Băng Sơn/Tuỳ Bút/Đời một phố

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

ĐỜI MỘT PHỐ

Phố Lê nơi tôi gắn bó gần suốt cuộc đời mình mới có số tuổi gần trăm hay hơn trăm gì đó, so với nghìn năm thành phố thì nó còn trẻ lắm, nhưng nó cũng đã mang bao dấu tích thời gian mệt nhọc và đổi thay dầm dề như mưa thu rả rích, có khi thay đổi ào ào như vũ bão cơn giông tan tác lá vàng. Đã có mấy thế hệ đến rồi đi, đi có về và đi không bao giờ trở lại. Người thì bán ngôi nhà cha mẹ mua từ ngày xửa ngày xưa để anh chị em chia nhau, mỗi người cũng giắt lưng ít cây vàng ra ngoại thành tậu lấy căn nhà to rộng hơn.

Cũng có người chuyển dịch đi xa hàng ngàn cây số vào tít phương Nam hay Tây Nguyên nắng gió, có thể tiệc tùng liên miên mà cũng có thể đổ mồ hôi sôi nước mắt chăm bón nương cà phê trên đất đỏ...

Người khác nữa ra đi trong kèn trống thì thùng, trong câu kinh trước bàn thờ chúa để đến với quê xa một đời ly biệt, nơi đó là làng quê còn cái giếng đá ong, luỹ tre phơ phất, con đò ngang chầm chậm, cây đa um tùm nghe nói có đôi rắn thần quấn quýt, hoặc ra đi để đến Văn Điển ô nhiễm, nằm tạm ba năm rồi lên Yên Kỳ có nhiều trẻ em làm phiền lòng mỗi người, khi người sống đến thăm, cũng có người vào đài hoá thân Hoàn Vũ, chiếc máy ghi hình tắt đi là ngọn lửa trong đó bùng lên một cách bí mật đau lòng kẻ ở. Nắm tro (hay bình tro) di hài tung lên ngọn sóng sông Hồng hay được ký thác bốn năm tầng hay nghĩa địa? Nắm tro có bao giờ than thở hay nhớ tiếc một đời từng sống giữa người yêu dấu và xóm giềng dăm bảy chục năm, nay một đi là vĩnh viễn chia lìa.

Người khác nữa bỏ phố mà đi, không ai biết từ lúc nào và lang bạt đến phương nao. Đi không một lời chào, không một chia tay cứ như giận hờn, cứ như dằn dỗi. Phố Lê có tội tình gì đâu nhỉ mà nỗi lòng bạc nỗi cách chia....

Đâu rồi những con người từng gắn bó bên nhau từ thời hè phố chưa lát gạch, bùn lội và bụi mù bốn mùa quen thuộc, từ thuở phải treo lá cờ Pháp cờ Nhật ra cửa mỗi ngày lễ tết đến tưng bừng cờ đỏ sao vàng đón chào cách mạng khởi nghĩa thành công. Đâu rồi những đêm họp tổ dân phố, rải chiếu ra ở nhà một ai đó mà ngồi bó gối bên nhau, vì phố tôi là phố mới, đất và nhà là của nhà thờ bán cho con chiên, nên không có đình chùa. không có nhà hội họp, không có hội quán, trụ sở.... Đâu rồi những cụ giáo Hinh từng dạy nhiều thế hệ học trò, đâu rồi bà Chắt nấu cao khỉ, ông bà Tự Lập làm nghề thợ may từ chiếc áo cánh có nắp túi hình báng súng hơi chéo đến chiếc sơ mi thường bị dúm ngực cùng chiếc quần Tây rộng thùng thình mang dáng thời đại từng khoảng thời gian, đâu rồi ông chủ nhà in, từng có ôtô riêng, khi vào công tư hợp doanh chỉ còn cái bậc dốc cho xe lên xuống như nhắc nhở nét xưa mờ xoá. Đâu rồi cụ Thọ công chức lưu dụng có cả một đàn con đông đúc nhưng vẫn có thể ăn trắng mặc trơn vì lương cao gấp mấy chục lần anh cán bộ "thoát ly" từ kháng chiến trở về thành phố. Đâu rồi vợ chồng ông tài xế lái xe tải rồi chuyển sang lái xe khách, sống ung dung ngay cả thời bao cấp nhọc nhằn, mọi người phải ăn bo bo, phải xếp hàng bốn lít dầu hoả mỗi tháng để đun bếp..... Đâu rồi nghệ sĩ sân khấu Huỳnh Chinh từng làm phó trưởng đoàn Kịch nói trung ương vẫn mặc áo đại cán vá vai đi làm, từ phố Lê này đến phố Nguyễn Bỉnh Khiêm có trụ sở Đoàn kịch.....

Thoắt đã mấy chục mùa lá cây long não đơm lộc màu lá mạ non, màu rau xà lách tươi gần, có đàn sâu cước về làm tổ. Chỉ có hàng long não cổ thụ ấy còn đứng vững trước bao nhiêu bước đi vùn vụt của thăng trầm. Trầm trong bao cấp, thăng trong đổi mới. Cái vòng lõi lão trong thân gỗ nứt nẻ kia ghi lại được hay không ghi lại được. Chẳng ai ngả cây xuống mà cưa ra phân tích. Mùa bão đến, đội bóng mát đi sử cành, xén lá vẫn cứ làm cho phố xá tơi bời một cách quang đãng, cho cây đứng vững, và có lẽ chỉ loài cây này đứng vững, cứ hiên ngang trong nắng sớm mưa chiều, không hề có cây nào gục ngã, dù rằng cũng đã dặm thêm ít loài cây mới xen kẽ như cây nhội, cây đa, cây bàng, cây xà cừ, cây dâu da dại....

Chẳng lẽ đời con người không bền bằng một đời cây? Chẳng lẽ con người không giá trị bằng gỗ lá? Tôi không biết.

Từ một phố có nhiều người cao tuổi, khăn vuông, khăn vấn, áo "ba đờ suy" chống ba toong đi dạo phố, có nhiều người bé đến lớp mẫu giáo thản nhiên mặc quần đùi... Có thể gọi phố Lê là phố tịch mịch êm đềm, phố công chức, phố dân ở, phố trầm buồn, phố đóng cửa then cài, phố trung lưu, nhà ai biết nhà nấy, xâm xẩm tối, đóng cửa là mỗi nhà thành một thế giới riêng biệt, đầy bí mật, nét chung của nhiều phố phường thành thị nay phố Lê đã thay đổi hình hài.

Hình như nhiều chục năm trôi đi, không nhà ai có chiếc giường lò so đủ nệm rải, hoặc bộ sa lông gụ chạm khắc cành nho con sóc, đàn vịt hoa sen hay con dơi đồng tiền.... Cũng không nhà nào có gian thờ riêng, có lộ bộ, hoành phi, câu đối hay đỉnh đồng, chân nến, ta gọi là bộ Ngũ Sự sáng choang. May ra một ít nhà có bàn thờ chúa, có ảnh bà Maria bế Chúa Hài Đồng, đó là bàn thờ treo thành chiếc xích đông trên đường, có viền bằng tua vải như cạnh của lá cờ hội quen thuộc.

Bừng mắt một cái đã một thập kỷ trôi qua. Phố Lê của tôi giống như bao phố khác. Bao người cũ không còn, bao ngôi nhà cũ đổi thay, những miếng đất chiều ngang ba mét, chiều dài na ná bằng nhau khoảng hai chục mét, được biến hoá từ nhà cấp bốn hay cấp mấy, thành nhà ba tầng, năm tầng, bẩy tầng có tum nhọn, có nhôm kính, có cửa sắt kéo xoàn xoạt, có cả gara ôtô là tầng trệt, có đèn nhấp nháy đủ màu, báo hiệu đây là hàng ăn, là khách sạn, là nhà hát Karaoke như tiểu thuyết Tàu ngày xưa, treo cái chổi ra cổng để cho người biết đó là tửu quán, là quán rượu bình dân.....

Từ một ven nội u trầm, phố Lê đã biến thành phố trung tâm với gương mặt khá đầy đủ của một thời làm ăn sôi nổi. Người cũ còn ai cũng đang ra đi nốt, vì mỗi thước vuông đất có thể có giá đến mười lạng vàng (mà người theo thời thượng gọi là cây vàng). Nhà cấp bốn, lợp ngói ta, cửa ra vào hẹp tí hin, đã lặn vào không gian mở rộng. Giếng đã lấp đi hết cho máy bơm ngày đêm hoạt động ngày đêm bơm nước lên bình nhôm sáng loáng chảy thông xuống những cai gọi là toa lét (mà chữ toa lét đã bị biến nghĩa hoàn toàn, không phải nguyên nghĩa cũ).

Phố Lê có hàng phở gà nổi tiếng, khách đóng cả ôtô đánh rầm, vào ăn xỉa tiền ra không tiếc, chỉ mấy năm, hàng phở đã thừa sức lên tầng chót vót. Phố Lê cũng có vài ba ngõ nhỏ. Đó là tàn dư của thời mở phố, phải tránh cái lôi đi, cái bãi cỏ, cái ngõ làng, cái nhà có sân vườn ai đó.... khi nó thành phố thì cũng thành luôn ngõ, mang theo tên phố, ngõ Một, ngõ Hai, ngõ Ba của phố Lê. Có con ngõ rộng, trước chỉ có ông thợ giầy ngồi vá giầy, khâu chỗ vải rách, có thể làm chỗ cho bé em đá bóng không sợ đá vào nhà ai vỡ cửa kính không hề có chiếc cửa kính nào. Nay ngõ ấy thành ngõ Chân có hấp thuốc bắc, cùng chân gà nướng, bê thui, cháo ngan, bánh rán, bánh chuối, món lẩu tôm, lẩu cá. Qua đây buổi tối, mùi mắm tôm thơm lựng (hay nồng gắt đến hắt xì hơi). Rượu thuốc la đà, ngả nghiêng, có nhà thơ, nhà báo, có ông đạp xích lô, có giám đốc công ty hữu hạn, có các cô váy ngắn cũng khề khà, cả người tỉnh xa về muốn biết món ăn Hà Nội.....

Một con phố ngắn mà đủ các khuôn mặt giàu nghèo lẫn lộn. Hiệu ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Tòng nổi tiếng được công nhận là nghệ sĩ nhiếp ảnh thế giới, ở ngay bên cạnh những hiệu làm biển quảng cáo, tự quảng cáo là "cắt chữ bằng vi tính", có hàng ốc hấp rượu thuốc, có món phở xào "cải tiến" khó ăn.

Tôi là một người dân phố Lê. Nhà tôi có long não xà vào tận cửa, chiếc lá thơm thơm, tươi cũng thơm mà khô lại càng thơm, kề với một cán bộ thành phố phải làm nghề phơi mơ thành ô mai để đủ sống, nay ông có nhà bốn tầng,có cả nhà ở phố khác nữa, nhà cũ cho thuê bán đồ mỹ phẩm những soi môi Hàn Quốc, phấn Thái Lan, nước hoa Pháp, áo nịt, thuốc cai nghiện thuốc lá, cả hoa khô, gôc lũa... mà mỗi lần tôi đi qua, tôi lại nhớ cách đây nửa thế kỷ đây là nhà bán thực phẩm của một Hoa kiều, lụp xụp trăm thứ bà rằn, có người đàn bà Tầu bó chân đi lại khó khăn vì bàn chân chỉ bằng chân bé lên 5 tuổi.

Một phố thôi, cái phố nhỏ bé đã thành nơi chôn rau cắt rốn của các con tôi, đã và đang thanh một phố khác có hình ảnh khác. Những con người xưa cũ có bao giờ một lần lại thăm phố xưa, có thấy linh hồn mình đổi khác? Và bao nhiêu phố khác, có giống phố Lê tôi? Tôi không biết.

Bản quyền của tác giả Băng Sơn . Sưu tầm từ: website về Hà Nội


Mục lục

Liên kết đến đây