Điều gì xảy ra với phê bình nghệ thuật? (phần 2)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

2. Làm sao quy được phê bình nghệ thuật về một mối

Nếu phác họa một hình ảnh về phê bình nghệ thuật hiện nay, nó sẽ hiện ra như một con linh xà với bẩy chiếc đầu có tính truyền thống. Chiếc thứ nhất đại diện cho dạng tiểu luận viết cho catalogue, dạng viết lách do các gallery thương mại đặt hàng. (Từng có ý kiến cho rằng dạng tiểu luận viết cho catalogue không phải phê bình nghệ thuật bởi chúng phải thỏa mãn nhu cầu bơm thổi. Song cũng xuất hiện một câu hỏi: Nếu chúng không phải là phê bình nghệ thuật, vậy chúng là gì?). Cái đầu thứ hai là dạng khảo luận kinh viện, tức những gì phô ra một phạm vi rộng lớn các tham chiếu văn hóa và triết học bí hiểm, từ Bakhtin tới Buber, hay từ Benjamin tới Bourdieu. Dạng này là mục tiêu thường thấy của những cuộc công kích bảo thủ. Cái đầu thứ ba là dạng phê bình văn hóa, ở đó mỹ thuật và các hình ảnh đại chúng bị sáp trộn đến mức phê bình nghệ thuật chỉ còn như một gia vị thêm nếm. Cái đầu thứ tư là dạng thuyết giảng bảo thủ, ở đó, tác giả dạy dỗ về việc nếu là nghệ thuật thì phải trông ra sao. Cái đầu thứ năm là dạng tiểu luận của triết gia, nơi tác giả chứng minh sự trung thành (hay vai trò phái sinh) của nghệ thuật với các khái niệm triết học chọn lọc. Cái đầu thứ sáu là dạng phê bình nghệ thuật miêu tả, tức những gì theo khảo sát của đại học Columbia, hiện đang rất được ưa chuộng; Xu hướng của dạng thứ sáu này là nồng nhiệt, song không phán xét, và thông qua sự khêu gợi trí tưởng tượng, mang đem độc giả tới với những nghệ phẩm mà họ không có dịp xem trực tiếp. cái đầu thứ bảy là dạng phê bình nghệ thuật có tính thơ, ở đó tự thân bài viết quan trọng hơn những gì nó miêu tả hay bình phẩm. Dạng phê bình này, cũng theo khảo sát của đại học Columbia, đứng thứ ba trong thang bậc các dạng phê bình được các phê bình gia ưa chuộng, song tôi ngờ rằng nó cũng là một trong trong những dạng được ưa chuộng nhất với tất cả chúng ta.

Tôi không có ý cho rằng đây là những chiếc đầu của chỉ duy nhất một con linh xà, hay rằng không thể đếm lại những chiếc đầu ấy theo một kiểu khác. Phê bình gia Peter Plagens từng đề nghị một chuẩn khác gồm ba dạng phê bình, và với rất nhiều cây viết sự phân chia quan trọng nhất chỉ là giữa giới kinh viện và những gì không thuộc về nó. Bẩy chiếc đầu này vặn vẹo, kết hợp với nhau, có khi sinh ra thêm nhiều đầu hơn nữa, hay có khi, lại biến thành đúng một cái đầu duy nhất với vô số giọng điệu tương phản. Tuy nhiên, một hình dung về thực hành tổng hợp của phê bình nghệ thuật hầu như luôn ổn với bẩy nhánh khác nhau. Ít ra, là với tôi.

Trước khi bắt đầu đi sâu vào bức tranh của phê bình nghệ thuật, Xin có vài lời về các ví dụ tôi chọn ra để minh họa cho bẩy dạng phê bình. Một vài người mà tôi đề cập tới là bạn bè hay người tôi quen biết Tôi hy vọng những gì tôi nói về họ là công bằng – song, quả thật là rất khó để phê bình sự phê bình! Điều này hiếm khi được thực hiện, và chính vì thế, các phê bình gia nghệ thuật ít khi lôi nhau ra để cãi vã như những gì thường thấy trong phê bình văn chương hay trong các tranh cãi kiểu kinh viện. (ngoại trừ thỉnh thoảng lắm mới có lá thư giận dữ do độc giả gửi đăng, dạng phê bình nghệ thuật trên báo hầu như miễn dịch với các cuộc tranh luận). Nhìn từ mọi góc độ, mối quan tâm chủ yếu của tôi không phải về các cây viết hay trước tác được dẫn ra, mà về vấn đề bao quát của việc tìm hiểu nghệ thuật thị giác hiện nay đang được mô tả ra làm sao.

(còn tiếp)

Liên kết nội[sửa]

Tác giả[sửa]

  • “What Happened to Art Criticism”, James Elkins, Prickly Paradigm Press Chicago, 2003
  • Chuyển ngữ bởi nghệ sỹ thị giác Nguyễn Như Huy (tác giả đã đồng ý cho phép đăng lại bài dịch trên Thư viện Khoa học VLOS)

Liên kết đến đây