Điều trị gãy chân cho chuột Hamster

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chuột Hamster là động vật nhỏ và nhanh nhẹn. Tuy nhiên, chuột Hamster rất năng động, do đó rất dễ rơi từ trên cao xuống và có nguy cơ bị gãy xương, chủ yếu là xương chân sau. Gãy xương là vấn đề nghiêm trọng, do đó bạn phải ưu tiên chăm sóc và mang đến cho chuột Hamster những điều tốt nhất. Nếu chuột Hamster bị gãy xương hở, bạn nên đưa chuột đi khám thú y ngay. Nếu bị gãy xương kín, nghỉ ngơi trong chuồng sẽ giúp xương chuột Hamster hồi phục.

Các bước[sửa]

Phản ứng khi chuột Hamster bị gãy xương[sửa]

  1. Tìm dấu hiệu gãy xương. Bạn có thể nhận ra chuột Hamster đang bị đau. Khi bị đau, chuột sẽ không còn năng động và muốn di chuyển như trước. Ngoài ra, còn có dấu hiệu gãy xương khác như: [1]
    • Sưng tấy
    • Phát ra âm thanh lạ do mấu xương bị gãy tự cọ xát vào nhau.
    • Xương rời ra và hiện rõ ra khi da bị rách (trường hợp hiếm)
  2. Phân biệt gãy xương hở và gãy xương kín. Nếu nghi ngờ chuột Hamster bị gãy xương, bạn nên xác định trường hợp gãy xương ở chuột thuộc loại nào. Nếu chuột bị gãy xương hở, bạn có thể nhìn thấy xương trắng bị gãy qua lớp da bị rách. Nếu chuột Hamster bị gãy xương kín, xương gãy cũng như vết thương sẽ không hiện rõ. Thay vào đó, xương bị gãy sẽ bị khép kín giữa các bắp chân. Nếu chuột Hamster bị gãy xương kín, bạn sẽ nhận thấy những dấu hiệu sau:[2]
    • Chuột Hamster kéo lê chân
    • Chuột tránh đặt trọng tâm lên chân bị gãy
    • Bạn sẽ cảm giác được sự sụp xương khi chạm nhẹ vào vị trí bị thương của chuột
  3. Biết khi nào nên đưa chuột Hamster đi khám thú y. Chuột Hamster bị gãy xương hở cần được đưa đi khám thú y ngay. Bạn không thể điều trị gãy xương hở cho chuột tại nhà. Thêm vào đó, nếu không được điều trị y tế, gốc xương sẽ bị nhiễm trùng rồi lây lan sang mô, gây độc cho máu và khiến chuột tử vong. Khi bị gãy xương hở, chuột sẽ đau đớn và trở nên chậm chạp, do đó bạn nên đưa chuột đến phòng khám thú y ngay.[3]
    • Bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý vì bác sĩ có thể cho chuột an tử (cho chuột một cái chết nhẹ nhàng) để chuột không phải chịu đau thêm nữa. Nếu các phương pháp y tế không thể giúp chuột điều trị chân, an tử sẽ cứu vớt chuột khỏi sự đau đớn.
  4. Chuẩn bị phẫu thuật cho chuột. Nếu chuột Hamster bị gãy xương hở, bác sĩ thú y có thể yêu cầu cưa xương chân hoặc cố định xương bị gãy. Cả hai quy trình phẫu thuật này đều nguy hiểm cà cần được thực hiện trong điều kiện vô trùng và nghiêm ngặt để tránh nhiễm trùng. Chuột Hamster sẽ được gây mê để không phải chịu đau. Bạn nên lưu ý rằng tỉ lệ thành công của phẫu thuật là rất thấp và chuột có thể chết trong lúc phẫu thuật.
    • Không được thay xương cho chuột mà không cần gây mê. Chuột Hamster sẽ vô cùng đau đớn nếu không được gây mê. Chỉ có bác sĩ thú y chuyên nghiệp mới có khả năng gây mê và phẫu thuật xương cho chuột Hamster.
    • Không dùng thuốc giảm đau cho chuột Hamster vì chuột quá nhỏ và có nguy cơ bị cho dùng quá liều. Dùng quá nhiều thuốc giảm đau cho chuột Hamster rất nguy hiểm, có thể gây loét dạ dày và thậm chí là làm chuột chết.

Kiểm soát quá trình điều trị gãy xương kín[sửa]

  1. Để chuột Hamster nghỉ ngơi thật nhiều. Bạn nên cất bánh xe chạy của chuột Hamster để ngăn ngừa tổn thương nặng thêm. Nếu chuột Hamster sống trong hệ thống chuồng Rotastak nhiều tầng và đường ống cho chuột leo trèo, bạn nên dẹp bỏ tất cả đường ống, giá đỡ hoặc thang để chuột có thể ngồi yên một chỗ. Bạn cũng nên tránh cho chuột chơi với bóng nếu muốn xương chuột hồi phục. Nói chung, nên tránh tạo điều kiện cho chuột Hamster vận động hay đi lại khi chân gãy. [4]
    • Ngăn không cho chuột Hamster hoạt động quá sức giúp giảm trọng lực đặt lên chân bị gãy, nhờ đó giúp các mấu xương nứt liên kết lại và hồi phục dần.
    • Chuột Hamster hoạt động và sử dụng bánh xe chạy sẽ tạo sự phá vỡ các mô bị tổn thương cũng như cản trở quá trình phục hồi và cố định lại của xương.
  2. Cho chuột ăn đầy đủ dưỡng chất. Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về chế độ ăn lành mạnh cho chuột bao gồm hoa quả và rau củ. Bạn có thể cân nhắc cho chuột ăn rau sấy khô hoặc cám viên để ngăn ngừa tình trạng thối rữa rau tươi khi chuột cố tích trữ thức ăn ở một góc lồng. Bạn cũng có thể cho chuột uống sữa vì canxi trong sữa giúp chữa lành xương. Tuy nhiên, nên cho chuột Hamster uống sữa tươi và cứ cách ít nhất 2 tiếng bạn nên thay sữa một lần để tránh nhiễm khuẩn. Không cho chuột Hamster ăn quá nhiều để tránh làm chuột tăng cân và đặt nhiều trọng lượng lên chân bị gãy hơn. [5]
    • Không phải con chuột Hamster nào cũng có thể dung nạp sữa. Vì vậy, nếu phát hiện cám viên bị mềm hoặc chuột bị tiêu chảy, bạn nên ngưng cho chuột uống sữa ngay.
  3. Tránh băng bó chỗ gãy xương cho chuột. Chuột Hamster quá nhỏ để có thể băng bó chỗ xương bị gãy. Băng có nguy cơ cọ sát da, gây lở loét và đau đớn cho chuột. Ngoài ra, chuột còn có thể nhai băng, thậm chí là nuốt. Thêm vào đó, băng bó có thể tạo áp lực lên chỗ gãy xương và làm chuột đau. [4]
    • Nên nhớ rằng bạn có thể băng bó xương gãy cho những con vật khác như chó hoặc mèo để hỗ trợ quá trình liên kết xương nhưng chuột Hamster có kích thước quá nhỏ để có thể băng bó.
  4. Cần kiên nhẫn và theo dõi dấu hiệu phục hồi. Thông thường, gãy xương ở chuột Hamster có thể phục hồi trong ít nhất 4 tuần. Tuy nhiên, một số con chuột cần đến 12 tuần hoặc lâu hơn mới có thể hồi phục. Trong khi chờ đợi, bạn có thể kiểm tra các dấu hiệu phục hồi như đi bằng chân bị gãy hoặc giảm sưng ở chỗ gãy. Khi bạn chạm nhẹ nhàng vào chân bị gãy, chuột sẽ không phản ứng lại hoặc kêu rít lên. Nếu chuột phản ứng do đau, bạn không nên chạm vào chuột.
    • Cách rõ ràng nhất để biết được xương chuột Hamster đã lành hay chưa là chụp X-quang cho chuột. Chụp X-quang khá tốn kém và bạn cũng cần phải gây mê cho chuột.[1]
    • Nếu xương chân chuột Hamster đã lành, bạn có thể tiếp tục cho chuột dùng bánh xe chạy hoặc lắp đặt lại hệ thống nhiều tầng cho lồng chuột. Cũng có trường hợp quá trình liên kết xương bị sai và làm chân chuột bị trật. Nếu trường hợp này xảy ra, bạn cũng đừng nên hoảng sợ. Bạn chỉ cần theo dõi và chuột Hamster sẽ dần dần khỏe lại.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]