Để người trẻ là rường cột của đất nước

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Từ nhiều năm nay, cứ đến các lần đại hội Đảng trong các tổ chức - cơ quan - đơn vị thuộc hệ thống chính trị, người ta lại được nghe nhiều ý kiến cảnh báo về hiện trạng thiếu hụt đội ngũ kế cận - theo cách hiểu thông thường là thiếu cán bộ trẻ.


Theo những người từng có trọng trách, vào thời đại này không thể chấp nhận cách hiểu “trẻ” chỉ thuần túy là tuổi sinh học như nhiều vị lãnh đạo vẫn quan niệm lâu nay, mà phải bao hàm các tố chất vốn có của tuổi trẻ:

Sự trẻ trung về tính cách và tư duy; sự khỏe khoắn, trong sáng về thể chất và tinh thần; sự sung sức về tri thức khoa học và kỹ năng làm việc; sự dấn thân và sẵn sàng đón nhận thử thách. Sẽ là vô lý, bất công và phi lịch sử nếu đòi hỏi loại cán bộ này có ngay vốn sống và sự trải nghiệm như các bậc tiền bối cha anh.

Trong nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức của hệ thống chính trị hiện hữu, thật khó tìm được loại cán bộ trẻ như cách hiểu trên bởi các rào cản từ phía hệ thống. Trước hết, từ những cấm kỵ bất thành văn cùng cách nhìn thiển cận sai lệch của bộ phận làm nhân sự như “chủ nghĩa lý lịch”, “có thân có thế”, quen biết..., người ta có thể loại bỏ hoặc chọn lựa người nào đó mà phần nhiều không căn cứ vào năng lực thật sự và khả năng cống hiến của họ.

Nhiều người bị loại mà không biết rõ lý do đích thực là gì. Số này có năng lực nên họ vẫn tìm được cho mình một vị trí trong xã hội, song niềm tin và nhiệt huyết của họ bị tổn thương nghiêm trọng. Không hiếm người được chọn lựa do cảm tính, kiểu “tâm đầu ý hợp” với người có quyền hoặc do gửi gắm “có qua có lại”, nhưng lại được bao bọc dưới lớp vỏ bảo đảm tiêu chuẩn này nọ.

Đã xuất hiện tình trạng như sau và cũng là lời cảnh báo cho hệ thống chính trị: nhiều người trẻ có thực học, có năng lực thật sự, có khát vọng khẳng định và cống hiến đang dần xa lánh hệ thống chính trị của đất nước.

Với đầu vào như trên, nhiều cơ quan - đơn vị - tổ chức trong hệ thống chính trị hiện vẫn có nhiều cán bộ trẻ nhưng chất lượng là đáng lo ngại. Có thể chia làm ba nhóm sau:

  1. Nhóm trẻ thuần tuổi sinh học. Số này có học vấn và năng lực trung bình. Theo quan điểm của các vị có thẩm quyền thì số này có lịch sử chính trị gia đình và bản thân tốt, sẽ đào tạo dần qua thực tiễn để có đội ngũ kế cận trong tương lai. Chưa thấy tổng kết hiệu quả thật sự của cách làm này ra sao.
  2. Nhóm được đánh giá là đang khẳng định và phát huy. Số này có năng lực trung bình khá, nếu còn nỗ lực thật sự vẫn có chiều hướng phát triển; còn nếu tự bằng lòng sẽ sớm dẫn tới già nua hóa từ tác phong đến tư duy, sớm trở thành bản sao của các vị lãnh đạo cấp trên họ.
  3. Có một bộ phận người trẻ được đào tạo học hành trường lớp khá bài bản, có tri thức khoa học và kiến thức chuyên môn khá tốt nhưng khi vào bộ máy thì hoặc tự mình hoặc bị tước bỏ mất tính năng động và sự sáng tạo vốn có của người trẻ, và để tồn tại, số này không còn hoặc không dám là chính mình nữa.

Tóm lại, điểm chung nhất của ba nhóm trong cán bộ trẻ kể trên là sự cam chịu chấp hành như một cái máy để yên thân, xếp hàng chờ ngày được các bậc trưởng thượng để mắt cất nhắc theo lối mòn “sống lâu lên lão làng”. Đây là hệ lụy tất yếu và là chu kỳ mới của cái vòng lẩn quẩn có vẻ chưa có lối thoát mà lỗi phần nhiều thuộc về hệ thống.

Tình hình trên đặt ra hai loại vấn đề phải giải quyết sớm nếu thật sự muốn có sinh lực mới trong hệ thống chính trị.

Loại thứ nhất, phía người trẻ đang làm việc trong hệ thống. Trong khi chưa thể làm được những gì lẽ ra phải làm, những người trẻ cần làm việc đúng khả năng mình có, phải là chính mình, xem đó là phẩm chất hàng đầu của lòng trung thực.

Trong mọi công việc phải đề cao tinh thần phục vụ đối tượng công tác nhưng không được xem nhẹ tính hiệu quả; cần nắm chắc các chuẩn mực - nguyên tắc và phương pháp khoa học có giá trị phổ quát của ngành và lĩnh vực mình làm, song không vì thế mà triệt tiêu tính cách hoặc tư chất riêng cùng những ý tưởng mới. Nên nhớ không phải mọi lý thuyết đều đúng ở mọi thời gian và không gian. Không vì sợ sai sót mà thụ động không dám nghĩ và làm điều mới mẻ.

Mặt khác, phải dũng cảm và trung thực nhận khuyết điểm khi có sai sót. Về phương pháp, cần chú trọng kết hợp hài hòa ba việc: chấp hành công vụ; độc lập tìm tòi nghiên cứu; và hợp tác, tương trợ, sẵn sàng học hỏi đồng sự, đồng nghiệp.

Loại thứ hai, cần cuộc cách mạng về quan điểm và đường lối cán bộ trong hệ thống chính trị, mà trước hết là ở hai vấn đề cụ thể dưới đây:

1.Cần xem lại cái gọi là “qui hoạch đội ngũ kế cận”. Cách làm hiện nay thực chất là lập ra một lộ trình với trật tự mà ai cũng biết: sống lâu lên lão làng.

Cần nghiêm túc nghiên cứu loại ý kiến cho rằng không phải ở mọi vị trí trong mọi tổ chức - cơ quan - đơn vị của hệ thống chính trị, mà chỉ ở cấp tối cao và đứng đầu các bộ ngành, các địa phương mới cần làm qui hoạch đội ngũ kế cận; còn ở các cấp trung gian và thừa hành, ai làm được việc thì để, ngược lại phải thay thế đáp ứng ngay yêu cầu công tác.

2. Cần thay đổi cách thức tổng kết công tác cán bộ như lâu nay vẫn làm để tiếp cận loại việc này từ một hướng khác, với phương pháp khác hẳn cách cũ, theo đó: hãy phân tích xem trong tất cả cán bộ nói chung và cán bộ trẻ bị hư hỏng - thoái hóa từ Đổi mới đến nay có bao nhiêu người bảo đảm các tiêu chuẩn chính trị hiện hành, bao nhiêu là ngược lại.

Có lẽ khó có trường hợp nào là không bảo đảm và nếu đúng vậy thì cần dũng cảm xem xét lại và loại bỏ những qui định mà trước đây có thể là đúng nhưng hiện thực cuộc sống kiểm nghiệm cho thấy không còn phù hợp nữa.

Chỉ có như vậy, công tác nhân sự nói chung mới được tiến hành theo quan điểm và tư duy mới; những người trẻ có phẩm chất và năng lực vượt trội mới có thể đứng ra gánh vác các trọng trách để thật sự là rường cột của đất nước, của dân tộc.

Tác giả[sửa]

Minh Sơn, (nguồn báo Tuổi Trẻ)

Liên kết đến đây