Trị cảm cúm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hội chứng cảm cúm, thường gọi là bệnh cúm, là một loại vi-rút truyền nhiễm tấn công vào đường hô hấp của bạn (mũi, các xoang, cổ họng và phổi).[1] Mặc dù với nhiều người, cảm cúm chỉ kéo dài một đến hai tuần,[2] nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh mãn tính sẽ trở nên rất nguy hiểm.[1] Bổ sung vắc-xin cảm cúm hàng năm là cách phòng tránh tốt nhất, nhưng nếu không may có mắc bệnh thì bạn cũng cần biết cách xử lí những triệu chứng.[3]

Các bước[sửa]

Nhận biết Bệnh cảm cúm[sửa]

  1. Nhận ra những triệu chứng của bệnh. Trước khi bạn có thể xử lí chúng một cách hiệu quả thì cần chắc chắn rằng mình bị cảm cúm. Triệu chứng của cảm cúm cũng giống như cảm lạnh thông thường, nhưng nó xảy ra nhanh và nghiêm trọng hơn. Bệnh có thể kéo dài 2-3 tuần.[4] Sau đây là những triệu chứng của bệnh cảm cúm:[5]
    • Ho, thường nghiêm trọng
    • Viêm họng
    • Sốt trên 38C
    • Nhức đầu, đau nhức cơ thể
    • Chảy nước mũi, nghẹt mũi
    • Ớn lạnh và đổ mồ hôi
    • Mệt mỏi, suy nhược
    • Khó thở
    • Ăn không ngon
    • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy (thường gặp ở trẻ nhỏ)
  2. Phân biệt giữa cúm và cảm lạnh. Cả hai đều có triệu chứng tương tự nhau nhưng bệnh cảm lạnh diễn biến chậm hơn và đi theo một phác độ của sự leo thang rồi khỏi dần.[6] Triệu chứng của cảm lạnh thường kéo dài ít hơn một hoặc hai tuần và bao gồm:[7]
    • Ho nhẹ
    • Sốt nhẹ, có thể không sốt
    • Nhức đầu hoặc ê ẩm trong người
    • Khó thở
    • Chảy nước mũi, nghẹt mũi
    • Ngứa cổ họng hay đau họng
    • Hắt xì
    • Chảy nước mắt
    • Mệt mỏi, có thể không mệt.
  3. Phân biệt giữa cảm cúm và “cúm dạ dày”. Thật ra “cúm dạ dày” mà người ta thường gọi không phải là cúm, đó chỉ là bệnh viêm dạ dày do vi-rút. Cúm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bạn còn “cúm dạ dày” chỉ tác động vào đường ruột và bệnh này không quá nghiêm trọng. Triệu chứng thường thấy của bệnh viêm dạ dày, ruột do vi-rút bao gồm:[8]
    • Tiêu chảy
    • Chuột rút và đau ở bụng
    • Đầy hơi
    • Buồn nôn hoặc nôn mửa
    • Đau đầu nhẹ, không thường xuyên, nhức mỏi cơ thể
    • Sốt nhẹ
    • Các triệu chứng của viêm dạ dày, ruột do vi-rút thường chỉ kéo dài một đến hai ngày, nhưng cũng có khi lên tới 10 ngày.
  4. Biết khi nào thì nên chuyển đến trung tâm y tế khẩn cấp. Trong trường hợp nặng, bệnh cúm có thể gây mất nước hoặc các triệu chứng nghiêm trọng cần phải nhập viện gấp. Bạn hoặc con mình nên được đưa đi cấp cứu nếu thấy xuất hiện những triệu chứng sau:[9][5]
    • Hơi thở ngắn hay khó thở
    • Đau ngực, thấy nặng nơi lồng ngực
    • Ói mửa liên tục, dữ dội
    • Chóng mặt hoặc lẩn thẩn
    • Da xanh xao, môi tím tái
    • Động kinh
    • Dấu hiệu của sự mất nước (ví dụ: da khô, lịm đi, mắt trũng sâu, đi tiểu ít hoặc nước tiểu có màu đậm)
    • Đau đầu nặng, đau hoặc cứng cơ vùng cổ
    • Các triệu chứng giống với bệnh cúm nhưng thuyên giảm dần, sau đó trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn

Trị Cảm cúm bằng Biện pháp Tự nhiên[sửa]

  1. Nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng bạn vẫn có thể tiếp tục đi học hoặc làm việc khi bị cảm lạnh, nhưng nếu mắc bệnh cúm thì điều quan trọng cần làm là nghỉ ngơi. Hãy dành ra vài ngày nghỉ để cơ thể có thời gian bình phục.[10]
    • Bởi vì bệnh cúm rất dễ lây nên nghỉ ngơi tại nhà là điều cần thiết và nên làm để cơ thể được hồi phục.
    • Bạn có thể cảm thấy khó thở khi mắc cúm. Hãy lót thêm gối để kê đầu hoặc ngủ trên một chiếc ghế tựa để thở dễ hơn vào ban đêm.
  2. Giữ cho cơ thể đủ nước. Bệnh cúm có thể gây sốt khiến cho cơ thể bị mất nước nên điều quan trọng là bạn phải uống thật nhiều nước.[11]
    • Uống nước nóng như trà hay nước chanh ấm. Khi bù đắp nước cho cơ thể chúng còn giúp cổ họng dịu lại và làm sạch các xoang.
    • Hạn chế đồ uống có caffein, rượu và soda. Hãy chọn những loại nước giúp khôi phục dinh dưỡng và khoáng chất của cơ thể chứ không phải làm cạn kiệt chúng.
    • Uống súp nóng. Bạn có thể cảm thấy buồn nôn và biếng ăn khi mắc bệnh cúm. Uống súp hoặc canh nóng là cách tốt nhất để đưa thức ăn vào cơ thể mà không làm xáo trộn dạ dày của bạn. [12] Các nghiên cứu đã chứng minh rằng súp gà có thể làm giảm thiểu tình trạng viêm đang diễn ra trong đường hô hấp, vì thế nếu như cảm thấy đủ khỏe, bạn nên ăn một đến hai bát, sẽ rất tốt cho cơ thể. [13]
    • Nếu đồng thời bị nôn mửa có thể bạn sẽ bị mất cân bằng chất điện giải. Hãy sử dụng một số sản phẩm bù nước như Oresol (có bán ở tiệm thuốc tây) hay nước uống thể thao có khả năng cung cấp các chất điện giải để phục hồi cơ thể của bạn.[10]
  3. Bổ sung vitamin C. Vitamin C rất quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể. Khoa học đã chứng minh một “lượng lớn” vitamin C có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm.[14]
    • Hãy cung cấp cho cơ thể 1000mg vitamin C mỗi giờ trong 6 giờ đầu tiên ngay khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Sau đó uống 1000mg 3 lần mỗi ngày. Không nên tiếp tục sử dụng vitamin C liều lượng cao nếu như bạn đã thấy khỏe hơn. Tính độc của vitamin C là rất ít, nhưng vẫn có thể xảy ra.[15]
    • Nước cam là nguồn vitamin C tự nhiên nhưng không thể cung cấp một lượng lớn.[15]
    • Nói chuyện với bác sĩ của con bạn trước khi cho chúng uống vitamin C liều cao.
  4. Loại bỏ chất nhầy từ mũi của bạn thường xuyên. Khi bị nghẹt mũi, cần phải loại bỏ dịch nhầy khỏi đường thở thường xuyên để phòng tránh nhiễm trùng tai và xoang. Hãy thử những cách sau:
    • Hỉ mũi. Rất đơn giản mà lại hiệu quả: hãy hỉ mũi mỗi khi nó bị nghẹt để giữ cho đường thở của bạn thông thoáng.
    • Dùng dụng cụ rửa mũi. Dụng cụ rửa mũi là một biện pháp tự nhiên để loại bỏ nước mũi khỏi đường thở.
    • Tắm trong bồn nước nóng. Hơi nước nóng sẽ giúp giảm bớt dịch nhầy trong mũi.
    • Đặt một máy làm ẩm hoặc máy phun sương trong phòng có thể giúp bạn thở dễ hơn.[10]
    • Dùng chai xịt nước muối sinh lí cho mũi. Bạn cũng có thể tự làm dụng cụ xịt hay nhỏ nước muối riêng.
  5. Sử dụng túi chườm nóng. Tác dụng của nhiệt có thể giúp giảm các cơn đau nhức hoành hành bởi cúm. Bạn cũng có thể dùng một chai nước nóng nếu không có túi chườm, hãy đặt nó lên ngực, lưng hoặc bất cứ chỗ nào thấy đau. Không nên để nước quá nóng vì có thể gây bỏng da, và cũng đừng đặt nó quá lâu trên cơ thể. Hãy nhớ rằng đừng bao giờ đi ngủ với một túi chườm hoặc chai nước nóng trên người.
  6. Làm giảm sơn sốt bằng vải mát. Bạn có thể giảm bớt sự khó chịu của cơn sốt bằng cách đặt một chiếc khăn ẩm và mát lên những chỗ bị nóng trên da.[10] Bạn cũng có thể làm dịu tình trạng tắt nghẽn xoang bằng cách chườm nó lên vùng trán và xung quanh mắt.
    • Miếng dán hạ sốt tái sử dụng mua ở các nhà thuốc tây có thể giúp bạn thấy mát hơn.
    • Nếu con bạn sốt trên 39°C hay đứa trẻ cảm thấy rất khó chịu với cơn sốt, hãy đắp một chiếc khăn lạnh lên trán bé để hạ nhiệt.
  7. Súc họng bằng nước muối. Đây là cách đơn giản để giảm cơn đau họng đi kèm với cảm cúm. Hãy pha một muỗng cà phê muối với một cốc nước ấm.
    • Súc họng khoảng hơn một phút. Sau đó nhổ ra ngoài. Không được nuốt nước muối súc họng.
  8. Hãy thử một phương thuốc thảo dược. Có vô vàn loại thảo dược có thể trị cảm cúm nhưng chỉ có một số phương thuốc đã được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, bệnh tình của bạn có thể thuyên giảm nếu thử một trong những thảo dược dưới đây. Nhưng nên nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thảo dược nào nếu bạn đang uống thuốc, có bệnh mãn tính hay định chữa trị cho con nhỏ.[16]
    • Uống 300mg cây Cúc dại 3 lần mỗi ngày. Cúc dại có thể giúp rút ngắn thời gian bệnh. Tuy nhiên chống chỉ định đối với phụ nữ có thai và cho con bú, người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch, người dị ứng với cỏ phấn hương.
    • Dùng 200mg nhân sâm Mỹ mỗi ngày. Nhân sâm Mỹ (khác với sâm Tây Bá Lợi Á và nhân sâm châu Á) có thể giúp các triệu chứng cảm cúm được cải thiện.[17]
    • Uống 4 thìa canh Sambucol (một loại si-rô trị cảm cúm, chiết xuất từ cây cơm cháy) hàng ngày. Sambucol rất hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian bệnh. Bạn cũng có thể tự pha trà cơm cháy bằng cách cho 3-5g hoa cơm cháy khô vào 1 tách nước sôi, ngâm trong khoảng từ 10-15 phút. Lọc lấy nước và uống ba lần mỗi ngày.[18]
  9. Thử liệu pháp hơi nước từ tinh dầu khuynh diệp. Liệu pháp này có thể giúp làm dịu cơn ho và nghẹt mũi. Đun sôi khoảng 2 tách nước, sau đó nhỏ từ 5 đến 10 giọt dầu khuynh diệp vào. Tiếp tục đun thêm một phút rồi tắt bếp.[19]
    • Đem nồi nước đặt trên một mặt phẳng, như chiếc bàn hoặc mặt trên của tủ bếp.
    • Phủ một chiếc khăn sạch lên đầu và đặt đầu bạn ở phía trên nồi nước. Giữ cho mặt cách nồi ít nhất 30 cm để tránh bị bỏng.
    • Hít hơi nước trong 10-15 phút.
    • Bạn cũng có thể dùng dầu bạc hà cay hoặc tinh dầu bạc hà để thay thế dầu khuynh diệp nếu thích. Thành phần hoạt chất trong cây bạc hà hay tinh dầu bạc hà là một loại thuốc thông mũi tự nhiên tuyệt vời.
    • Không được để bất kì tinh dầu nguyên chất nào đi vào trong người. Một số loại có thể gây ngộ độc nếu nuốt phải.
  10. Uống Oscillococcinum. Một phương thuốc thông dụng ở châu Âu - Oscillococcinum là liều thuốc tự nhiên có nguồn gốc từ nội tạng vịt có thể dùng để thay thế thuốc trị cảm cúm.[20]
    • Khoa học vẫn chưa kết luận về hiệu quả của Oscillococcinum. Một số người có thể bị tác dụng phụ tiêu cực như đau đầu khi sử dụng thuốc này.[21][22]

Trị Cảm cúm bằng Biện pháp dùng thuốc[sửa]

  1. Mua thuốc không cần theo toa để điều trị. Những triệu chứng cảm cúm thông thường có thê được điều trị một cách hiệu quả với thuốc bán ở nhà thuốc địa phương. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về loại thuốc phù hợp với bạn nếu như bạn có vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, gan, thận không được tốt, đang dùng thuốc khác hoặc có thai.[10]
    • Những cơn đau và nhức mỏi do cảm cúm có thể được chữa khỏi bằng thuốc chống viêm không steriod như ibuprofen và aspirin. Hãy đọc kĩ hướng dẫn trước khi sử dụng. Trẻ em dưới 18 tuổi không nên dùng aspirin.
    • Dùng thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi để điều trị tắc nghẽn đường hô hấp.[23]
    • Thuốc long đàm và thuốc ho có thể giảm thiểu những cơn ho. Nếu bạn ho khan thì nên dùng thuốc trị ho có thành phần dextromethorphan là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu ho kèm theo đờm thì thuốc có guaifenesin sẽ là lựa chọn tốt hơn.[23]
    • Hãy cẩn thận để tránh dùng acetaminophen quá liều. Nhiều loại thuốc khác cũng có thể chứa các thành phần hoạt tính tương tự, vì vậy hãy đọc nhãn cẩn thận.[10] Thực hiện theo hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì và không nên vượt quá liều khuyến cáo.[24]
  2. Cho trẻ dùng thuốc với liều lượng chính xác. Sử dụng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen dành cho trẻ em. Thực hiện theo các hướng dẫn trên bao bì để áp dụng liều lượng chính xác. Bạn cũng có thể luân phiên giữa thuốc acetaminophen và ibuprofen nếu cơn sốt của con bạn không thuyên giảm khi chỉ uống một loại thuốc, tuy nhiên hãy đảm bảo rằng bạn luôn theo dõi con khi cho bé uống bất cứ thuốc nào.
    • Không nên cho trẻ em đang nôn mửa và bị mất nước sử dụng ibuprofen.[25]
    • Đừng bao giờ cho trẻ em dưới 18 tuổi dùng thuốc aspirin. Nó làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye (một bệnh lí hiếm gặp về não và gan).[25]
  3. Dùng thuốc theo toa. Nếu bạn quyết định đi bác sĩ để trị bệnh, tùy thuộc vào tình trạng bạn có thể được kê toa một trong những loại thuốc sau đây. Chúng giúp giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh nếu uống trong vòng 2 ngày:[10][26]
    • Oseltamivir (Tamiflu) dạng viên uống. Tamiflu có thể dùng được cho trẻ em dưới 1 tuổi.[27]
    • Zanamivir (Relenza) dạng hít. Trẻ em từ 7 tuổi trở lên có thể sử dụng thuốc này.[28] Chống chỉ định với những người mắc bệnh hen suyển hay có vấn đề về phổi.
    • Peramivir (Rapivab) có dạng tiêm. Người từ 18 tuổi trở lên có thể sử dụng được.[29]
    • Amantadine (Symmetrel) và rimantadine (Flumadine) được dùng để điều trị cúm A, nhưng đối với một số loại cúm (bao gồm cả H1N1) những thuốc này vẫn có tác dụng tuy không thường được kê toa.[30]
  4. Bạn cần hiểu rằng thuốc kháng sinh không phải dùng để trị cúm. Cảm cúm là một bệnh do vi-rút. Nếu cần thiết thì bác sĩ sẽ kê toa cho bạn thuốc chống vi-rút như Tamiflu. Không nên sử dụng kháng sinh để điều trị cảm cúm.[10]
    • Cũng có trường hợp bạn bị nhiễm cả vi khuẩn và vi-rút cúm, khi ấy bác sĩ có thể cho bạn uống thêm một loại kháng sinh. Hãy dùng thuốc đúng theo chỉ định.
    • Lạm dụng kháng sinh sẽ làm cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị. Không bao giờ dùng kháng sinh nếu như bạn không được kê toa.[31]

Ngăn chặn Cảm cúm[sửa]

  1. Chủng ngừa trước mùa cúm. Ở Mỹ, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) sẽ theo dõi những xu hướng sức khỏe toàn cầu để thống kê và phát triển một loại vắc-xin phòng ngừa cho các chủng vi-rút cúm có thể nguy hiểm trong năm đó.[32] #*Vắc-xin cúm được cung cấp tại văn phòng của bác sĩ, phòng khám sức khỏe và thậm chí ở tiệm thuốc tây. Tuy vắc-xin không đảm bảo hoàn rằng toàn sẽ không có ca cúm nào trong mùa, nhưng nó bảo vệ người dân khỏi nhiều chủng vi-rút cúm khác nhau và giảm tỉ lệ mắc bệnh xuống còn 60%. Còn ở Việt Nam, bạn có thể đến Viện Pasteur để tiêm phòng cúm.[32] Vắc-xin cúm thường được đưa vào người thông qua tiêm hoặc xịt mũi.[33]
    • Ở Việt Nam, mùa cúm bắt đầu từ tháng Mười đến tháng Tư năm sau, đỉnh điểm là vào tháng Một hoặc Hai.[2]
    • Bạn có thể gặp các triệu chứng nhẹ như nhức mỏi, đau đầu hay sốt nhẹ sau khi vắc-xin được đưa vào người. Nên nhớ là vắc-xin không gây bệnh cúm.[33]
  2. Nói chuyện với bác sĩ trước khi chủng ngừa cúm nếu như bạn có tình trạng sức khỏe nhất định nào đó. Nhìn chung, tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi đều nên chủng ngừa vắc-xin cúm trừ khi họ nằm trong những trường hợp chống chỉ định.[32] Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào sau đây, vui lòng trình bày với bác sĩ trước khi chủng ngừa:[33][34]
    • Dị ứng nghiêm trọng với trứng gà hoặc gelatin
    • Từng bị sốc vắc-xin cúm
    • Bị bệnh vừa hay nặng gây sốt (bạn có thể tiêm vắc-xin khi bớt sốt)
    • Có tiền sử hội chứng Guillain-Barré (Viêm đa dây thần kinh cấp tính)
    • Mắc bệnh mãn tính như bệnh về tim hay phổi, rối loạn thận hoặc gan, v.v… (đối với vắc-xin xịt mũi)
    • Suyễn (chỉ xét với vắc-xin xịt mũi)
  3. Chọn giữa vắc-xin dạng xịt mũi và tiêm. Vắc-xin cảm cúm có hai dạng là xịt mũi và tiêm. Hầu hết mọi người có thể chọn một trong hai, nhưng bạn nên cân nhắc dựa trên độ tuổi và sức khỏe của mình để chọn lựa đúng đắn.[34]
    • Vắc-xin dạng tiêm phù hợp với trẻ em trên 6 tháng tuổi, cả phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mãn tính.
    • Người dưới 65 tuổi không nên tiêm mũi liều cao.[35] Người dưới 18 tuổi và trên 64 tuổi không nên tiêm bắp sâu, chỉ nên tiêm vắc-xin dưới da.[36] Trẻ em dưới 6 tháng tuổi không thể dùng vắc-xin dạng tiêm chủng.
    • Đối với dạng xịt mũi có thể áp dụng cho độ tuổi từ 2-49.[34]
    • Trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 50 tuổi không thể dùng vắc-xin dạng xịt. Trẻ từ 2-17 tuổi nếu sử dụng aspirin dài hạn thì không nên phòng tránh cúm bằng vắc-xin xịt mũi.
    • Phụ nữ có thai, người có hệ miễn dịch suy yếu không nên sử dụng vắc-xin xịt mũi. Người chăm sóc cho những người có hệ thống miễn dịch cực kì yếu ớt cũng không nên chủng ngừa loại vắc-xin này, hoặc họ có thể dùng nhưng hãy giữ khoảng cách với người họ đang chăm sóc trong vòng 7 ngày sau khi vắc-xin được đưa vào cơ thể.
    • Bạn cũng không nên dùng vắc-xin dạng xịt nếu bạn đã uống thuốc diệt vi-rút cảm trong 48 giờ đầu.
  4. Cảm cúm rất nguy hiểm. Nó dễ lây lan và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Nhờ có vắc-xin, tỉ lệ chết do cảm cúm đã giảm đều qua nhiều thập kỉ, từ 40 người trên 10000 người (1940) xuống còn 0,56 người trên 100000 người (1990). Tuy nhiên, điều quan trọng là vì nó rất dễ lây, vậy nên hãy tìm sự điều trị ngay khi phát hiện các triệu chứng và cách ly để tránh lây lan.
    • Đại dịch H1N1 năm 2009 đã cướp đi sinh mạng hơn 2000 người trên toàn thế giới. CDC cho biết một đại dịch tương tự sẽ có thể xảy ra nếu như người dân không được chủng ngừa đầy đủ.[37][38]
  5. Giữ vệ sinh tốt. Để bản thân không bị mắc cúm, bạn hãy rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi trở về từ nơi công cộng. Mang theo khăn lau tay diệt khuẩn nếu nơi bạn đến không có bồn rửa tay và xà phòng.[39]
    • Sử dụng dung dịch chà tay có chất cồn hoặc xà phòng diệt khuẩn.
    • Hạn chế đưa tay lên mặt, đặc biệt là mắt, mũi và miệng.
    • Che mũi và miệng khi bạn hắt hơi hay ho. Bạn nên sử dụng khăn giấy nếu có. Còn nếu không, hãy dùng khuỷa tay để che lại – bạn sẽ hạn chế được việc phát tán mầm bệnh khi ho hoặc hắt xì.[40]
  6. Giữ cho mình một thể trạng tốt. Ăn uống đầy đủ, cung cấp cho cơ thể lượng vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết, giữ thân hình khỏe khoắn nhờ tập luyện là cách để ngăn ngừa cảm cúm. Nếu không may mắc bệnh thì bạn cũng có đủ sức khỏe để chống lại nó.
    • Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống cảm cúm. Khoa học chứng minh cung cấp 0,03 mg vitamin D mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa bệnh cúm A.[41] Những nguồn tự nhiên là ánh nắng mặt trời, cá béo như cá hồi và vitamin A, D dồi dào trong sữa.[42]

Lời khuyên[sửa]

  • Ngủ với một hay hai chiếc gối dưới đầu sẽ giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi.

Cảnh báo[sửa]

  • Gọi bác sĩ của bạn ngay nếu bệnh cúm của bạn bao gồm các triệu chứng như sốt trên 39°C trong vòng hơn 2 ngày, đau ngực, khó thở hay bất tỉnh. Đồng thời nếu trong 10 ngày mà bệnh của bạn vẫn không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì phải nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và theo dõi.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/basics/definition/con-20035101
  2. 2,0 2,1 http://www.flu.gov/about_the_flu/seasonal/index.html
  3. http://www.cdc.gov/flu/about/disease/index.htm
  4. Norman Montalto DO, An Office based Approach to Influenza: Clinical Diagnosis and Laboratory Testing, American Family Physician 2003 1, 67 (1) 111-118
  5. 5,0 5,1 http://www.flu.gov/symptoms-treatment/symptoms/
  6. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/basics/symptoms/con-20035101
  7. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/basics/symptoms/con-20019062
  8. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/viral-gastroenteritis/basics/symptoms/con-20019350
  9. http://www.nyc.gov/html/doh/flu/html/treatment/index.shtml
  10. 10,0 10,1 10,2 10,3 10,4 10,5 10,6 10,7 http://www.flu.gov/symptoms-treatment/treatment/
  11. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/basics/lifestyle-hom e-remedies/con-20035101
  12. http://www.webmd.com/cold-and-flu/8-tips-to-treat-colds-and-flu-the-natural-way
  13. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11035691
  14. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10543583
  15. 15,0 15,1 https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminC-HealthProfessional/
  16. http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/influenza
  17. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/natural/967.html
  18. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/elderberry
  19. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/eucalyptus
  20. http://www.webmd.com/cold-and-flu/over-the-counter-flu-remedies?page=2M
  21. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23235586
  22. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/25629583
  23. 23,0 23,1 http://www.webmd.com/cold-and-flu/flu-guide/flu-treatment
  24. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a681004.html
  25. 25,0 25,1 https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/chest-lungs/Pages/The-Flu.aspx
  26. http://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/InformationbyDrugClass/ucm100228.htm
  27. http://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/PostmarketDrugSafetyInformationforPatientsandProviders/ucm107838.htm
  28. http://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/PostmarketDrugSafetyInformationforPatientsandProviders/ucm188870.htm
  29. http://www.fda.gov/NewsEvents/Newsroom/PressAnnouncements/ucm427755.htm
  30. http://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/InformationbyDrugClass/ucm100228.htm#ApprovedDrugs
  31. http://www.cdc.gov/drugresistance/about.html
  32. 32,0 32,1 32,2 http://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/mm6332a3.htm
  33. 33,0 33,1 33,2 http://www.flu.gov/prevention-vaccination/vaccination/index.html
  34. 34,0 34,1 34,2 http://www.cdc.gov/flu/protect/whoshouldvax.htm
  35. http://www.cdc.gov/flu/protect/vaccine/qa_fluzone.htm
  36. http://www.cdc.gov/flu/protect/vaccine/qa_intradermal-vaccine.htm
  37. Peter Doshi, Trends in Recorded Influenza Mortality in the United States, 1900-2004, American Journal of Public Health 2008 May 98 (5) 939-945
  38. Franco-Paredes C, Hernandez-Ramos, I, Del-Rio, C et al, H1N1 Influenza Pandemics comparing the events of 2009 in Mexico with those of 1976 and 1918-1919, Archives of Medical Research 2009, Nov 40 (8) 669-672
  39. http://www.flu.gov/prevention-vaccination/prevention/index.html
  40. http://www.cdc.gov/flu/protect/covercough.htm
  41. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20219962
  42. https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminD-HealthProfessional/

Liên kết đến đây