Băng Sơn/Nhà văn Băng Sơn/Đọc tuỳ bút Băng Sơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

ĐỌC TUỲ BÚT BĂNG SƠN

Ba mươi năm về trước, tình cờ tôi gặp rồi quen Băng Sơn khi anh đưa con về sơ tán nơi tôi đang dạy học, đó còn là quê vợ anh: làng Thứa, thuộc phủ Đường Hào nay là huyện Mỹ Văn tỉnh Hưng Yên. Biết anh làm thơ nên tôi cứ xoắn lấy để trò chuyện. Nghe anh kể về thơ, tâm hồn tôi cứ ào lên con sóng thèm khát nghề cầm bút. Đêm ấy tôi ngồi lì bên ngọn đèn hoa kỳ tù mù, phải che kín, chỉ sợ lọt một tí ánh sáng là thành mục tiêu oanh kích của không lực Hoa Kỳ. Sáng hôm sau, tôi vừa mừng vừa thấp thỏm đưa cho Băng Sơn đọc bài thơ đầu tay của mình. Nghe anh nhận xét bài thơ, tôi ngây ngất rồi ngộ nhận: Ta cũng thi nhân lắm chứ! Nhưng rồi một phần ba thế kỷ, ngẫm lại thì ra mình tự xui dại mình dấn thân bỡn cợt nàng thơ đấy thôi! Tiền oan thì chưa biết nhưng cái "nghiệp chướng" cầm bút thì nhỡn tiền đấy rồi.

Cũng một phần ba thế kỷ ấy, không phải không có những thăng trầm, nhưng Băng Sơn vẫn viết, vẫn suy ngẫm, vẫn thả hồn bay vi vút để rồi mười năm trở lại đây, anh đã đóng đinh vào năm tháng, vào niềm yêu thương, nể trọng của bao người về một tuỳ bút Băng Sơn!

Chúng ta đã từng vui, từng hãnh diện về một Tuỳ bút Nguyễn Tuân. Cái tuỳ bút bậc thầy này không chỉ sừng sững trong lịch sử văn học nước ta mà ngay nước Pháp, một trong những cái nôi văn học nhân loại, còn có cả một trường phái tuỳ bút Nguyễn Tuân!

Gần đây, tôi sững sờ và mê mải đọc Tuỳ bút Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hơn mười năm trước, có lần tâm sự với Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi biết anh đang ấp ủ một tập Tuỳ bút về Tổ quốc. Đó là Cồn Cỏ, Đồng Đăng, cầu Hồ Kiều, mũi Cà Mau.... Hiềm là tuỳ bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện chưa nhiều và ít thường xuyên như Băng Sơn.

Băng Sơn là nhà thơ, anh từng là diễn viên kịch thơ, anh còn viết trường ca và cả kịch thơ. Năm 1984, anh in chung với Lữ Giang, Nguyễn Xuân Thâm tập thơ Nắng bên sông. Tám năm sau, anh mới lại in chung với Nguyễn Hà tập thơ tứ tuyệt: Thơ hai người. Sắp tới anh cho in tập thơ tứ tuyệt Bóng xa.

Dầu là in chung nhưng thơ Băng Sơn rất riêng: ngọt ngào và nhân hậu... với thơ, Băng Sơn là thi sĩ tài hoa đích thực! Người ta cho rằng thơ chỉ là gương mặt của một nền văn học, còn tầm vóc của nền văn học phải trông vào văn xuôi! thơ Băng Sơn là gương mặt đẹp hiền lành, đoan trang, còn chiều sâu và bề rộng văn chương Băng Sơn là ở văn xuôi, ở đoản văn và nhất là tuỳ bút. Anh không viết tiểu thuyết, không viết bút ký, kịch bản sân khấu.... Băng Sơn chuyên về tuỳ bút. Khó mà phân định rạch ròi thời gian anh viết văn xuôi từ bao giờ. Đoản văn Băng Sơn xuất hiện từ hơn hai chục năm, còn tuỳ bút Băng Sơn thì xuất hiện thường xuyên khoảng mười năm trở lại đây. Trong khoảng mười năm, Băng Sơn ấn hành ngót hai chục đầu sách với ngót bẩy ngàn trang sách, không kể hàng trăm bài thơ, hàng ngàn bài báo. Mười năm Băng Sơn xuất hiện thường xuyên trên 40 tờ báo, tạp chí ở Hà Nội và các thành phố lớn. Anh cũng thường viết cho các báo, các tạp chí văn nghệ ở các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam.... Ba bốn năm gần đây, ở các Hội Báo xuân, Băng Sơn xuất hiện với khoảng ba bốn chục tuỳ bút xuân! Thường ngày, Băng Sơn có thói quen buổi sáng dạo qua mấy quầy báo, gặp bạn bè, lang thang tìm cảm xúc. Buổi chiều cặm cụi trên chiếc máy chữ cũ kỹ với tay nghề đánh máy không chuyên, anh đánh máy bản thảo: Băng Sơn rất thích tự đánh máy bản thảo của mình mặc dù tốn nhiều công và thời gian. Tối tối, anh ngồi vào bàn viết, lúc này, tâm hồn trí uệ anh là của riêng tuỳ bút. Cũng may là vợ anh, chị Mai Phương lại rất "đáng mặt" phu nhân "kẻ" lâm vào cái nghiệp văn chương. Chị Phương không ghen với tuỳ bút, nằm đọ sách chờ chồng, thi thoảng lại bưng cho anh li sữa nóng hoặc cốc trà pha đường. Băng Sơn rất thích uống trà pha đường.

Ở khoảng tuổi từ ngót sáu mươi đến ngót bảy mươi, Băng Sơn trình làng với lượng đầu sách, lượng trang in như vậy, cuộc sống lại rất đạm bạc, thanh khiết! Con người ấy với lao động nghệ thuật sáng tạo kỳ diệu ấy biết tặng phần thưởng nào cho vừa.

Băng Sơn là nhà thơ nên tuỳ bút của anh mang đậm chất thơ. Ngàn thiên tuỳ bút của anh là ngàn bài thơ văn xuôi! Đọc tuỳ bút của Băng Sơn thấy nhạc điệu thi ở từng câu, từng dòng, hoà quyện lắng trong hồn người, âm hưởng trầm bổng, nhẹ lâng. Xin được trích đoạn tuỳ bút về một điều ngỡ là khô khốc, thời sự, vậy mà đọc lên vẫn xúc động nhạc điệu thi ca: "Hồ Tây vẫn lao xao sóng nước, Hồ Gươm vẫn liễu rủ thanh tân. Nhưng đã có một nước Việt Nam mới đang vươn vai để trở thành con rồng châu Á, mà một thành phố hồ Chí Minh tấp nập suốt ngày đêm đã xuất phát, đang tăng tốc độ, đang táo bạo trong cuộc hành trình thế kỷ" (Sức lửa mùa thu - Thấp thoáng hồn xưa - trang 254). Một đoạn khác trong tuỳ bút Trinh nữ: "Lạ thật. Cây cỏ hoang, chẳng ai đoái hoài, đếm xỉa, mọc ven đường, cạnh bãi, chỗ bờ rào, lưng đồi khô.... vậy mà biết cử động, biết mở khép nỗi riêng tây như có chứa đựng một tâm hồn đầy cảm hứng của thi nhân. Hay kiếp trước của cây cũng là một trinh nữ băng ngần, tinh khiết, chẳng may bị bàn tay phàm tục làm nát một đời hoa nên kiếp này còn sợ sệt, bẽ bàng, run rẩy, sợ từ một cái càng châu chấu, bẽ bàng với cả một tiếng rùng rùng nhịp bánh xe xa và run rẩy khi mùi tục bụi trần gian sà xuống". (Cái thú lang thang - trang 122). Viết về một loài cây mà Băng Sơn thổi vào đó một linh hồn để rồi tấu lên âm điệu giàu trữ tình. Nhà thơ Ngô Quân Miện gọi văn xuôi Băng Sơn là văn xuôi có cánh thì đó là nhận xét chân thực và xúc động! Bởi lẽ ở tuỳ bút nào của Băng Sơn cũng giàu nhạc điệu như thi ca và đều "có cánh" như vậy. Băng Sơn rất chân thực lại rất tài hoa khi anh "ém" những rung động của mình về thiên nhiên, về đất nước, về con người và cuộc sống trong từng trang viết khiến câu chữ của anh có sức lay động, truyền cảm khiến người đọc cũng đồng cảm với tác giả, rung động những rung động của tác giả. Tuỳ bút Băng Sơn mang đến cho người đọc ngọn gió mát lành giữa trưa hè oi ả, chút lửa ấm trong những ngày đông tháng giá... Giá trị mỹ cảm mà tuỳ bút Băng Sơn đem đến cho người đọc là từ ở cách nhìn và tấm lòng yêu thương của anh với thiên nhiên, cảnh vật, với quê hương đất nước, với con người và cuộc đời. Đọc tuỳ bút Băng Sơn không gặp những tình huống éo le, những âu lo thẳng thốt mà chỉ thấy những niềm cảm khái, những bâng khuâng thổn thức. Tuỳ bút Băng Sơn thật giàu chất nhân văn.

Lang thang là việc của kẻ nhàn cư đi tìm lạc thú hay của người bần hàn đi tìm sự tồn tại trong cuộc sống lắt lay, còn cái sự chu du gọi là "lang thang" của tao nhân mặc khách thì không nhàn cư chút nào. Họ đi ngỡ như vô định mà trong lòng chất đầy nhã ý, tưởng là vô lo mà tâm hồn họ "thi tứ tung hoành". Băng Sơn đã nhận xét mọi tinh tế của cái thú lang thang. Hà Nội ba mươi sáu phố phường với năm cửa ô đến thời nay, Hà Nội có trên bốn trăm phố. Băng Sơn đã ghi cảm nhận của mình về một trăm có lẻ đường phố Hà Nội. Chỉ riêng đọc tập tuỳ bút Những nẻo đường Hà Nội cũng thật công bằng khi gọi Băng Sơn là nhà Hà Nội học!

Không biết bà cụ thân sinh tác giả tập tuỳ bút Thấp thoáng hồn xưa đã mấy lần quấy bánh đúc cho con mình ăn mà người con hầu hết cuộc đời sống ở thành phố lại viết về thứ bánh quê mùa dân dã khiến người đọc cứ như đang được thưởng thức hương vị loại bánh chân quê ngon kỳ lạ gợi lên cảm nhận về hồn quê hương dung dị vĩnh hằng. Với tập tuỳ bút Thấp thoảng hồn xưa, Băng Sơn thực sự chiếm lĩnh thiện cảm của cả những bạn đọc khó tính. Hơn mười năm, đất nước trong cuộc đổi đời, Băng Sơn đã góp một gương mặt tuỳ bút đĩnh đạc trong nền văn học nước nhà!

Có người cho tuỳ bút Băng Sơn không mới. Tôi lại cho rằng viết những điều nhiều người chưa cảm nhận là mới, viết về nội dung nhân văn thì ngàn năm sau vẫn còn là mới. Nói vậy không phải Băng Sơn không có những tuỳ bút thiếu cô đọng súc tích, có tuỳ bút lấn sang địa hạt của phóng sự bút ký. Viết tuỳ bút thì sự liên tưởng là đôi cánh. Sự liên tưởng của Băng Sơn thì phong phú khoáng đạt đến vô cùng. Đó cũng là sự liên tưởng của thi ca nên trong tuỳ bút Băng Sơn nhiều đoạn trong nhiều tuỳ bút của anh rất thơ. Tuy thảng hoặc có những liên tưởng chưa hợp lý như anh liên tưởng lá chuối lót mẹt bánh đúc sạch bóng thứ "sa tanh thiên nhiên" (Bánh đúc hồn quê - Thấp thoáng hồn xưa, trang 137). Năm áp chót của thiên nhiên thứ hai, Băng Sơn đã bước nửa chân sang tuổi xưa nay hiếm, anh bưng tách nước đã run run nhưng ngồi vào bàn viết thì gân cốt còn bền lăm lắm.

Bản quyền bài viết của tác giả Lê Minh Hợi - Báo Diễn Đàn văn Nghệ tết Kỷ Mão. Sưu tầm từ: web site Hà Nội


Mục lục

Liên kết đến đây