Phòng ngừa cảm lạnh hoặc cảm cúm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cảm lạnh thông thường và cảm cúm là những bệnh thường gặp vào mùa đông lạnh, có thể khiến bạn phải tốn chi phí đi khám bác sĩ, mua thuốc và ảnh hưởng đến năng suất làm việc.[1] Các bệnh vi-rút đường hô hấp trên này không có thuốc chữa và có triệu chứng khác nhau. Tăng cường và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp chống lại bệnh và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Các bước[sửa]

Tăng cường hệ miễn dịch[sửa]

  1. Rửa tay thường xuyên. Nguy cơ nhiễm vi-rút sẽ tăng nếu bạn chạm phải tay nắm cửa, xe đẩy hàng, phương tiện giao thông công cộng hoặc bất cứ vật gì tiếp xúc với người mang bệnh. Bạn nên tập thói quen rửa tay bằng nước ấm và xà phòng/xà phòng kháng khuẩn. Nên xoa tay với xà phòng ít nhất 20 giây (bạn có thể ngân nga một đoạn bài hát dài 20 giây) trước khi rửa lại bằng nước sạch và lau khô. Thói quen này đặc biệt cần thiết sau khi ở gần người bệnh.[1]
    • Dùng chân hoặc khăn giấy để mở cửa khi rời khỏi nhà vệ sinh công cộng, tránh dùng tay vặn tay nắm.
  2. Nghỉ ngơi đủ. Người trưởng thành cần ngủ đủ 7-9 tiếng[2] mỗi ngày để ngừa bệnh. Thói quen này giúp cải thiện chức năng hệ miễn dịch và giúp cơ thể đối đầu với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc. Ngoài ra, bạn cần tạo chu kỳ giấc ngủ đều đặn. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy người có chu kỳ giấc ngủ không đều đặn (ví dụ như công nhân làm ca đêm) có tỉ lệ ung thư cao hơn.[3]
    • Thanh thiếu niên nên ngủ đủ 8-10 tiếng, trẻ ở tuổi đi học cần ngủ đủ 10-13 tiếng, trẻ nhỏ cần ngủ đủ 11-14 tiếng mỗi ngày.[2]
    • Nếu bạn bị mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày và khiến hệ miễn dịch không thể chống lại bệnh tật.[4][5]
  3. Tiêm vắc-xin ngừa cúm. Hiện chưa có vắc-xin ngừa cảm lạnh (có thể sẽ được tạo ra trong tương lai).[6] Mặt khác, vắc-xin cảm cúm luôn có sẵn mỗi mùa thu để chuẩn bị cho mùa cúm sắp đến. Tốt nhất bạn nên tiêm vắc-xin để ngăn ngừa cảm cúm. [7]
    • Ở Mỹ, mỗi mùa thu, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh lại tạo ra loại vắc-xin cúm hàng năm dựa trên chủng vi-rút cúm mà họ cho rằng sẽ phổ biến trong mùa đó. Tiêm vắc-xin không đảm bảo chắc chắn bạn sẽ không bị cúm nhưng sẽ giúp giảm nguy cơ.
  4. Tập thói quen vệ sinh cá nhân tốt. Bạn không nên chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng để tránh lây truyền vi-rút. Ngoài ra, nên vệ sinh và khử trùng những khu vực thường sử dụng trong nhà như phòng tắm, nhà bếp và tay nắm cửa.[8]Các bác sĩ cũng khuyến nghị nên ở nhà cho đến khi triệu chứng biến mất hoặc 24 tiếng không bị sốt. Như vậy, bạn vừa có thể nghỉ ngơi, vừa giảm được nguy cơ lây bệnh cho người khác. [8]

Uống thực phẩm chức năng để phòng ngừa cảm lạnh hoặc cảm cúm[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng. Nhiều loại thực phẩm chức năng chưa được nghiên cứu nghiêm ngặt như thuốc kê đơn nên có rất ít (hoặc không có) bằng chứng khoa học cho thấy chúng có tác dụng, hầu hết bằng chứng đều chưa đáng tin cậy. Ngoài ra, thực phẩm chức năng cũng không được cục FDA (Mỹ) quản lý.[9] Nói cách khác, không có gì đảm bảo được sức mạnh của thực phẩm chức năng hay độ tinh khiết của thành phần, từ đó khiến ta khó xác định được liều phù hợp. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng thực phẩm chức năng.
    • Một số thực phẩm chức năng có thể tương tác tiêu cực với thuốc chữa bệnh hoặc các thực phẩm chức năng khác, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. [9]
    • Nguy cơ bổ sung quá liều thực phẩm chức năng, bao gồm vitamin, cũng rất cao.
  2. Ví dụ, lấy trường hợp cần bổ sung kẽm. Để ngừa bệnh, bạn cần bổ sung 50 mg kẽm mỗi ngày. Nếu đã mắc bệnh, bạn cần bổ sung 150 mg-175mg kẽm để giảm thời gian bệnh và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh. Một nghiên cứu lớn cho thấy tỉ lệ viêm phổi giảm đáng kể khi kẽm được bổ sung vào chế độ ăn của đối tượng nghiên cứu.[10] Kẽm là nguyên tố vi lượng thiết yếu mà cơ thể cần để chống nhiễm trùng. Cơ thể dễ bị thiếu hụt kẽm nên cần bổ sung thông qua chế độ ăn.
    • Bạn có thể bổ sung kẽm từ hàu, tôm hùm, thịt bò, mầm lúa mì, rau bina (rau chân vịt) và các loại hạt.
  3. Bổ sung probiotic (lợi khuẩn). Nên trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung thêm một loại probiotic đặc biệt vào chế độ ăn. Probiotic là vi sinh vật tự nhiên trong đường ruột. Nghiên cứu cho thấy probiotic có thể cải thiện hệ miễn dịch và giảm thời gian cũng như mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh. [11][12] Bên cạnh probiotic dạng thực phẩm chức năng, bạn có thể bổ sung probiotic từ những nguồn sau:[13]
    • Dưa bắp cải, kimchi
    • Sữa chua Kefir, nước uống lên men Kvass
    • Sữa chua
    • Phô mai lâu năm (như Roquefort hoặc Gruyere)
    • Trà lên men Kombucha
    • Dưa cải muối
    • Tương Miso
  4. Bổ sung thực phẩm chức năng chứa cúc Echinacea. Nếu bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, bạn có thể uống 300 mg cúc Echinacea trong một tuần. Mặc dù nhiều nghiên cứu nghi ngờ tính hiệu quả nhưng cũng có người tin rằng cúc Echinacea giúp ngăn ngừa cảm lạnh hoặc cảm cúm.[14] Một nghiên cứu khác cho rằng cúc Echinacea giúp giảm thời gian cảm lạnh từ nửa ngày đến 4 ngày.[14][15]
    • Nếu chưa chắc chắn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung cúc Echinacea.
  5. Tăng cường bổ sung vitamin D. Mặc dù vẫn đang nghiên cứu nhưng người ta cho rằng vitamin D rất có ích cho hệ miễn dịch.[16] Người thiếu vitamin D dễ bị nhiễm trùng hơn.[16] Cơ thể tổng hợp vitamin D từ ánh nắng nhưng nếu ít tiếp xúc với ánh nắng, bạn có thể sẽ cần bổ sung vitamin D từ thực phẩm hoặc thuốc.
    • Nguồn thực phẩm giàu vitamin D gồm có lòng đỏ trứng, cá nhiều chất béo (như cá hồi, cá ngừa và cá mòi) và thực phẩm tăng cường vitamin D như sữa, sữa đậu nành, nước ép cam.[17]
    • Chuyên gia khuyến nghị người từ 9-70 tuổi nên bổ sung trung bình 600 IU vitamin D mỗi ngày.
  6. Bổ sung vitamin C khi bị bệnh. Dù được xem là vitamin "bắt buộc" cần thiết để tăng cường miễn dịch nhưng thực sự không có đủ bằng chứng chứng minh vitamin C giúp phòng ngừa cảm lạnh hay cải thiện hệ miễn dịch. [18][19] Tuy nhiên, vẫn có một số bằng chứng cho rằng bổ sung vitamin C khi bị cảm lạnh có thể giúp giảm bớt thời gian bệnh. [18][20]

Xác định cảm lạnh thông thường và cảm cúm[sửa]

  1. Phân biệt triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm. Cả hai căn bệnh này đều gây ho, đau họng và sốt (trong một số trường hợp). Sốt trên 38°C (triệu chứng cảm lạnh) thường phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, trong khi sốt do cảm cúm thường cao hơn 38,3°C. Nếu bị cảm lạnh, bạn có thể gặp triệu chứng khác như nghẹt mũi và chảy nước mũi. Mặt khác, nếu bị cảm cúm, bạn sẽ cảm thấy đau nhức cơ thể (đau cơ), đau đầu và run rẩy.[21]
    • Triệu chứng cảm lạnh thường kéo dài trung bình một tuần. Nếu triệu chứng kéo dài hơn hoặc trở nặng, có thể bạn đã bị nhiễm trùng thứ phát như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang hoặc viêm phế quản.
  2. Hiểu về phương thức lây bệnh và yếu tố nguy cơ. Cảm lạnh thông thường dễ lây lan qua tiếp xúc với chất nhầy mang vi-rút (qua đường miệng hoặc đường mũi). Thời gian ủ bệnh chỉ vài ngày nên người lớn sẽ thường bị cảm lạnh ít nhất một lần mỗi năm, trong khi trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có thể bị cảm lạnh 6 lần mỗi năm. Cảm cúm cũng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết nhiễm vi-rút hoặc giọt trong không khí lây truyền qua việc thở hoặc ho. Ví dụ, bạn có thể bị cảm cúm do hít phải vi-rút quanh người bị cảm cúm đang ho.[22]
    • Mọi người cần tập thói quen như che miệng hoặc mũi khi hắt hơi, giữ tay sạch và ở nhà khi bị bệnh. Người bệnh nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.
    • Mùa cúm thường kéo dài từ cuối thu sang cuối đông.
    • Người căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần, trẻ nhỏ đi học mẫu giáo hoặc người lớn tuổi sống trong viện dưỡng lão có nguy cơ cảm lạnh cao.
  3. Nhận biết thời điểm cần tiếp nhận chăm sóc y tế. Nếu triệu chứng cảm lạnh trở nặng hoặc không cải thiện sau 10 ngày, bạn cần đi khám bệnh ngay. Đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát. Nên đi khám bác sĩ nếu có triệu chứng cảm cúm và có nguy cơ gặp biến chứng. Yếu tố nguy cơ gặp biến chứng khi cảm cúm gồm có:[23]
    • Người trên 50 tuổi
    • Trẻ em dưới 2 tuổi
    • Phụ nữ mang thai
    • Người có hệ miễn dịch yếu (do hóa trị, mắc HIV/AIDS, tiếp nhận ghép nội tạng hoặc các phương pháp điều trị y tế khác)
    • Người có dấu hiệu viêm phổi (ví dụ như khó thở, đau ngực, ho ra chất nhầy xanh hoặc vàng, sốt)[24]

Lời khuyên[sửa]

  • Có hơn 200 chủng vi-rút có thể gây cảm lạnh.[1] Trong đó, chủng vi-rút Rhinovirus gây ra 24-52% trường hợp cảm lạnh thông thường.[25]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 G Michael Allan MD Bruce Avvol MB PhD Prevention and Treatment of the Common Cold : Making Sense of the Evidence, Canadian Medicine Academic Journal Feb 18 186 ( 3) 190-199.
  2. 2,0 2,1 https://sleepfoundation.org/how-sleep-works/how-much-sleep-do-we-really-need
  3. Freda DeKeyser, Ganz RN, PhD, Critical Care Nurse, Sleep and Immune Function, April 2012 volume 32 (2) e 19-e-25
  4. (Freda DeKeyser, Ganz RN, PhD, Critical Care Nurse, Sleep and Immune Function, April 2012 volume 32 (2) e 19-e-25)
  5. Stateia, MJ, Doghramjik, Hauri, PJ, Morin CM Evaluation of Chronic Insomnia. Sleep 2000, 23 243-308.
  6. Terho Helkkinen MD,Asko Jarvinian MD The Common Cold, The Lancet, 2003 Vol 361, no 9351,(4) p 51-59
  7. http://www.cdc.gov/flu/protect/keyfacts.htm
  8. 8,0 8,1 http://www.cdc.gov/flu/protect/habits.htm
  9. 9,0 9,1 http://www.fda.gov/Food/ResourcesForYou/Consumers/ucm109760.htm
  10. Michael Hambridge, Human Zinc Deficiency,Journal of Nutrition, May 1 2000, Vol 130 No 5 s13445-s13949).
  11. http://www.healthline.com/health/cold-flu/prevention-tips
  12. En-Jin Kang, Soo Young Kim, In Hong Hwang, Prevention of the Common Cold: A Meta Analysis of Randomized and Controlled Trials and Studies. Korean Journal of Family Medicine 2013 Jan 34 (1) 2-10 ).
  13. http://abcnews.go.com/Health/probiotic-foods-yogurt/story?id=33088296
  14. 14,0 14,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/expert-answers/echinacea/faq-20058218
  15. Sachin A Shah PharmD, Stephen Sender PharmD, C Michael White PharmD, The Lancet, Infectious Disease Vol 7, No 7 July 7 2007 p 473-480
  16. 16,0 16,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3166406/
  17. http://kidshealth.org/en/teens/vitamin-chart.html
  18. 18,0 18,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19263912
  19. http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-to-boost-your-immune-system
  20. Hemilia, H Vitamin C Supplementation and the common cold: Factors Affecting the Magnitude of the Benefit, Medical Hypotheses, 2012, 52 (2) 171-178.) Magini, S, Beverly S, Suter M, Combination High Dose Vitamin C plus Zinc, Journal of Internal Medicine Residency 2012 40 1-28-42)
  21. http://www.healthline.com/health/cold-flu/cold-or-flu#FluSymptoms7
  22. http://www.healthline.com/health/cold-flu/cold-or-flu#CommonCold2
  23. http://www.healthline.com/health/cold-flu/cold-or-flu#SeekHelp9
  24. http://www.lung.org/lung-health-and-diseases/lung-disease-lookup/pneumonia/symptoms-causes-and-risk.html?referrer=https://www.google.com/
  25. http://www.cdc.gov/getsmart/community/for-patients/common-illnesses/colds.html