Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ loãng xương
Các nhà khoa học tại Trường Y tế Cộng đồng Mailman thuộc Đại học Columbia, Mỹ, phát hiện việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí The Lancet Planetary Health vào tháng 11/2017.
Nhóm nghiên cứu phân tích kết quả khám sức khỏe của 9,2 triệu người dân đăng ký chương trình Medicare của Chính phủ Mỹ với mục đích chăm sóc người già trên 65 tuổi, từ năm 2003 đến năm 2010.
Họ nhận thấy các trường hợp nhập viện do gãy xương thường sống tại những nơi có nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ở mức cao (bụi PM2.5 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm). Ngoài ra, sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 dù nhỏ cũng làm tăng khả năng gãy xương ở người lớn tuổi.
Các nhà khoa học cho biết, các hạt bụi, trong đó có bụi PM2.5, có thể làm gia tăng khả năng loãng xương ở người cao tuổi. Việc hút thuốc, trong đó có chứa nhiều thành phần hạt bụi, cũng có liên quan đến loãng xương. Thậm chí, những người sống tại khu vực nồng độ bụi PM2.5 cao hoặc ô nhiễm không khí có lượng hormone ở tuyến cận giáp thấp hơn so với người bình thường. Hormone tuyến cận giáp ảnh hưởng đến quá trình hình thành canxi và mật độ khoáng chất của xương, do đó làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Nguồn[sửa]
- Bản gốc: Sciencedaily
- Bản dịch: Tạp chí Tia sáng, Quốc Hùng lược dịch