Điều trị Chlamydia

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây nên.[1] Cho đến nay chưa có con số chính xác về số người nhiễm chlamydia tại Việt Nam, nhưng tại Hoa Kỳ đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. STD thường lây nhiễm sang nam giới và nữ giới thông qua hành vi tình dục bằng đường miệng, âm đạo hoặc cửa sau.[1] Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh có thể truyền chlamydia sang con trong lúc sinh nở.[1] Nếu không được chữa trị, chlamydia có thể gây nên biến chứng liên quan đến sức khỏe, chẳng hạn như vô sinh, nguy cơ cao mắc HIV, nhiễm trùng tuyến tiền liệt, hoặc viêm khớp phản ứng.[1] Chlamydia có thể chữa khỏi nhưng nếu không được điều trị có thể gây tổn thương vĩnh viễn, vì thế bạn cần biết rõ cách thức điều trị chlamydia.[1]

Các bước[sửa]

Tiến hành chẩn đoán y tế[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng và dấu hiệu nhiễm chlamydia. Mặc dù chlamydia thường ít khi biểu hiện triệu chứng trong thời gian đầu, nhưng bạn nên lưu ý bất kỳ triệu chứng xuất hiện. Đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu chlamydia, đặc biệt trong trường hợp quan hệ không an toàn.
    • Cả nam và nữ đều có thể bị nhiễm chlamydia và tái phát bất kỳ lúc nào.[2]
    • Giai đoạn đầu của chlamydia có rất ít triệu chứng, ngay cả khi xuất hiện dấu hiệu, thường là trong vòng từ 1 đến 3 tuần sau khi nhiễm, chúng có thể ở dạng nhẹ.[3]
    • Một số triệu chứng phổ biến của chlamydia là: đi tiểu đau buốt, đau bụng dưới, dịch tiết âm đạo ở phụ nữ, dịch tiết dương vật ở nam, đau khi giao hợp, chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt và sau khi quan hệ ở phụ nữ, hoặc đau tinh hoàn ở nam giới.[3]
  2. Đi khám bác sĩ. Nếu nhận thấy triệu chứng chlamydia, bao gồm dịch tiết vùng kín, hoặc đối tác vừa thông báo rằng nhiễm chlamydia, bạn cần đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm và xác nhận chẩn đoán cũng như áp dụng kế hoạch điều trị phù hợp với bạn.[4]
    • Trao đổi với bác sĩ về triệu chứng mà bạn gặp phải, dấu hiệu chlamydia mà bạn nhận thấy, cũng như trường hợp quan hệ không an toàn.
    • Nếu đã từng nhiễm chlamydia và đang bị tái phát, bạn cần đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc.[5]
  3. Tiến hành kiểm tra y tế. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc chlamydia, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm thêm. Các thủ tục sàng lọc đơn giản này giúp chẩn đoán chính xác bệnh lây truyền qua đường tình dục và tạo điều kiện phát triển kế hoạch điều trị.
    • Đối với bệnh nhân nữ, bác sĩ sẽ phết dịch tiết trong cổ tử cung hoặc âm đạo và đưa mẫu đến phòng xét nghiệm để kiểm tra.[6]
    • Nếu là nam giới, bác sĩ sẽ đưa miếng gạc mỏng vào phần đầu dương vật và phết dịch tiết trong niệu đạo. Sau đó mẫu thử được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra.[6]
    • Nếu quan hệ bằng đường miệng và cửa sau, bác sĩ phết tế bào trong miệng hoặc hậu môn để xét nghiệm chlamydia.[7]
    • Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể xét nghiệm chlamydia bằng nước tiểu.[8]

Điều trị chlamydia[sửa]

  1. Tiến hành điều trị chlamydia. Nếu chẩn đoán mắc chlamydia, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh, cách duy nhất để trị bệnh ngoài biện pháp ngăn ngừa. Nói chung tình trạng nhiễm bệnh sẽ biến mất sau 1 đến 2 tuần.[9]
    • Giai đoạn điều trị cấp đầu tiên đó là azithromycin (1 g uống một viên duy nhất) hoặc doxycycline (100 mg uống hai lần một ngày trong vòng 7 ngày).[10]
    • Cách thức điều trị có thể là một liều dùng duy nhất hoặc uống hằng ngày hay vài lần trong ngày từ 5 đến 10 ngày.[9]
    • Đối tác cũng cần điều trị nếu không có triệu chứng chlamydia. Điều này giúp cho cả hai không lây bệnh cho nhau.[9]
    • Không dùng chung thuốc trị chlamydia với người khác.[5]
  2. Kiểm tra và điều trị trẻ sơ sinh. Nếu đang mang thai và mắc chlamydia, bác sĩ có thể kê toa azithromycin ở gia đoạn điều trị cấp hai và ba để giảm nguy cơ truyền bệnh sang em bé. Tình trạng nhiễm chlamydia sẽ được chữa trị trong thời gian mang thai nếu được phát hiện bạn sẽ được khám lại để khẳng định rằng tình trạng viêm nhiễm đã biến mất hoàn toàn.[10] Sau khi sinh, bác sĩ sẽ kiểm tra đứa bé và điều trị phù hợp.[10]
    • Nếu bạn sinh nở và truyền chlamydia sang em bé, bác sĩ sẽ trị bệnh bằng thuốc kháng sinh để ngăn chặn viêm phổi và nhiềm trùng mắt nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh.[10]
    • Hầu hết bác sĩ dùng thuốc mỡ thoa mắt erythromycin để phòng ngừa nhiễm trùng mắt liên quan đến chlamydia xảy ra ở trẻ sơ sinh.[10]
    • Bạn và bác sĩ nên theo dõi em bé trong trường hợp mắc bệnh viêm phổi do chlamydia gây nên trong ít nhất ba tháng đầu.[10]
    • Nếu đứa bé bị viêm phổi do chlamydia gây nên, bác sĩ sẽ kê toa erythromycin hoặc azithromycin.[10]
  3. Tránh quan hệ tình dục. Trong khi điều trị chlamydia, bạn nên kiêng cử quan hệ kể cả quan hệ bằng đường miệng và cửa sau.[5] Điều này giúp ngăn chặn lây nhiễm bệnh cho đối tác và giảm rủi ro tái phát.[5]
    • Nếu dùng thuốc một liều duy nhất, bạn không nên quan hệ trong vòng bảy ngày sau khi dùng thuốc.[5]
    • Nếu dùng thuốc bảy ngày, bạn nên ngưng các hoạt động tình dục trong thời gian trị bệnh.[5]
  4. Đi khám bác sĩ nếu triệu chứng xuất hiện sau khi điều trị. Nếu triệu chứng chlamydia tái phát sau một đợt điều trị, bạn cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Kiểm soát và khắc phục triệu chứng cũng như bệnh tật giúp đảm bảo rằng bạn không bị tái phát hoặc mắc bệnh hay biến chứng nghiêm trọng hơn.[5]
    • Nếu không khắc phục triệt để các triệu chứng hoặc tình trạng tái phát sẽ dẫn đến biến chứng sức khỏe sinh sản nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh viêm nhiễm vùng chậu, có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến bộ phận sinh sản, và mang thai ngoài tử cung.[5]

Ngăn ngừa chlamydia và tái phát[sửa]

  1. Thường xuyên kiểm tra chlamydia. Nếu bác sĩ điều trị nhiễm chlamydia giai đoạn đầu, bạn nên tái khám khoảng ba tháng sau đó. Điều này giúp bảo đảm rằng bệnh đã khỏi hẳn và bạn không còn bị lây bệnh.[6]
    • Tiếp tục khám bệnh lây truyền qua đường tình dục khi có đối tác mới.
    • Tình trạng tái phát chlamydia rất phổ biến và thường được điều trị bằng loại thuốc kháng sinh tương tự. Nếu bệnh tái phát sau khi tái khám không nhận thấy viêm nhiễm, đây là bệnh mới xuất hiện.[10]
  2. Không dùng sản phẩm thụt rửa âm đạo. Tránh thụt rửa nếu bạn đang và đã mắc chlamydia. Các sản phẩm này tiêu diệt vi khuẩn tốt và làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm hoặc tái phát.[11]
  3. Thực hiện tình dục an toàn. Cách tốt nhất để trị chlamydia đó là tránh bị nhiễm vi khuẩn. Dùng bao cao su và hạn chế số lượng bạn tình có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hoặc tái phát.[11]
    • Luôn dùng bao cao su trong khi giao hợp. Mặc dù bao cao su không hoàn toàn ngăn chặn rủi ro mắc chlamydia, nhưng chúng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.[11]
    • Tránh quan hệ, kể cả quan hệ bằng miệng hoặc cửa sau, trong lúc điều trị. Việc kiêng cử này giúp phòng tránh việc tái phát hoặc truyền STD cho đối tác.[11]
    • Càng có nhiều bạn tình, bạn càng có nguy cơ cao mắc chlamydia. Nên hạn chế số lượng đối tác để giảm thiểu rủi ro, và luôn dùng bao cao su khi quan hệ.[11]
  4. Lưu ý yếu tố rủi ro. Có một vài yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc chlamydia. Bạn cần hết sức thận trọng để giảm thiểu rủi ro mắc bệnh.[11]
    • Nếu dưới 24 tuổi, bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh.[11]
    • Nếu quan hệ với nhiều người trong vòng một năm bạn dễ mắc bệnh chlamydia.[11]
    • Không sử dụng bao cao su thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ nhiễm chlamydia.[11]
    • Nếu có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm chlamydia, bạn đang có nguy cơ cao mắc bệnh.[12]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây