Bảo vệ mắt khi dùng máy vi tính

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Hầu hết các ngành nghề hiện nay đều cần sử dụng đến máy vi tính, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ dành nhiều thời gian ngồi trước máy. Thật không may là thói quen này lại khiến cho mắt bị căng thẳng và tổn thương. Để tránh hậu quả đó, bạn cần bảo vệ mắt ngay cả khi đang và không sử dụng máy vi tính.

Các bước[sửa]

Bảo vệ Mắt trong khi Dùng Máy tính[sửa]

  1. Ngồi đủ xa màn hình máy tính. Khoảng cách này thường ít nhất là chiều dài một cánh tay. Để đảm bảo máy tính đặt đúng vị trí, hãy thử kiểm tra bằng cách chạm vào màn hình. Nếu có thể chạm đến màn hình khi duỗi thẳng cánh tay thì tức là bạn đang ngồi quá gần. [1]
  2. Đặt màn hình máy tính chếch tầm mắt 10-12 cm. Tốt nhất bạn nên nhìn xuống màn hình máy tính một góc 15-20 độ. Cách này giúp đảm bảo mi mắt che được phần lớn con ngươi, từ đó giữ ẩm cho đôi mắt khỏe mạnh.[2]
  3. Đặt tài liệu tham khảo đúng vị trí. Đặt sách hoặc giấy không đúng cách trong khi làm việc có thể khiến mắt bị căng thẳng. Sách/giấy đặt quá thấp khiến mắt phải tập trung lại mỗi khi bạn nhìn sách và dẫn đến mỏi mắt. Tài liệu tham khảo nên được đặt trên bàn phím và dưới màn hình máy tính. Tốt nhất, bạn nên dùng dụng cụ đỡ tài liệu hoặc sách để nâng sách/giấy lên vài cm và giúp cho mắt được nghỉ ngơi.[2][3]
  4. Chớp mắt thường xuyên. Chúng ta thường chớp mắt 20 lần mỗi phút, nhưng khi tập trung nhìn màn hình, tần suất này giảm xuống còn một nửa. Chính vì vậy, mắt cũng có nguy cơ cao bị khô khi bạn làm việc với máy tính. Vì cơ thể sẽ không tự nhiên chớp mắt nên bạn phải tự điều chỉnh và ép mắt phải chớp.[4]
    • Chủ động chớp mắt mỗi 5 giây.
    • Nếu việc chớp mắt khiến bạn mất tập trung, hãy thử nghỉ ngơi trong khi làm việc. Mỗi 20 phút, bạn nên ngừng nhìn màn hình máy tính trong 20 giây. Bước này giúp mắt chớp tự nhiên và tái dưỡng ẩm cho mắt.
  5. Điều chỉnh độ sáng màn hình. Màn hình nên được chiếu sáng tương thích với môi trường. Nếu làm trong phòng sáng, bạn có thể điều chỉnh tăng độ sáng; nếu phòng có ánh sáng mờ, hãy hạ độ sáng màn hình xuống. Mặc dù màn hình phải là vật sáng nhất trong phòng nhưng bạn không nên chỉnh cho màn hình trở nên sáng nhất trong phòng tối.[1]
    • Mắt sẽ cho bạn biết nếu màn hình không được chỉnh sáng hợp lý. Khi mắt cảm thấy căng thẳng, bạn nên điều chỉnh độ sáng cho tương thích với môi trường làm việc.
  6. Giảm độ chói của màn hình. Ánh sáng xung quanh có thể phản chiếu lên màn hình và khiến mắt mỏi. Có nhiều cách mà bạn có thể dùng để giảm độ chói của màn hình và giữ cho đôi mắt khỏe mạnh.
    • Giữ sạch màn hình máy vi tính. Bụi bẩn trên màn hình có thể phản chiếu thêm ánh sáng đến mắt. Vì vậy, nên dùng khăn hoặc nước xịt chuyên dụng để lau bụi thường xuyên cho màn hình.[1]
    • Tránh ngồi trước cửa sổ. Ánh nắng mặt trời sẽ phản chiếu lên màn hình và chiếu vào mắt. Nếu không thể tránh khỏi, hãy che rèm cửa sổ để giảm độ chói. [2]
    • Dùng đèn công suất thấp. Đèn bàn hoặc đèn treo tường quá sáng sẽ phản chiếu lên màn hình máy vi tính. Nếu nơi làm việc có độ sáng cao, bạn nên thử đổi sang dùng bóng đèn công suất thấp hơn.[2]
  7. Giải lao thường xuyên. Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên nghỉ ngơi 15 phút sau mỗi 2 tiếng nhìn vào màn hình máy tính. Trong khi nghỉ ngơi, bạn nên chớp mắt, nhắm mắt lại và để cho mắt được nghỉ ngơi cũng như tái tạo độ ẩm. [2]
    • Đây là lời khuyên vừa giúp bảo vệ đôi mắt vừa tốt cho sức khỏe nói chung. Ngồi quá lâu sẽ không tốt cho lưng, khớp, tư thế và cân nặng. Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi để thư giãn và đi bộ xung quanh để ngăn tác động tiêu cực do ngồi quá lâu.
  8. Hỏi bác sĩ nhãn khoa về loại kính chuyên dụng. Một số loại kính được đặc biệt phủ màu để giảm độ chói của màn hình máy tính. Bác sĩ nhãn khoa có thể khuyên bạn đeo kính để bảo vệ mắt khỏi màn hình chói. Những loại kính này có sẵn ở dạng được bác sĩ kê đơn và không kê đơn.[2]
    • Chỉ dùng kính được thiết kế đặc biệt để giảm độ chói của máy vi tính. Kính đọc sách sẽ không hữu ích trong tình huống này. [5]
  9. Ngừng làm việc nếu có hiện tượng mỏi mắt do dùng máy tính/hội chứng thị giác do dùng máy tính. Bác sĩ nhãn khoa dùng thuật ngữ này để mô tả tác dụng tiêu cực do sử dụng máy tính trong thời gian dài. Những triệu chứng này không kéo dài mãi và sẽ giảm dần khi bạn cách xa máy tính trong vài giờ. Hiện tượng này có thể gây khó chịu và có thể dẫn đến vấn đề về mắt mãn tính nếu không được điều trị.[2]
    • Triệu chứng gồm có đau đầu, mỏi mắt, mờ mắt, mắt đen hoặc đổi màu, đau vai và cổ.
    • Tuân thủ hướng dẫn ở trên có thể giúp bạn giảm đáng kể nguy cơ mắc hội chứng thị giác do dùng máy tính. Tuy nhiên, đôi khi cách tốt nhất đó là giải lao cho mắt được nghỉ ngơi.

Bảo vệ Mắt khi Không dùng Máy tính[sửa]

  1. Đi khám mắt hàng năm. Khả năng nhìn trong cuộc sống hàng ngày sẽ tác động đến mức độ và thời gian ảnh hưởng đến mắt do sử dụng máy tính kéo dài. Các bệnh như viễn thị, loạn thị và mắt kém tập trung có thể khiến hội chứng mỏi mắt do dùng máy vi tính trở nên tệ hơn.[2] Bác sĩ nhãn khoa có thể kê đơn cho bạn dùng kính khắc phục để cải thiện thị lực và giảm ảnh hưởng của máy tính đến thị lực. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khuyến nghị nhiều phương pháp khác nhau để bảo vệ mắt trong khi dùng máy vi tính.
  2. Tuân thủ các quy tắc khi sử dụng máy tính như khi dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc xem tivi. Cùng với sự phát triển của thiết bị điện tử di động, ngày càng có nhiều người bị hội chứng mỏi mắt do dùng điện thoại thông minh.[2] Do đó, bạn nên tuân thủ các quy tắc khi sử dụng máy tính như khi nhìn các màn hình điện tử khác: vệ sinh màn hình, điều chỉnh độ sáng, nghỉ ngơi và giảm độ chói. Ngoài ra, khi dùng thiết bị di động, bạn có thể áp dụng các quy tắc sau:[6]
    • Giữ điện thoại hoặc máy tính bảng cách mặt 40-45 cm. Đặt thiết bị di động quá gần sẽ khiến mắt mệt mỏi.
    • Nhiều người thường hay dùng điện thoại trên giường và đây là thói quen xấu. Hãy nhớ rằng, màn hình có độ sáng cao hơn môi trường sẽ khiến mắt mệt mỏi. Vì vậy, bạn nên hạn chế dùng điện thoại trong phòng ngủ. Nếu dùng, ít nhất hãy chỉnh độ sáng xuống thấp để giúp mắt bớt mỏi hết mức có thể.
  3. Đeo kính râm. Tia cực tím từ mặt trời có thể gây thương tổn nghiêm trọng nếu mắt không được bảo vệ. Ánh nắng mặt trời có thể gây ra các bệnh như đục thủy tinh thể và thoái hóa võng mạc hoặc khiến bệnh trầm trọng hơn. Tốt nhất bạn nên mua và đeo kính râm khi đi ngoài nắng. Lưu ý nên mua kính có dán nhãn "ANSI" để đảm bảo kính đáp ứng yêu cầu của Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ và lọc được lượng tia cực tím cần thiết.[7]
  4. Giữ gìn kính áp tròng. Kính áp tròng cũ hoặc không vệ sinh có thể gây tổn thương cho mắt và thậm chí dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng ở mắt. Giữ gìn kính mắt đúng cách có thể bảo vệ mắt khỏi thương tổn.[8]
    • Vệ sinh kính mắt sau mỗi lần sử dụng bằng dung dịch vệ sinh được chuyên gia nhãn khoa khuyên dùng.
    • Rửa tay sạch trước khi cầm vào kính áp tròng. Bước này giúp đảm bảo rằng bạn không đưa vi khuẩn từ tay vào kính. Ngoài ra, nên rửa tay bằng xà phòng dịu nhẹ, không mùi để tránh đưa hóa chất, mùi hương vào kính và gây kích ứng mắt.
    • Trang điểm sau khi đã đeo kính áp tròng và tẩy trang sau khi lấy kính ra.
    • Tuyệt đối không đeo kính áp tròng đi ngủ, trừ khi kính được thiết kế đặc biệt có thể đeo khi ngủ.
  5. Đeo kính bảo hộ hoặc kính an toàn khi làm việc với công cụ hoặc hóa chất. Các vật nhỏ có thể gây thương tổn nếu dính vào mắt. Dù làm việc với thiết bị điện, cắt cỏ hay vệ sinh nhà bếp bằng hóa chất thì bạn cũng nên đeo thiết bị bảo vệ mắt thích hợp. Bước này giúp đảm bảo cho đôi mắt luôn được an toàn và khỏe mạnh. [9]

Bảo vệ Mắt thông qua Chế độ ăn[sửa]

  1. Bổ sung nhiều vitamin C. Vitamin C không chỉ giúp phòng ngừa bệnh tật mà còn rất tốt cho sức khỏe của đôi mắt. Bằng chứng cho thấy vitamin C có thể phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể và làm chậm quá trình thoái hóa võng mạc.[10] Hầu hết các loại hoa quả và rau củ đều chứa vitamin C nhưng vitamin C có nhiều nhất trong: [11][12]
    • Cam. Một quả cam giúp bổ sung lượng vitamin C cần thiết cho cả ngày. Bạn nên nạp vitamin C từ cam tươi thay vì nước cam ép đóng hộp để tránh tiêu thụ đường phụ gia trong nước cam ép đóng hộp.
    • Ớt chuông vàng. Một quả ớt chuông vàng cỡ lớn cung cấp đến 500% nhu cầu vitamin C mỗi ngày. Ớt chuông cũng dễ chế biến và có thể để ăn nhẹ suốt cả ngày.
    • Rau lá xanh đậm. Bông cải xanh và cải xoăn đặc biệt giàu vitamin C. Một cốc bông cải xanh hoặc cải xoăn cũng đủ cung cấp lượng vitamin C cần cho cả ngày.
    • Quả mọng. Việt quất, dâu tây, mâm xôi đen và mâm xôi đỏ là những thực phẩm tuyệt vời giúp bổ sung vitamin C.
  2. Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A. Vitamin A giúp cải thiện tầm nhìn trong bóng tối. Thực phẩm có màu cam và vàng thường giàu vitamin A nên bạn hãy bổ sung chúng vào chế độ ăn.[13]
    • Cà rốt.Từ lâu, cà rốt đã được ca ngợi là thực phẩm tốt cho thị lực. Mặc dù không phải là thực phẩm duy nhất có ích có mắt nhưng cà rốt rất giàu vitamin A và là thực phẩm tuyệt vời để duy trì thị lực.
    • Khoai lang. Khoai lang cũng rất giàu vitamin A và có thể chế biến làm món phụ ngon miệng trong bữa ăn.
  3. Bổ sung kẽm vào chế độ ăn. Kẽm hỗ trợ quá trình sản sinh melanin - sắc tố bảo vệ mắt.[10] Có nhiều thực phẩm giúp bổ sung kẽm vào chế độ ăn. [14]
    • Động vật có vỏ. Tôm hùm, cua và hàu chứa hàm lượng kẽm cao.
    • Rau bina (rau chân vịt) và các loại rau lá xanh khác. Bên cạnh vitamin C, những loại rau này cũng giúp bổ sung lượng kẽm cần thiết để bảo vệ đôi mắt.
    • Các loại hạt. Hạt điều, lạc, hạnh nhân và quả óc chó đều giàu kẽm. Bạn có thể ăn các loại hạt này như món ăn nhẹ trong suốt cả ngày.
  4. Bổ sung axit béo omega-3 vào chế độ ăn. Đây là những axit béo tốt cho sức khỏe tổng thể. Chúng giúp cải thiện chức năng thần kinh, nhờ đó cải thiện khả năng của các dây thần kinh liên quan đến mắt. Nguồn omega-3 tốt nhất là các loại cá giàu chất béo như cá hồi, cá mòi và cá trích.[10]
  5. Uống nhiều nước. Mắt khô là một trong những vấn đề về mắt phổ biến nhất. Khô mắt có thể do nhiều bệnh lý gây ra nhưng cũng có thể là do cơ thể thiếu nước. Cơ thể thiếu nước có nhiều biểu hiện, bao gồm giảm lưu lượng nước mắt. Bạn nên uống thêm nhiều nước để xem có giúp mắt bớt khô không.[15]

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn trao đổi với bác sĩ nhãn khoa khi gặp vấn đề về thị lực.
  • Làm việc khuya có thể khiến mắt mệt mỏi. Bạn có thể cài đặt các phần mềm bảo vệ màn hình như "f.lux" để giảm căng thẳng cho đôi mắt. Ngoài ra, bạn có thể dùng tấm bảo vệ màn hình, ví dụ như của thương hiệu "Blue Light Shield".

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này