghe giảng bài.
  3. Xem lại ghi chú trên lớp của bạn. Bây giờ thì bạn đã có sẵn ghi chép về bài giảng tên lớp, bạn nên xem lại chúng để bắt đầu tìm hiểu về chủ đề quan trọng được trình bày trong lớp học.
    • Cố gắng đọc lại ghi chú ngay sau khi kết thúc buổi học. Xem xét lại ghi chú ngay sau khi buổi học kết thúc sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin lâu hơn.
  4. Kết hợp giữa ghi chú trên lớp và ghi chú từ sách giáo khoa. Nếu bạn đã ghi chú lại bài giảng trên lớp và trong sách giáo khoa, bạn có thể kết hợp và so sánh chúng với nhau. Bạn nên xác định bất kỳ yếu tố nào được nhấn mạnh trong sách giáo khoa và từ giáo viên của bạn; chúng thường sẽ là khái niệm vô cùng quan trọng.

Sử dụng ghi chú[sửa]

  1. Nghiên cứu ghi chú của bạn. Bạn có thể xem chúng như hướng dẫn học tập cho kỳ thi sắp đến. Viết lách sẽ giúp bạn ghi nhớ một vài thông tin cụ thể, nhưng bạn sẽ không thể nhớ rõ bất kỳ điều gì trong sách giáo khoa nếu bạn không nghiên cứu ghi chép của mình. Xem lại ghi chú sẽ giúp bạn không thể quên khái niệm chính và thuật ngữ cụ thể, thậm chí là sau một vài tháng.
  2. Chia sẻ ghi chú. Nếu bạn cùng học với những sinh viên khác trong lớp, bạn nên trao đổi và chia sẻ ghi chú. Đây là chiến lược khá hữu ích, vì mỗi người khác nhau có thể tập trung hoặc nhấn mạnh khái niệm khác nhau. Ngoài ra, nếu bạn bè hoặc bạn học của bạn nghỉ học hoặc không hiểu rõ một kiến thức nào đó, bạn có thể giúp đỡ người đó bằng cách chia sẻ ghi chép của mình.
  3. Sử dụng thẻ ghi thông tin (flash card). Nếu kỳ thi sắp đến gần, bạn có thể di chuyển ghi chú của mình vào thẻ ghi thông tin. Chúng sẽ giúp bạn dễ dàng học tập và ghi nhớ tên gọi, ngày tháng và định nghĩa hơn.[5] Ngoài ra, bạn có thể sử dụng chúng để hợp tác và học cùng sinh viên khác hoặc học nhóm vì biện pháp này sẽ giúp cải thiện kết quả kiểm tra.[6]

Lời khuyên[sửa]

  • Sắp xếp thời gian. Sẽ dễ để bạn cảm thấy choáng ngợp bởi mọi kiến thức mà bạn cần phải học, nhưng nếu bạn ghi chú đầy đủ và quản lý tốt thời gian của mình, mọi chuyện sẽ trở nên dễ quản lý hơn.
  • Ghi chép ngày tháng và tiêu đề chính trong ghi chú để duy trì sự tổ chức. Bạn cũng có thể viết số trang cho ghi chú của mình nếu chúng tách rời nhau hoặc nếu bạn dự định loại bỏ chúng khỏi sổ tay.[1]
  • Viết điểm chính. Bạn không nên viết ra toàn bộ câu văn, bạn chỉ cần viết về thông tin chính. Phương pháp này sẽ giúp ích cho bạn khi cần phải xem lại ghi chú và học tập vì bạn sẽ không cảm thấy rối ren bởi vô vàn chữ viết.
  • Tìm hiểu thói quen học tập phù hợp nhất đối với bạn. Cho dù là bạn làm việc tốt nhất vào buổi sáng hay buổi tối, theo sát lịch trình cố định cho quá trình đọc, ghi chú, và xem lại ghi chú của mình sẽ giúp bạn đi đúng hướng trong học tập.
  • Duy trì sự tỉnh táo cho tâm trí. Thư giãn, duỗi cơ bắp, và nghỉ giải lao.
  • Hình thành 1 – 2 điểm tóm tắt cho từng đoạn văn bản; sau đó, sử dụng chúng để tạo nên bản tóm tắt chung cho đề mục.
  • Nếu bạn không hiểu rõ ý nghĩa của bài đọc, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy cô và viết lại bài đọc để có thể hiểu nó hơn.
  • Nếu có thể, hãy sử dụng màu sắc. Bộ não của bạn bị thu hút bởi màu sắc và phương pháp này sẽ giúp bạn ghi nhớ các chương mà bạn cần phải xem lại trong sách giáo khoa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]