Điều trị bệnh cúm

Từ VLOS
(đổi hướng từ Điều trị Bệnh Cúm)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus, tác động đến hệ hô hấp, nhưng thường tự khỏi trong khoảng một tuần và không cần sự can thiệp đặc biệt. Những triệu chứng của bệnh cúm bao gồm: sốt từ 37,8°C trở lên, lạnh, ho, đau họng, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, đau đầu, nhức mình, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, và / hoặc tiêu chảy.[1] Mặc dù không có cách nào để chữa khỏi bệnh cúm, nhưng bạn có thể xử trí những triệu chứng bằng các cách điều trị ở nhà, uống thuốc không cần toa, và thực hiện các bước tránh bệnh cúm trong tương lai.

Các bước[sửa]

Điều trị Tại Nhà[sửa]

  1. Xông hơi. Ngạt mũi và tắc nghẽn các xoang là những triệu chứng thông thường của bệnh cúm. Xông hơi có thể khiến bạn dễ chịu nếu bị ngạt mũi. Sức nóng của hơi làm loãng chất nhầy, đồng thời tạo độ ẩm giúp làm nhẹ hốc mũi bị khô.[2]
    • Thử tắm nước nóng dưới vòi sen hoặc trong bồn tắm để giúp thông mũi nhanh hơn. Vặn nước nóng đến độ mà bạn còn chịu được, để hơi nước đầy bồn tắm và đóng cửa lại. Nếu sức nóng khiến bạn mệt hoặc chóng mặt thì bạn cần ngưng ngay lại và đừng tiếp tục.
    • Khi bước ra khỏi vòi sen, bạn lau tóc và người cho thật khô. Tóc ướt có thể khiến bạn bị mất thân nhiệt; điều này không tốt khi bị ốm.
    • Bạn cũng có thể xông hơi bằng cách đổ nước nóng đầy bồn tắm và hơ mặt bên trên. Phủ khăn quanh đầu để hơi nước tỏa vào mặt. Bạn cũng có thể thêm vài giọt tinh dầu giúp thông xoang như khuynh diệp hoặc bạc hà cay để có hiệu quả tối đa.
  2. Thử dùng bình rửa mũi. Bình rửa mũi giúp thông đường mũi bằng cách làm loãng và súc rửa các xoang với dung dịch muối. Bình rửa mũi là một bình gốm hình thuôn hoặc ấm trà bằng đất sét có bán trên mạng, trong các cửa hàng thực phẩm chức năng và một số hiệu thuốc. Tuy nhiên, bạn có thể dùng bất cứ vật đựng nào có vòi nhỏ.
    • Mua dung dịch muối ở cửa hàng thực phẩm chức năng hoặc hiệu thuốc. Nhưng bạn cũng có thể tự pha dung dịch muối bằng cách hòa nửa thìa cà phê muối sạch vào một cốc nước (240ml) vô trùng.
    • Đổ dung dịch muối đầy bình rửa mũi, nghiêng đầu vào một bên bồn rửa, cho vòi của bình vào một bên mũi. Từ từ rót sao cho dung dịch đi vào lỗ mũi bên này và đi ra bằng lỗ mũi bên kia. Khi nước hết nhỏ giọt, bạn nhẹ nhàng lau khô mũi, sau đó lặp lại với bên còn lại.[3]
  3. Súc miệng nước muối. Cổ họng khô, dính và đau là triệu chứng thường gặp của bệnh cúm. Cách tự nhiên và dễ dàng để xử lý là súc miệng nước muối. Nước giúp làm ẩm cổ họng và chất khử trùng của muối chống nhiễm trùng.[4]
    • Pha dung dịch súc miệng bằng cách hòa tan một thìa cà phê muối trong một cốc nước ấm hoặc nóng. Nếu không thích vị muối, bạn có thể cho vào một nhúm muối nở để giảm vị mặn.
    • Súc miệng nước muối đến 4 lần mỗi ngày.
  4. Cứ để cơn sốt nhẹ diễn ra tự nhiên. Sốt là một cách để cơ thể chống nhiễm trùng, vì vậy tốt nhất là không tìm cách hạ sốt trừ khi thân nhiệt tăng quá cao. Cơn sốt sẽ làm nóng cơ thể và máu, giúp cơ thể chống chọi với tình trạng nhiễm trùng dễ dàng hơn.[5]
    • Người lớn sốt nhẹ ở nhiệt độ 38,3°C có thể để cơn sốt diễn ra tự nhiên. Bạn không nên cố gắng giảm thân nhiệt bằng các phương pháp hạ sốt.
    • Tìm cách chăm sóc y tế nếu sốt cao trên 38,3°C.
    • Tìm cách điều trị cho trẻ sơ sinh khi bị sốt dưới bất cứ dạng nào.[6]
  5. Xì mũi càng nhiều càng tốt. Xì mũi thường xuyên là cách tốt nhất để loại bỏ chất nhầy ở các xoang và hốc mũi khi bị cúm. Không hít chất nhầy trở lại trong mũi vì việc đó có thể sẽ dẫn đến gây áp lực lên xoang và đau tai.[5]
    • Khi xì mũi, bạn dùng khăn giấy che mũi bằng cả hai tay. Khăn giấy phải phủ kín mũi để có thể hứng hết chất nhầy khi bạn xì mũi. Sau đó nhẹ nhàng đè lên một bên cánh mũi và xì ra bên kia.
    • Vứt bỏ ngay khăn giấy đã dùng và rửa tay để hạn chế virus lây lan.

Chăm sóc Bản thân[sửa]

  1. Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Khi bị ốm, cơ thể của bạn hoạt động tích cực để giúp bạn cảm thấy khá hơn. Việc này rút hết năng lượng trong cơ thể, do đó bạn sẽ thấy mệt hơn bình thường. Điều này cũng có nghĩa là bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn, vì cơ thể bạn đang rất vất vả. Nếu cứ cố làm việc hơn mức cần thiết, bạn có thể khiến cho bệnh cúm kéo dài hơn và làm nặng thêm các triệu chứng.
    • Tám tiếng ngủ mỗi đêm là lý tưởng, nhưng có lẽ bạn cần ngủ nhiều hơn tám tiếng khi bị ốm. Bạn hãy ngủ sâu và thỉnh thoảng chợp mắt suốt cả ngày.[7] Nghỉ học hoặc nghỉ làm để có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ.
  2. Giữ ấm cơ thể. Giữ thân nhiệt cao có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục. Chú ý bật máy sưởi trong nhà để có đủ độ ấm. Bạn cũng có thể giữ ấm bằng cách mặc áo khoác, đắp chăn hoặc dùng máy sưởi di động.
    • Máy sưởi khô có thể gây khó chịu cho mũi và họng, khiến mũi họng khô hơn và các triệu chứng nặng hơn. Thử dùng máy tạo ẩm khi bạn thường ở trong phòng. Việc này sẽ tạo lại độ ẩm cho không khí, giúp làm dịu ho và ngạt mũi.[8]
  3. Nghỉ ở nhà. Khi bị ốm, bạn cần được nghỉ ngơi. Đây là cách duy nhất để bạn lấy lại sức lực và phục hồi sức khỏe. Nếu đi học hoặc đi làm khi bị ốm, bạn có thể làm lây lan vi khuẩn cho những người xung quanh. Ngoài ra, khi bị cúm, hệ miễn dịch của bạn sẽ yếu hơn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có nguy cơ nhiễm các bệnh khác từ những người xung quanh và có thể bị ốm lâu hơn.[4]
    • Đề nghị bác sĩ ghi giấy cho bạn nghỉ ốm vài ngày.
  4. Uống nhiều chất lỏng. Xì mũi liên tục, đổ mồ hôi do sốt và nhiệt độ môi trường tăng khiến bạn bị mất nước. Điều này sẽ làm các triệu chứng xấu hơn và gây thêm các triệu chứng khác, ví dụ như đau đầu, cổ họng khô, ngứa. Khi bị ốm, bạn hãy cố gắng uống nhiều chất lỏng hơn bình thường. Bạn có thể uống trà nóng không có caffeine, ăn súp hoặc các loại hoa quả nhiều nước như dưa hấu, cà chua, dưa chuột và dứa, hoặc uống nước và nước quả nhiều hơn.
    • Tránh các loại soda có đường, vì soda có tác dụng lợi tiểu khiến bạn đi tiểu nhiều hơn và gây mất nước. Hãy uống bia gừng nếu bạn bị rối loạn dạ dày, nhưng nhớ uống thêm nước.[7]
    • Để đánh giá tình trạng mất nước, bạn hãy kiểm tra nước tiểu. Nước tiểu màu vàng nhạt hoặc gần như trong suốt có nghĩa là bạn không bị mất nước. Nếu nước tiểu màu vàng đậm, có thể bạn đã bị mất nước và cần uống nhiều hơn.[9]
  5. Tìm sự giúp đỡ y tế nếu cần thiết. Không có cách nào để chữa khỏi sau khi đã bị cúm, vì vậy bạn phải chịu đựng và vượt qua. Khi đã bị cúm, những triệu chứng sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nếu những triệu chứng bệnh kéo dài quá hai tuần, bạn nhất định phải liên hệ với bác sĩ. Bạn cũng nên đến bác sĩ nếu thấy những dấu hiệu sau:[10]
    • Khó thở
    • Chóng mặt đột ngột hoặc mất ý thức
    • Nôn dữ dội hoặc dai dẳng
    • Lên cơn co giật
    • Những triệu chứng cúm đã cải thiện nhưng sau đó sốt lại và ho nhiều hơn

Dùng Thuốc Không Kê Toa và Thuốc Kê Toa[sửa]

  1. Uống thuốc thông mũi. Thuốc thông mũi giúp làm co mạch máu bị căng trong màng mũi, cho phép hốc mũi hết bị ngạt. Hai loại dược chất thông mũi không kê toa có dạng viên nén để uống là phenylephrine, như Sudafed PE, và pseudoephedrine, Sudafed.
    • Các tác dụng phụ của thuốc uống thông mũi này là mất ngủ, chóng mặt, tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
    • Không uống thuốc thông mũi nếu bạn có vấn đề về tim hoặc huyết áp cao. Sử dụng thuốc dưới sự theo dõi của bác sĩ nếu bạn có bệnh tiểu đường, bệnh về tuyến giáp, tăng nhãn áp hoặc có vấn đề về tiền liệt tuyến.[11]
  2. Dùng thuốc xịt thông mũi. Bạn cũng có thể mua thuốc không kê toa dưới dạng xịt mũi. Thuốc xịt mũi có thể giúp thông mũi nhanh chóng và hiệu quả chỉ trong một hoặc hai lần xịt.
    • Chai xịt mũi có thể chứa oxymetazoline, phenylephrine, xylometazoline, hoặc naphazoline có tác dụng thông mũi.
    • Chú ý dùng thuốc xịt thông mũi theo liều hướng dẫn. Dùng thuốc này quá ba đến năm ngày có thể gây ngạt mũi hơn sau khi ngừng sử dụng.[12]
  3. Thử uống thuốc giảm đau và hạ sốt. Nếu bị sốt và đau nhức, bạn có thể uống thuốc không kê toa để bớt đau. Hoạt chất chủ yếu giảm đau và hạ sốt là acetaminophen như Tylenol, hoặc NSAID – là những loại thuốc kháng viêm không chứa steroid như aspirin, ibuprofen, hoặc naproxen.
    • Tránh uống NSAID nếu bạn bị bệnh trào ngược a-xít hoặc viêm loét đường tiêu hóa. Những loại thuốc này có thể làm rối loạn dạ dày. Nếu đang uống một loại thuốc NSAID để chữa trị các bệnh khác như bệnh đông máu hoặc viêm khớp, bạn hãy hỏi bác sĩ trước khi uống thuốc.
    • Nhiều loại thuốc trị nhiều triệu chứng có chứa acetaminophen. Bạn nên đảm bảo uống đúng liều vì uống quá liều có thể gây ngộ độc gan.[13]
  4. Uống thuốc trị ho. Nếu bị ho dữ dội, bạn hãy thử uống thuốc ho. Trong thuốc ho có dextromethorphan và codeine, mặc dù codiene dường như là hoạt chất cần kê toa. Dextromethorphan có dạng viên nén hoặc xi-rô và có thể có dạng kết hợp với thuốc làm long đờm.
    • Tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể bao gồm buồn ngủ và táo bón.
    • Liều dùng của thuốc ho khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc và độ mạnh của thuốc, do đó bạn cần luôn tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc của nhà sản xuất.[14][15]
  5. Thử dùng thuốc long đờm. Tắc nghẽn ngực là một triệu chứng thường gặp của bệnh cúm. Để giúp chữa trị triệu chứng này, bạn hãy uống thuốc long đờm. Đây là loại thuốc làm long và giảm chất nhầy trong ngực. Chất nhầy giảm sẽ giúp bạn dễ thở hơn và khiến các cơn ho có hệu quả hơn. Nhiều loại thuốc không kê toa trị cảm cúm có chứa chất long đờm, có dạng lỏng, dạng gel hoặc viên nén.
    • Nếu không biết chắc nên uống loại thuốc nào, bạn nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ. Bạn cũng nên hỏi về các tác dụng phụ của thuốc long đờm, trong đó có thể bao gồm buồn ngủ, nôn và buồn nôn.[16]
  6. Cân nhắc dùng thuốc không kê toa trị nhiều triệu chứng. Có vô số các loại thuốc không kê toa kết hợp có chứa nhiều hoạt chất khác nhau. Các loại thuốc này rất có ích nếu cùng một lúc bạn bị nhiều triệu chứng, trong đó hầu hết đều chứa thuốc giảm đau và hạ sốt như acetaminophen, thuốc làm thông mũi, trị ho, và đôi khi là thuốc kháng histamine giúp dễ ngủ.
    • Nếu uống loại thuốc kết hợp, bạn chú ý không dùng các loại thuốc khác có thể khiến hoạt chất trong thuốc trị nhiều triệu chứng tăng gấp đôi. Điều này có thể dẫn đến quá liều.[17]
    • Các loại thuốc kết hợp có thể kể đến là Tylenol Cold Multi-Symptom, Robitussin Severe Multi-Symptom Cough Cold & Flu Nighttime, DayQuil Cold & Flu, v.v...
  7. Hỏi bác sĩ về thuốc kê toa chống virus. Nếu đến bác sĩ trong vòng 48 giờ khi xuất hiện các triệu chứng, bạn có thể được bác sĩ kê thuốc chống virus. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc chống virus cho các thành viên sống cùng nhà bạn, đặc biệt là cho những đối tượng có nguy cơ cao như người mắc bệnh kinh niên hoặc trên 65 tuổi. Thuốc cảm cúm chống virus có tác dụng giảm độ nặng của bệnh và thời gian bệnh trong vòng vài ngày, kiểm soát sự bùng phát bệnh trong những người gần gũi hoặc các thành viên khác trong gia đình, và cũng có thể giảm những biến chứng của bệnh cúm.[18] Các loại thuốc này gồm:
    • Oseltamivir (Tamiflu)
    • Zanamivir
    • Amantadine
    • Rimantadine[19]
  8. Biết về tác dụng phụ của thuốc chống virus. Để có hiệu quả, thuốc chống virus cần uống trong vòng 48 giờ khi bắt đầu bệnh, và phải uống trong 5 ngày. Tuy nhiên, một số loại virus cúm có thể kháng lại vài loại thuốc chống virus. Uống thuốc chống virus cũng có thể góp phần giúp các chủng virus khác trở nên kháng thuốc. Mặc dù không phổ biến, một số tác dụng phụ của thuốc chống virius có thể bao gồm:
    • Buồn nôn, nôn, hoặc tiêu chảy
    • Chóng mặt
    • Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi
    • Đau đầu
    • Ho[20]

Vắc-xin Phòng Bệnh Cúm[sửa]

  1. Tiêm phòng cúm. Cách tốt nhất để điều trị bất cứ bệnh nào là phòng ngừa. Mọi người trên sáu tháng tuổi đều nên tiêm phòng cúm. Việc này đặc biệt quan trọng cho những người có nguy cơ bị biến chứng sau cúm. Những đối tượng này bao gồm người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người mắc bệnh mạn tính như hen suyễn hay tiểu đường. Mùa cúm bắt đầu từ tháng mười kéo dài đến tháng năm và đỉnh điểm là từ tháng mười hai đến tháng hai.[21] trong thời gian này các loại vắc xin tiêm phòng đều có sẵn ở hầu hết các hiệu thuốc. Đa số các hãng bảo hiểm đều chi trả cho văc-xin tiêm phòng cúm.
    • Tiêm vắc-xin vào thời điểm vài tuần trước khi khi mùa cúm bắt đầu. Phải mất khoảng hai tuần thì vắc-xin mới có tác dụng khiến cơ thể sản sinh ra kháng thể chống cúm, giúp bạn đẩy lùi bệnh. Nhưng tiêm vắc –xin sớm sẽ giúp bạn không bị nhiễm bệnh trong suốt thời gian hai tuần dễ bị nhiễm.
    • Mỗi lần tiêm phòng chỉ có tác dụng trong một mùa cúm, nên bạn phải tiêm phòng hàng năm. Một liều vắc-xin có thể phòng được một số chủng cúm.[22]
  2. Thử dùng vắc-xin xịt mũi. Khác với tiêm phòng cúm, bạn có thể dùng vắc-xin dưới dạng xịt mũi, mặc dù dạng này chưa phổ biến. Cách này có thể dễ dàng hơn đối với một số người, nhưng một số người khác nên tránh. Bạn không nên dùng vắc-xin dạng xịt mũi khi:
    • Nhỏ hơn 2 tuổi hoặc lớn hơn 49 tuổi
    • Bị bệnh tim
    • Bị bệnh phổi hoặc hen suyễn
    • Bị bệnh thận hoặc tiểu đường
    • Từng gặp vấn đề với hệ miễn dịch
    • Đang mang thai
  3. Biết về những biến chứng. Một số biến chứng có thể phát sinh khi dùng hai loại vắc-xin trên. Trước khi dùng một trong hai loại vắc-xin trên, bạn cần hỏi bác sĩ nếu:
    • Bạn bị dị ứng, hoặc từng bị dị ứng với vắc-xin phòng cúm hoặc dị ứng với trứng. Có một loại vắc-xin khác cho các đối tượng bị dị ứng trứng.
    • Nếu bạn đang bị bệnh vừa hoặc nặng kèm theo sốt. Bạn nên đợi cho đến khi bình phục trước khi dùng vắc-xin.
    • Bạn mắc một chứng bệnh hiếm về rối loạn thần kinh, hội chứng Guillain-Barré, trong đó hệ miễn dịch tấn công hệ thần kinh ngoại biên.[23]
    • Bạn mắc bệnh đa xơ cứng.
  4. Nhận biết những tác dụng phụ tiềm ẩn của vắc-xin. Mặc dù có ích, tiêm vắc-xin cũng có một số tác dụng phụ, bao gồm:
    • Vết tiêm bị đau và sưng phồng
    • Đau đầu
    • Sốt
    • Buồn nôn
    • Có những triệu chứng nhẹ giống bệnh cúm[24]

Ngăn ngừa Bệnh Cúm[sửa]

  1. Tránh tiếp xúc với người bệnh. Để ngừa bệnh cúm, bạn phải tránh tiếp xúc với người bị bệnh cúm. Những tiếp xúc gần bao gồm việc ghé miệng lại gần, do đó không hôn hoặc ôm người bị cúm. Bạn cũng nên tránh người đã bị nhiễm bệnh nếu thấy họ ho hoặc hắt xì. Bất cứ chất dịch cơ thể nào cũng đều có thể làm lây truyền virus cúm.
    • Ngoài ra cũng tránh chạm vào những bề mặt mà người bị nhiễm bệnh đã chạm vào vì những bề mặt đó có thể đã nhiễm khuẩn.
  2. Rửa tay thường xuyên. Rửa tay đúng là cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Khi ở nơi đông người hoặc ở gần người bệnh, bạn nên rửa tay thường xuyên. Đem nước rửa tay theo mình để phòng khi bạn không tìm được bồn rửa. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), kỹ thuật rửa tay đúng như sau:
    • Làm ướt tay dưới vòi nước sạch, nhiệt độ có thể lạnh hoặc ấm. Sau đó tắt nước và xoa xà phòng.
    • Làm xà phòng nổi bọt trong tay bằng cách xoa tay vào nhau. Đừng quên mu bàn tay, giữa các ngón tay và dưới móng tay.
    • Xoa hai tay vào nhau trong vòng ít nhất 20 giây, tương đương khoảng thời gian hát hai lần bản gốc của bài “Happy Birthday".
    • Sau đó, mở vòi nước và xả sạch xà phòng với nước ấm.
    • Dùng khăn sạch để lau khô. Bạn có thể sấy khô tay bằng máy sấy tay.[25]
  3. Áp dụng chế độ ăn lành mạnh. Một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn duy trì hệ miễn dịch khỏe để chống lại bệnh truyền nhiễm. Bạn nên ăn theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều hoa quả và rau, giảm lượng chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, và đường.
    • Vitamin C là một loại sinh tố giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tuy có một số bằng chứng trái ngược về tính hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng bệnh, nhưng một chế độ ăn giàu vitamin C và các loại vitamin khác cũng không có hại gì. Bạn hãy ăn nhiều các loại quả có múi như cam, bưởi và các loại hoa quả khác như dưa ruột vàng, xoài, đu đủ, dưa hấu, bông cải xanh ớt xanh, ớt đỏ và các loại rau ăn lá.[26]
  4. Giải tỏa stress. Tập yoga, thái cực quyền hoặc thiền có thể giúp bạn thư giãn hàng ngày. Nếu cảm thấy căng thẳng, quan trọng là bạn phải dành thời gian cho bản thân, thậm chí chỉ cần 10 phút mỗi ngày. Điều này sẽ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch.
    • Stress cũng làm rối loạn nội tiết tố và có thể làm giảm khả năng chống lại bệnh truyền nhiễm.[27][28]
  5. Ngủ đủ giấc. Mất ngủ kinh niên có thể gây nhiều hậu quả, trong đó có suy giảm hệ miễn dịch.[29] Để khỏe mạnh, điều quan trọng là bạn phải ngủ đủ giấc mỗi đêm. Người lớn nên ngủ khoảng 7,5 đến 9 tiếng.[29]
  6. Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và giúp tiêm phòng cúm có hiệu quả hơn. Mỗi ngày bạn nên dành ít nhất 30 phút để tập luyện với các bài tập vừa phải, hoặc bài tập làm tăng nhịp tim. Việc này sẽ giúp cơ thể hoạt động một cách hoàn hảo và chống lại các bệnh nhiễm trùng khác nhau.
    • Các nhà nghiên cứu chưa biết chính xác bằng cách nào và tại sao, nhưng một số thuyết cho rằng tập thể dục có thể giúp chống nhiễm các loại vi khuẩn hoặc virus. Người ta cho rằng việc tập thể dục giúp rửa sạch vi khuẩn ra khỏi phổi qua nước tiểu và mồ hôi. Tập thể dục cũng giúp đưa kháng thể và các tế bào bạch cầu đi khắp cơ thể với tốc độ cao hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, và làm tăng thân nhiệt để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.[30]

Lời khuyên[sửa]

  • Sống lành mạnh! Đôi khi bệnh tật là do thiếu vitamin.
  • Ngủ nhiều.
  • Không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy thực phẩm chức năng và thảo mộc giúp trị bệnh cúm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.cdc.gov/flu/consumer/symptoms.htm
  2. http://www.nhs.uk/Conditions/Cold-common/Pages/Treatment.aspx
  3. http://www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUpdates/ucm316375.htm
  4. 4,0 4,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/in-depth/cold-remedies/art-20046403
  5. 5,0 5,1 http://www.webmd.boots.com/cold-and-flu/flu-guide/treat-colds-flu-naturally
  6. http://www.emedicinehealth.com/fever_in_adults/article_em.htm
  7. 7,0 7,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/basics/lifestyle-home-remedies/con-20035101
  8. http://www.mayoclinic.com/health/cool-mist-humidifiers/AN01577
  9. http://www.healthline.com/symptom/dark-urine
  10. http://www.flu.gov/prevention-vaccination/vaccination/#
  11. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682619.html
  12. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a608026.html
  13. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a681004.html
  14. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682492.html
  15. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682065.html
  16. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682494.html
  17. http://www.drugs.com/mtm/multi-symptom-nighttime-cold-flu-relief.html
  18. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/basics/treatment/con-20035101
  19. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/basics/treatment/con-20035101
  20. http://www.cdc.gov/flu/antivirals/whatyoushould.htm
  21. http://www.cdc.gov/flu/about/season/flu-season.htm
  22. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/in-depth/flu-shots/art-20048000?pg=2
  23. http://www.webmd.com/a-to-z-guides/prevention-15/vaccines/fact-sheet-vaccines
  24. http://healthline.com//health/flu-shot-side-effects?pb=true&utm_expid=54494492-12.A9dzFrQpStmm-Ogq3kOrrA.1&utm#FluShots1
  25. http://www.cdc.gov/handwashing/
  26. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/002404.htm
  27. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1361287/
  28. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/in-depth/stress/art-20046037
  29. 29,0 29,1 http://www.helpguide.org/articles/sleep/how-much-sleep-do-you-need.htm
  30. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/007165.htm

Liên kết đến đây