Điều trị giun sán cho chó

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có 5 loại giun cơ bản chó thường mắc phải là giun chỉ và 4 loại giun kí sinh đường ruột là giun đũa, sán dây, giun móc và giun tóc. Bác sĩ thú y sẽ biết được loại giun nào phổ biến tại nơi bạn sống cũng như cách xét nghiệm và điều trị giun sán cho chó. Chó cần được dùng thuốc ngăn ngừa và điều trị giun sán chuyên biệt vì nhiều loại giun có thể khiến chó tử vong. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn nhận biết và điều trị 5 loại giun mặc dù những triệu trứng ban đầu thường khó phát hiện và chỉ biểu hiện rõ khi chó bị nhiễm nặng hoặc trong một thời gian dài.

Các bước[sửa]

Nhận biết dấu hiệu nhiễm giun sán[sửa]

  1. Hiểu biết về giun sán kí sinh đường ruột. Giun đũa, sán dây, giun móc và giun tóc thường được tìm thấy trong đường ruột của chó và lẫn trong phân của động vật bị nhiễm giun. Những loại giun này thường gây ra một số triệu chứng thường gặp và bạn có thể xác định trong một số trường hợp.[1]
    • Một số giun sán đường ruột có thể lây từ con chó này sang con chó khác qua “đường phân-miệng”. Trứng giun trong phân của chó bị nhiễm bệnh có thể truyền đến miệng và đường ruột của một con chó khác. Thậm chí nếu bạn không thể nhìn thấy trứng hay phân, chó cũng sẽ vô tình bị nhiễm trứng giun tồn tại trong cỏ. Chó ăn trứng giun khi liếm chân sẽ bị nhiễm giun sán trong đường ruột.[1]
    • Con đường lây nhiễm sán dây chủ yếu là khi chó vô tình ăn bọ chét. [2]
    • Mặc dù không thể xác định loại giun sán mà chó nhiễm nhưng bạn có thể theo dõi triệu chứng để biết được chó có cần được điều trị giun sán đường ruột hay không.
  2. Kiểm tra phân chó. Giun sán đường ruột có thể được phát hiện bằng cách quan sát các thay đổi bất thường trong phân chó. Bạn nên lưu ý các dấu hiệu như:
    • Giun đũa và giun tóc đều có thể gây tiêu chảy. Nếu chó bị tiêu chảy thường xuyên và kéo dài, bạn nên đưa chó đi khám thú y ngay. [1]
    • Giun móc và giun tóc đều có thể khiến chó đi cầu ra máu. Nếu thấy máu trong phân chó, bạn nên liên hệ với bác sĩ thú y ngay.[1]
    • Những đoạn sán dây thường xuất hiện trong phân chó hoặc bám vào lông xung quanh hậu môn chó. Nếu nhận thấy vật thể giống hạt gạo trắng lẫn trong phân, chó nhà bạn rất có thể đã bị nhiễm sán dây.[3]
  3. Chú ý dấu hiệu nôn. Chó bị nhiễm giun sán đường ruột, đặc biệt là giun đũa và sán dây, có thể nôn thường xuyên.[4]
  4. Chú ý khi chó ho. Trong một số trường hợp, chó nhiễm giun sán, đặc biệt là giun đũa, có thể bị ho.[4]
    • Ho có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh khác, do đó bạn nên đưa chó bị ho đi khám bác sĩ thú y ngay.
  5. Theo dõi thay đổi về thể chất. Chó có thể bị nhiễm giun sán đường ruột nếu phần giữa cơ thể bỗng dưng to lên hoặc chó bị sụt cân nhanh chóng. [4]
    • Bụng to có thể là dấu hiệu của giun đũa, trong khi đó, sụt cân có thể là triệu chứng của giun đũa, sán dây hoặc giun tóc.
  6. Chú ý lông và da của chó. Một số loại giun sán đường ruột có thể được phát hiện dựa trên ảnh hưởng của chúng đến độ sáng của màu lông hoặc tình trạng da. [5]
    • Nếu lông sáng bóng trở nên rũ và xỉn màu, chó rất có thể đã bị nhiễm giun đũa.
    • Kích ứng da có thể là dấu hiệu của giun móc.
  7. Cảnh giác nếu chó thường xuyên bị đầy hơi. Nếu bị đầy hơn nhiều hơn bình thường ("đánh rắm" liên tục), chó có thể đã bị nhiễm giun, đặc biệt là giun tóc. [5]
  8. Quan sát dấu hiệu thiếu máu. Giun sán có thể ăn hết chất dinh dưỡng quan trọng của chó, do đó có thể khiến chó bị thiếu sắt.[5]
    • Bạn có thể phát hiện tình trạng thiếu máu bằng cách quan sát nướu chó. Giống như con người, nướu chó cũng có màu hồng. Nướu trở nên nhợt nhạt chứng tỏ chó có thể bị thiếu máu do nhiễm giun móc và giun tóc.
  9. Theo dõi hành vi của chó. Chó có thể thay đổi nhiều trong hành vi nếu bị nhiễm giun sán. Ví dụ:
    • Chó bị nhiễm sán dây có thể trở nên kích động, đau bụng hoặc ngứa quanh hậu môn, do đó chó có thể rê mông trên mặt đất.[5]
    • Chó bị nhiễm giun móc hoặc giun tóc có thể trở nên phờ phạc. Mất năng lượng đột ngột có thể là dấu hiệu cảnh báo cần đưa chó đi khám thú y. [5]
  10. Bạn nên đưa chó đi khám giun chỉ định kì. Giun chỉ có thể kí sinh trong máu và được truyền qua đường muỗi đốt.[6] Không giống như 4 loại giun trên, nhiễm giun chỉ giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng và chó có thể hoạt động bình thường trong nhiều năm mà không biểu hiện bất cứ dấu hiệu nào ra bên ngoài.[7] Vì vậy, bạn cần thường xuyên đưa chó đi xét nghiệm máu để phát hiện giun chỉ.
    • Ở hầu hết các khu vực, xét nghiệm máu hằng năm là đủ để phát hiện giun chỉ tiềm ẩn, cũng như đảm bảo các thuốc phòng ngừa giun chỉ không gây hại cho sức khỏe của chó.[8]
    • Khi bị nhiễm giun chỉ nặng, chó có thể biểu hiện triệu chứng như sưng bụng, xỉn màu lông, ho, thở nhanh và nặng nhọc hoặc suy nhược.[9]
    • Thường thì sẽ quá muộn nếu chó biểu hiện các triệu chứng kể trên vì nhiều trường hợp nặng có thể khiến chó tử vong. Vì vậy, đưa chó đi khám thú y thường xuyên là công việc vô cùng quan trọng.[9]

Điều trị giun sán[sửa]

  1. Xét nghiệm phân. Nếu nghi ngờ chó bị nhiễm giun sán đường ruột, bạn cần liên hệ với bác sĩ thú y ngay để chẩn đoán chính xác và kê đơn thuốc điều trị thích hợp cho chó.[10]
    • Bác sĩ thú y có thể yêu cầu bạn thu thập và mang theo mẫu phân chó để kiểm tra. Bác sĩ thú ý sẽ sử dụng mẫu phân để chẩn đoán và xác định loại giun mà chó bị nhiễm.
  2. Dùng thuốc điều trị. Hầu hết trường hợp nhiễm giun sán đường ruột ở chó có thể được điều trị bằng một trong nhiều loại thuốc uống khác nhau. Loại thuốc và tần suất uống thuốc phụ thuộc vào khuyến cáo của bác sĩ thú y và loại giun chó bị nhiễm.
    • Đối với giun đũa và giun móc, bạn cần cho chó uống thuốc "xổ giun" và trong một khoảng thời gian nhất định của đợt điều trị, chó cần được đưa đi tái khám để ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm sau mỗi 3-6 tháng.[10]
    • Có nhiều thuốc điều trị giun đũa và giun móc, trong đó có cả thuốc “không kê đơn” lẫn kê đơn từ bác sĩ thú y. Pyrantel pamoate và Fenbendazole là 2 thuốc không kê đơn giúp điều trị cả giun đũa lẫn giun móc ở chó. [10]
    • Pyrantel là thuốc an toàn cho chó con được 4 tuần tuổi. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước khi cho chó dùng bất kỳ loại thuốc nào.[11]
    • Nếu bị nhiễm giun đũa hoặc giun móc, chó cũng rất có thể cần phải dùng thuốc ngăn ngừa giun chỉ hằng tháng có chứa thành phần giúp phòng chống giun đũa và kiểm soát tái nhiễm.[10]
    • Praziquantel và Epsiprantel là 2 thuốc thường được sử dụng để điều trị sán dây.[3]
    • Giun tóc có thể bị tiêu diệt bằng một số thuốc nhất định như Fenbendazole hoặc Febantel. Điều trị giun tóc thường kéo dài trong 5 ngày và điều trị lặp lại trong vòng 3 tuần. Chó cũng có thể cần uống thuốc ngăn ngừa giun chỉ hằng tháng để ngăn ngừa giun tóc.[1]
  3. Điều trị giun chỉ ngay lập tức. Chó bị nhiễm giun chỉ cần được điều trị càng sớm càng tốt. Chỉ có bác sĩ thú y mới có khả năng điều trị giun chỉ ở chó.[12]
    • Mức độ nghiêm trọng và tổn thương do giun chỉ gây ra cho tim và phổi chó cần được bác sĩ thú y đánh giá để lên kế hoạch điều trị thích hợp.[12]
    • Có nhiều bước trong một đợt điều trị giun chỉ cơ bản kéo dài 6-12 tháng. Những bước này bao gồm thuốc uống cũng như một loạt thuốc tiêm (thường là ba) chuyên biệt vào cơ lưng chó.[12]
    • Nhiễm giun chỉ là tình trạng cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí trong trường hợp nặng, một số con chó vẫn không thể sống sót ngay cả khi đã được điều trị.

Ngăn ngừa giun sán[sửa]

  1. Đưa chó đi khám thường xuyên. Để chắc chắn chó bị nhiễm giun sán và được điều trị trước khi tình trạng nặng thêm, bạn nên đưa chó đi khám thú y thường xuyên.
    • Để phòng ngừa, bạn nên thu mẫu phân chó và đem đi xét nghiệm ít nhất 1 lần mỗi năm.[10]
    • Nếu chó hoạt động nhiều ngoài trời hoặc chơi với những con chó khác, bắt và ăn sống con mồi hoặc bạn sống trong khu vực nhiều giun sán, bạn nên đưa chó đi xét nghiệm mẫu phân thường xuyên.
  2. Cho chó dùng thuốc ngăn ngừa giun chỉ. Thuốc ngăn ngừa giun chỉ thường rẻ và an toàn hơn thuốc điều trị, do đó bạn nên bắt đầu cho chó con được 8 tuần tuổi dùng thuốc ngăn ngừa giun chỉ. Nhiều thuốc ngăn ngừa giun chỉ có sẵn cũng có thể giảm nguy cơ nhiễm các loại giun khác nên việc dùng thuốc ngừa giun chỉ lại càng cần thiết hơn.[10]
    • Có nhiều thuốc ngăn ngừa giun chỉ có sẵn và bác sĩ thú y có thể tư vấn cho bạn loại phù hợp.[13]
    • Các thuốc ngăn ngừa giun chỉ phổ biến nhất thường sẵn có dưới dạng thuốc uống và thoa ngoài.
    • Nhiều thuốc ngăn ngừa giun chỉ còn có thể phòng chống cả bọ chét và ve. Không có thuốc giúp ngăn ngừa tất cả các loại kí sinh trùng nhưng bác sĩ thú y có thể giúp bạn quyết định loại phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của chó. [13]
    • Chó cần được uống hoặc thoa thuốc ngăn ngừa giun chỉ hằng tháng, mặc dù vẫn có loại thuốc tiêm có thể kéo dài hiệu quả trong 6 tháng. Thuốc này chỉ giúp ngăn ngừa giun chỉ và không có tác dụng phòng chống các loại giun sán đường ruột.
    • Nếu sống trong khu vực không cần thiết phải phòng chống giun chỉ, bạn chỉ cần cho chó dùng các loại thuốc giúp điều trị giun sán đường ruột như Pyrantel Pamoate, Fenbendazole và Praziquantel.[10]
  3. Loại bỏ bọ chét cho chó. Nhiễm sán dây thường xảy ra chủ yếu khi chó ăn bọ chét nên loại bỏ bọ chét là cách ngăn ngừa sán dây hiệu quả nhất.[3]
    • Có nhiều thuốc uống, thuốc thoa không kê đơn và kê đơn giúp kiểm soát bọ chét cũng như sán dây hiệu quả cho chó.[14]
    • Mặc dù không hiệu quả bằng nhưng bạn vẫn có thể dùng vòng cổ chống bọ chét và tắm cho chó thường xuyên.[15]
  4. Dọn phân chó. Giun móc và giun tóc thường lây nhiễm qua phân. Bạn nên thường xuyên dọn dẹp phân chó và ngăn chó nhà bạn tiếp xúc với chất thải của những con chó khác.[16]

Lời khuyên[sửa]

  • Theo dõi chó và liên hệ với bác sĩ thú y nếu nghi ngờ chó có vấn đề.
  • Dọn sạch sẽ sân nhà thường xuyên.
  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước khi cho chó dùng bất kỳ loại thuốc nào.
  • Cứ cách 6-12 tháng, bạn nên đưa chó đi xét nghiệm một lần, bao gồm cả xét nghiệm phân và xét nghiệm máu.

Cảnh báo[sửa]

  • Cả giun chỉ lẫn giun sán đường ruột đều có thể khiến chó tử vong nếu không được điều trị. Bạn nên đưa chó đi kiểm tra thường xuyên hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia nếu nghi ngờ chó bị nhiễm giun sán.
  • Nếu bị nhiễm giun móc nghiêm trọng, chó có thể thể cần phải nhập viện để truyền dịch qua tĩnh mạch, thậm chí là truyền máu.
  • Cẩn thận khi xử lý phân chó vì giun móc và giun đũa có thể truyền sang người. [17]
  • Giun móc có thể truyền sang chó chưa sinh. Nếu chó đang mang thai, bạn nên đặc biệt cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu nhiễm giun nào.[17]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]