Aleksandr Sergeyevich Pushkin

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Aleksandr Sergeyevich Pushkin (tiếng Nga: ; 1799 – 1837) là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga. Được tôn vinh là đại thi hào, Mặt trời thi ca Nga,[1] ông đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ 19[2][3][4][5] bởi nhiều cống hiến trong sự đa dạng hóa ngôn ngữ văn chương.[6][7]

Thời thơ ấu[sửa]

Tập tin:Pushkin 04.jpg
Chân dung thời thơ ấu của A.S.Pushkin

Pushkin sinh ngày 6 tháng 6 năm 1799 (26 tháng 5 theo lịch cũ) tại thành phố Moskva trong một gia đình quý tộc Nga có nguồn gốc từ thế kỷ 12.Cha của Pushkin, ông Pushkin Sergei Levova, là hậu duệ của dòng dõi gia đình Boyar cũ - tước hiệu cao cấp nhất trong tầng lớp quý tộc của Nga và Romania thời xưa. Ông vốn là một chủ đất giàu có, sở hữu nhiều đất đai và nô lệ. Tuy nhiên, ông Sergei Levova lại luôn cảm thấy xấu hổ vì điều này. Dường như người cha của Pushkin không phù hợp với công việc của một người quản lý. Ông rất ít quan tâm đến những khái niệm như gia đình, thu nhập và giá cả nông sản. Cả cuộc đời của Sergei Levova sống trong cảnh thảnh thơi, nhàn nhã và vô lo với tài hoạt ngôn trên các diễn đàn đông người, ưa tìm hiểu ngôn ngữ Pháp và Nga, quan tâm tới văn học và có một thư viện gồm những cuốn sách tiếng Pháp giá trị. Với con cái, ông Sergei Levova cũng rất ít thể hiện sự quan tâm đặc biệt nhưng cơ bản là một người cha tốt.Vợ ông Sergei Levova, đồng thời là mẹ Pushkin, bà Nadezhda Osipovna, thuộc dòng dõi của Abram Petrovich Gannibal, một người nô lệ da đen, nhờ thông minh xuất chúng và có những đóng góp lớn về quân sự, hàng hải cho nước Nga đã được Pyotr Đại đế nhận làm con nuôi. Vì thế, Pushkin có vài đặc điểm giống đằng ngoại như tóc rất xoăn, làn da ngăm đen và đôi môi dày.Trái với bản tính vô lo của chồng, bà Sergei Levova là một phụ nữ xinh đẹp nhưng chuyên quyền, độc đoán. Ba người con, con gái lớn Olga, rồi đến Pushkin và cuối cùng là em út Leo thì chỉ có Leo là được nuông chiều hơn cả. Chị em Pushkin thường bị mẹ dạy bằng roi vọt và bà mẹ đặc biệt lạnh lùng với cậu con trai thứ. Có thời điểm quá tức giận, thậm chí bà còn không nói chuyện với Pushkin tới hàng tuần, thậm chí cả tháng.Trong thời gian cai sữa cho Pushkin, bà mẹ đã bỏ mặc cậu bé đói khát mút tay và không âu yếm cậu bé như những bà mẹ khác. Vì thuở nhỏ Pushkin rất mập mạp, vụng về, bà mẹ đã bắt cậu phải vận động, chạy nhảy, chơi đùa với bạn bè cùng trang lứa. Trái lại, bà ngoại của cậu, bà Maria Alexeevna Gannibal lại là một phụ nữ rất hiền từ. Thời thơ ấu, trong những tháng hè, Pushkin thường được về chơi với bà ngoại tại ngôi làng nhỏ Zakharov, gần thành phố Zvenigorod, ngoại ô Moskva. Những tháng ngày êm đềm ở đây về sau này được phản ảnh trong những bài thơ đầu tiên của Puskin ("Thầy tu", 1813; "Bova", 1814; "Lời nhắn cho Yudin", 1815; "Giấc mơ", 1816).

Thời niên thiếu[sửa]

Sáu tuổi, Pushkin được tuyển vào trường Lyceum Hoàng gia[1], tại Tsarskoe Selo (Hoàng Thôn, nay là thị trấn Pushkin) gần kinh đô Sankt-Peterburg. Thời gian theo học tại đây ông đã chứng kiến cuộc chiến tranh giữa quân đội Nga hoàng với quân Pháp của Napoléon I (1812). Ông có bài thơ nổi tiếng về chủ đề này - "Hồi ức ở Hoàng Thôn" (Воспоминание о Царском Селе, 1815). Bài thơ này đã được nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng thời bấy giờ là Gavrila Romanovich Derzhavin (Гаври́л Рома́нович Держа́вин) coi là một tác phẩm kiệt xuất và đã tôn vinh Pushkin, khi đó mới 16 tuổi, như một nhà thơ lớn của nước Nga.

Tập tin:Pushkin derzhavin.jpg
Pushkin đọc thơ trước Derzhavin năm 16 tuổi

Sau khi tốt nghiệp Lyceum, Pushkin tích cực tham gia vào các hoạt động văn học nghệ thuật của giới quý tộc trí thức trẻ tại Sankt-Peterburg, lúc bấy giờ đang nỗ lực đấu tranh cho một cuộc cách mạng xoá bỏ chế độ nông nô tại Nga. Thời gian này ông cho ra đời những bài thơ mang tính chính trị như "Gửi Chaadaev" (К Чаадаеву, 1818), "Gửi N. Ya. Plyuskova" (Н. Я. Плюсковой, 1818), "Làng quê" (Деревня, 1819)... Năm 1820 Pushkin cho in bản trường ca đầu tiên của mình - "Ruslan và Lyudmila" (Руслан и Людмила) và ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn về phong cách cũng như chủ đề, mặc dù cũng phải chịu sự công kích dữ dội từ phía chính quyền.

Đi đày[sửa]

Tập tin:Puskin-handwritting.jpg
Một trong nhiều bản thảo viết tay của Pushkin

Mùa xuân 1820, do những bài thơ cách mạng, thống đốc Sankt-Peterburg, bá tước M. Miloradovich, đã quyết định đày Pushkin tới Sibir. Tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ và ảnh hưởng của những người bạn (Nikolai Mikhailovich Karamzin, Pyotr Yakovlevich Chaadayev, Fyodor Nikolayevich Glinka), cuối cùng ông chỉ phải chịu mức án nhẹ hơn là bị trục xuất khỏi thành phố Sankt-Peterburg vô thời hạn. Sau khi rời Sankt-Peterburg, Pushkin đã đi xuống miền nam nước Nga, tới Kavkaz Krym, Moldova, Kiev. Trong thời gian này ông vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới có ảnh hưởng rất lớn tới văn học Nga thế kỷ 19, như "Người tù binh Kavkaz" (Кавказский пленник, 1822), "Gavriiliada" (Гавриилиада, 1821), "Anh em lũ cướp" (Братья разбойники, 1822), "Đài phun nước Bakhchisaraysky" (Бахчисарайский фонтан, 1824). Năm 1823, ở Kishinov, Pushkin bắt tay vào viết tiểu thuyết bằng thơ, kiệt tác "Yevgeny Onegin"[2] (Евгений Онегин).

Tập tin:Kiprensky Pushkin.jpg
Pushkin qua nét vẽ của Orest Adamovich

Tháng 7 năm 1824, với đơn xin ân xá, Pushkin được chính quyền cho phép về ở khu trang trại Pskov tại vùng Mikhailovskoe dưới sự kiểm soát của gia đình. Tại Mikhailovskoe ông đã sáng tác những tác phẩm lịch sử như vở kịch "Boris Godunov" (Борис Годунов, 1825), "Với biển cả" (К морю, 1826), trường ca "Những người Digan" (Цыганы, 1827).

Năm 1825, trong lần sang thăm trang trại láng giềng, Pushkin đã gặp nàng Anna Kern, người tạo cho ông cảm hứng để sáng tác bài thơ nổi tiếng "Gửi K". Cuối năm 1825 đầu năm 1826 kết thúc chương năm và sáu của "Evgeny Onegin", mà lúc đó Puskin coi là đoạn kết cho phần một của tác phẩm.

Tập tin:Tuongpuskin.jpg
Tượng Pushkin ở Moskva

Cuối năm 1825, thông qua một số viên chức có thiện chí, Pushkin đã được tiếp cận Nga hoàng Nikolai I để đệ đơn xin ân xá và được Nga hoàng chấp thuận. Tuy nhiên sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp năm 1825 tại Sankt-Peterburg, chính quyền đã xem xét lại tất cả các ấn phẩm chống đối chính quyền của Pushkin trước đó và quyết định buộc ông bị quản thúc tại gia và có chính sách kiểm duyệt nghiêm khắc các tác phẩm của nhà thơ. Pushkin đã chuyển về Moskva sống trong thời gian này.

Năm 1831 được đánh dấu bởi một sự kiện rất quan trọng trong sự nghiệp của Pushkin, ông đã có buổi gặp gỡ với Nikolai Vasilyevich Gogol, một nhà văn Nga nổi tiếng khác. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn thân và luôn hỗ trợ nhau trong hoạt động nghệ thuật. Puskin đã có ảnh hưởng lớn tới những nhân vật trong các tác phẩm châm biếm phê phán hiện thực của Gogol.

Cùng năm 1831, Pushkin kết hôn với người đẹp Natalia Goncharova, người đã đem lại cho ông cảm hứng sáng tác lớn lao. Ông hoàn tất chương "Bức thư của Onegin" trong tác phẩm "Evegeny Onegin" và cũng là chương kết của công trình vĩ đại mà nhà thơ đã mất 8 năm để thực hiện.

Trở lại Sankt-Peterburg[sửa]

Tháng 11 năm 1833, Puskin trở lại Sankt-Peterburg, và cảm thấy cần phải có những thay đổi lớn trong cuộc sống, ông không muốn bị kìm kẹp trong bốn bức tường do chế độ quản thúc.

Nhờ sự sủng ái của Nga hoàng Nikolai I, đầu năm 1834 chế độ quản thúc đối với Pushkin được nới lỏng, tuy nhiên các tác phẩm thơ ca của ông vẫn phải có sự đồng ý của Sa hoàng mới được phát hành. Do vậy hoàn cảnh kinh tế của nhà thơ không được thuận lợi, Pushkin phải đăng ký vào một chức vụ thư lại trong viện biên sử của Sa hoàng. Thời kỳ này, Puskin chuyển hướng sang viết văn xuôi. Ông sáng tác truyện vừa như "Con đầm bích" (Пиковая дама), tiểu thuyết như "Dubrovski" (Дубровский, 1832-33), "Con gà trống vàng", "Người da đen của Pyotr Đại đế" (không hoàn thành)...

Cùng với những người bạn, Pushkin đã thành lập tờ tạp chí Người đương thời (Современник). Nhiều tác giả nổi tiếng của Nga thời bấy giờ như Aleksandr Ivanovich Turgenev, N.V. Gogol, V.A. Zhukovski, P.A. Vyazemski đã ủng hộ bằng cách gửi những tác phẩm mới nhất của mình tới cho tạp chí này. Tuy nhiên, độc giả Nga khi đó chưa quen với những bài viết mang tính phê phán hiện thực sâu sắc đã không hưởng ứng tạp chí Người đương thời. Số lượng độc giả quá ít khiến ban biên tập lâm vào tình thế rất khó khăn, họ không có đủ tiền để trang trải cho việc in ấn và thù lao cho cộng tác viên. Hai số cuối của tạp chí có đến quá nửa là sáng tác của Pushkin, phần lớn là để vô danh. Tiểu thuyết "Người con gái viên đại úy" (Капитанская дочка) chính là được in trên tạp chí này.

Đấu súng[sửa]

Vợ của Pushkin - Natalia Goncharova là một phụ nữ đẹp và quý phái vì vậy luôn có rất nhiều người ái mộ, trong số đó có cả Nga hoàng Nikolai I. Trong khi đó Puskin, do nguồn gốc châu Phi của mình, lại có một bề ngoài không mấy bắt mắt. Điều này làm cho Puskin rất khó chịu và không ít lần cảm thấy bực bội.

Năm 1837, do những tin đồn thất thiệt về quan hệ ngoại tình của vợ mình với Georges d'Anthès, một sĩ quan kỵ binh trong quân đội Sa hoàng, Puskin đã thách đấu súng với viên sĩ quan trẻ tuổi này. Cuộc đọ súng đã kết thúc hết sức bi kịch khi cả hai đối thủ đều bị thương, nhưng Puskin đã bị trọng thương và qua đời hai ngày sau đó – ngày 10 tháng 2 năm 1837 (29 tháng một trong lịch Julian).

Bộ phim Pushkin. Ngày quyết đấu công chiếu năm 2006 của đạo diễn Natalya Sergeyevna Bondarchuk đã tập trung quanh vụ đấu súng này.


Ghi chú[sửa]

  1. ^  Sau này vào những năm 1830, Puskin đã viết cuốn tiểu thuyết về Abram Petrovich Gannibal, có tựa đề là "Người nô lệ da đen của Pyotr Đại đế". Tuy nhiên cuốn tiểu thuyết này đã không được hoàn thành vì ông bất ngờ qua đời sau vụ đọ súng với Georges d'Anthes.
  2. ^  Lyceum Hoàng gia là trường dành cho các học sinh quý tộc Nga từ cấp tiểu học cho tới trung học; học sinh theo học Lyceum thường có độ tuổi từ 8 tới 17.
  3. ^  "Evegeny Onegin" là tác phẩm dài nhất và nổi tiếng nhất của Puskin. Ông đã dày công thực hiện nó trong gần tám năm trời (1823-1830). Sau này nhà soạn nhạc người Nga nổi tiếng Tschaikovski đã dựa vào bản trường thi này để viết vở opera "Evgeny Onegin".

Tác phẩm[sửa]

Xem chi tiết: Danh sách các tác phẩm của Aleksandr Sergeyevich Pushkin

Một số bài thơ[sửa]

Я вас любил
Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
 
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.
 
 
Что в имени тебе моем?
Что в имени тебе моем?
Оно умрет, как шум печальный
Волны, плеснувшей в берег дальний,
Как звук ночной в лесу глухом.
 
Оно на памятном листке
Оставит мертвый след, подобный
Узору надписи надгробной
На непонятном языке.
 
Что в нем? Забытое давно
В волненьях новых и мятежных,
Твоей душе не даст оно
Воспоминаний чистых, нежных.
 
Но в день печали, в тишине,
Произнеси его тоскуя;
Скажи: есть память обо мне,
Есть в мире сердце, где живу я...
 
 
Mon portrait
Vous me demandez mon portrait,
Mais peint d’après nature;
Mon cher, il sera bientôt fait,
Quoique en miniature.
 
Je suis un jeune polisson,
Encore dans les classes;
Point sot, je le dis sans façon
Et sans fades grimaces.
 
Onc il ne fut de babillard,
Ni docteur en Sorbonne —
Plus ennuyeux et plus braillard.
Que moi-même en personne.
 
Ma taille à celles des plus longs
Ne peut être égalée;
J’ai le teint frais, les cheveux blonds
Et le tête bouclée.
 
J’aime et le monde et son fracas,
Je hais la solitude;
J’abhorre et noises, et débats,
Et tant soit peu l'étude.
 
Spectacles, bals me plaisent fort
Et d’après ma pensée,
Je dirais ce que j’aime encor…
Si n'étais au Lycée.
 
Après cela, mon cher ami,
L’on peut me reconnaître:
Oui! tel que le bon dieu me fit,
Je veux toujours paraître.
 
Vrai démon pour l’espièglerie,
Vrai singe par sa mine,
Beaucoup et trop d'étourderie.
Ma foi, voila Pouchkine.
 
 
Моя эпитафия
Здесь Пушкин погребен; он с музой молодою,
С любовью, леностью провел веселый век,
Не делал доброго, однако ж был душою,
Ей богу, добрый человек.
 
 
Я памятник себе воздвиг нерукотворный...
 
Exegi monumentum.
 
Я памятник себе воздвиг нерукотворный,
К нему не зарастет народная тропа,
Вознесся выше он главою непокорной
Александрийского столпа.
 
Нет, весь я не умру — душа в заветной лире
Мой прах переживет и тленья убежит —
И славен буду я, доколь в подлунном мире
Жив будет хоть один пиит.
 
Слух обо мне пройдет по всей Руси великой,
И назовет меня всяк сущий в ней язык,
И гордый внук славян, и финн, и ныне дикой
Тунгус, и друг степей калмык.
 
И долго буду тем любезен я народу,
Что чувства добрые я лирой пробуждал,
Что в мой жестокий век восславил я свободу
И милость к падшим призывал.
 
Веленью божию, о муза, будь послушна,
Обиды не страшась, не требуя венца;
Хвалу и клевету приемли равнодушно,
И не оспоривай глупца.
Tôi yêu em
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa,
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.
 
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.
Bản dịch của Thúy Toàn
 
Còn lại gì cho em
Còn lại gì cho em trong tên gọi
Sẽ chết đi như tiếng dội buồn thương
Của ngọn sóng vỗ bờ xa mòn mỏi
Như rừng sâu tiếng vọng giữa đêm trường.
 
Cái tên gọi trong những dòng lưu bút
Để lại cho em dấu chết, tựa như
Lời ai điếu giữa những viền hoạ tiết
Mà lời văn nghe u ẩn, mịt mù.
 
Cái tên gọi đã từ lâu quên lãng
Trong những cơn xúc động mới cuồng điên
Chẳng hề gợi trong hồn em một thoáng
Hoài niệm xưa bao tha thiết êm đềm.
 
Nhưng nếu gặp ngày âm thầm đau đớn
Phút u buồn xin em hãy gọi tên
Và hãy nói: vẫn còn đây kỷ niệm
Em vẫn còn sống giữa một trái tim.
Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng
 
Chân dung của tôi
Bạn yêu cầu bức chân dung của tôi
Mà cần vẽ chính xác như vốn có
Nó sẽ được vẽ nhanh thôi, bạn ạ
Mặc dù đây là tiểu phẩm mà thôi.
 
Tôi vốn kẻ chơi bời, xin nói thật
Từ những khi còn trên ghế nhà trường
Và tôi cũng xin nói rất thật lòng
Tôi cũng là kẻ không hề dại dột.
 
Và cũng chẳng hề ba hoa mách lẻo
Rằng ta đây là tiến sĩ Xoóc-bon
Nhưng chẳng có ai người chán ngấy hơn
Là bản chất của tôi như vốn có.
 
Về chiều cao, so với kẻ cao ngồng
Thì có lẽ chắc gì tôi sánh nổi
Gương mặt tôi nét trẻ trung tươi rói
Mái tóc xoăn và tóc có màu hung.
 
Tôi vốn yêu cuộc đời, thích đám đông
Sự cô đơn – tôi vô cùng căm ghét
Ghét tranh luận, cãi lộn, và nói thật
Tôi cũng không thích gì chuyện học hành.
 
Nhảy nhót, diễn kịch – tôi mê vô cùng
Và nếu phải nói một cách chân thật
Thì tôi sẽ nói rằng tôi thích nhất
Là giá như đã không học ở trường.
 
Theo những điều như thế, bạn mến thương
Bạn có thể biết về tôi cặn kẽ
Tôi được tạo bằng bàn tay của Chúa
Nên tôi muốn là như thế thường xuyên.
 
Điệu bộ có phần giống quỉ, ngông nghêng
Và gương mặt có phần nào giống khỉ
Thêm vào đó một chút cuồng thi sĩ
Thế là chân dung cho bạn – Pushkin.
Bản dịch của Hồ Thượng Tuy
 
Thơ mộ chí của tôi
Pushkin nằm đây với một nàng thơ trẻ
Đã sống những ngày vui lười nhác với tình
Không làm gì tốt, nhưng sống bằng tấm lòng
Ông là một người tốt, xin lạy Chúa.
Bản dịch của Huyền My
 
Tôi dựng tượng cho mình
 
Exegi monumentum[8]
 
Tôi sẽ dựng cho mình một bức tượng tự nhiên
Mà sẽ không cần đến những đoàn dân chúng
Bức tượng này bằng cái đầu kiêu hãnh
Cao hơn cả cột đá Aleksandr.[9]
 
Không, tôi không chết – hồn trong thơ kín thầm
Tro của tôi sẽ sống qua và phù vân chạy trốn
Và tôi sẽ vinh quang cho đến một khi còn sống
Dù chỉ một nhà thơ ở cõi trần gian.
 
Tin về tôi sẽ bay khắp nước Nga rộng mênh mông
Người ta sẽ gọi tên tôi bằng biết bao ngôn ngữ
Người Slavơ, người Phần Lan và dù còn hoang dã
Người Tungus, người Kalmyk – bạn của thảo nguyên.
 
Sẽ mãi còn đây lòng yêu mến của nhân dân
Bằng thơ ca tôi đã từng thức dậy điều tốt đẹp
Đã ca ngợi tự do trong thế kỷ đầy khắc nghiệt
Và đã gọi ban ơn cho những kẻ khốn cùng.
 
Nàng thơ hãy biết nghe theo lời của Chúa răn
Đừng sợ chi giận hờn, đừng đòi chi vương miện
Hờ hững trước lời khen hoặc trước điều vu khống
Chớ đôi co với những kẻ ngu đần.
Bản dịch của Phan Cẩm Thịnh

Tham khảo[sửa]

  1. Basker, Michael. Pushkin and Romanticism. In Ferber, Michael, ed., A Companion to European Romanticism. Oxford: Blackwell, 2005.
  2. Short biography from University of Virginia, retrieved on 24 November 2006.
  3. Allan Reid, "Russia's Greatest Poet/Scoundrel", Truy cập 2 tháng 9, 2006.
  4. "Pushkin fever sweeps Russia". BBC News, 5 tháng 6, 1999, Truy cập 1 tháng 9, 2006.
  5. "Biographer wins rich book price". BBC News, 10 tháng 6, 2003, Truy cập 1 tháng 9, 2006.
  6. Biography of Pushkin at the Russian Literary Institute "Pushkin House". Truy cập 1 tháng 9, 2006.
  7. Maxim Gorky, "Pushkin, An Appraisal". Truy cập 1 tháng 9, 2006.
  8. Exegi monumentum (tôi dựng tượng cho mình - trích từ thơ của Horatius)
  9. Cột đá Aleksandr (Александрийский столп - Александровская колонна) – tượng đài của Aleksandr I bằng đá hoa cương nguyên khối cao 47, 5 m ở Quảng trường Cung điện, Saint Petersburg. Pushkin so sánh giá trị của tinh thần và vật chất, thơ ca sống động và cột đá chết để nói lên giá trị nghệ thuật của thi ca.

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây