Đèn gốm Biên Hòa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ở phố đồ cổ Lê Công Kiều vẫn còn rải rác những đôn đèn, bình đèn gốm Biên Hoà xưa được giới sưu tập săn lùng. Ở một góc vườn, những bình đèn, đôn đèn gốm Biên Hoà là điểm nhấn trang nhã, tôn lên vẻ đẹp của những nét chạm lộng mang nhiều hình dạng khác nhau. Chính sự kết hợp hài hoà giữa kiểu dáng phương Tây và chất liệu Việt đã tạo nên những sản phẩm có giá trị vượt thời gian.

Gốm Biên Hoà đã nổi danh từ lâu nhờ tính hiện đại trong kiểu dáng kết hợp với hoạ tiết, nét chạm lộng, khảm men (inlay) - khắc chìm và tô men. Khi nghiên cứu về các sản phẩm gốm cổ truyền mang vẻ đẹp nghệ thuật Á Đông, hai ông bà Balick người Pháp (hiệu trưởng Trường Mỹ Nghệ Biên Hoà từ 1923) đã hướng vào đột phá hai mục tiêu cho dòng gốm Biên Hoà, đó là: màu men và kiểu dáng, mẫu mã và bản địa. (*)

Sự kết hợp giữa Tây và ta đã cho ra đời những sản phẩm gốm Biên Hoà độc đáo ở nhiều thể loại khác nhau như tượng, bình, đôn, chậu, đĩa trang trí, ấm chén, bình đèn… Qua bao thập kỷ, những sản phẩm này tồn tại trong những ngôi nhà từ thành thị đến nông thôn, trong những bộ sưu tập của các nhà sưu tầm cổ vật trong và ngoài nước. Chẳng hạn như bộ sưu tập tiêu biểu về mỹ thuật gốm Biên Hoà thập niên 1950 của bà Dorothy Bloomfield tại Washington D.C, bộ sưu tập của ông Đào Văn Hiến (TPHCM)…

Ngày nay, các thầy trò Trường Mỹ nghệ Biên Hoà - hiện là Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai - vẫn tiếp bước các thế hệ đi trước để tạo ra những sản phẩm gốm mỹ thuật, phát huy thế mạnh của dòng gốm Biên Hoà. Một trong những thể loại gốm đang được khai thác mạnh phục vụ cho trang trí nội thất đó là bình đèn, bao gồm các loại đèn trang trí, đèn ốp tường, đèn ngủ, đèn sân vườn, đèn cổng…

Bình đèn trước đây của dòng gốm Biên Hoà được thể hiện khá đơn điệu, chủ yếu có dáng tròn, dáng ống, với các nét chạm lộng (chạm xuyên lủng) chỉ để làm đèn lọng treo trên trần nhà. Đề tài này ít được các nghệ nhân gốm Biên Hoà khai thác. Kể từ năm 2000, khoa gốm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đi vào thiết kế bình đèn với những mẫu mã mới, đảm bảo vẻ đẹp mỹ thuật mà không làm mất đi những đặc trưng cơ bản của dòng gốm Biên Hoà như nét khảm men, màu men, đặc biệt là men "xanh đồng trổ bông" (dưới màu men xanh xuất hiện lốm đốm những chấm nhỏ đều, màu vàng óng).

Nhiều mẫu bình đèn mới của dòng gốm Biên Hoà đã đoạt giải cao tại các kỳ liên hoan như tác phẩm Sinh đôi - giải “Tinh hoa Việt Nam” tại Festival Huế 2004…

(nguồn Khám Phá)