Bệnh viêm tai giữa thanh dịch

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Viêm tai giữa thanh dịch là bệnh viêm tai giữa không chảy mủ tai, rất thường gặp ở trẻ, nhất là trẻ em từ 1-3 tuổi. Đây là một bệnh tiến triển âm thầm, ít triệu chứng nên thường không được phát hiện kịp thời, để lại hậu quả xấu về nghe, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ cũng như khả năng học tập và phát triển trí tuệ của trẻ.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây bệnh[sửa]

Viêm tai giữa thanh dịch là biến chứng thường gặp nhất của viêm VA. Lứa tuổi thường bị viêm VA nhiều nhất là từ 1-3 tuổi. Khi VA bị viêm, quá trình viêm nhiễm có thể lan vào vòi nhĩ (một cái ống nối thông từ hòm nhĩ - tai giữa ra vòm họng), khi vòi nhĩ bị viêm nó sẽ bị tắc lại. Đến lúc này thì sự thông khí của hòm nhĩ (tai giữa) bị ngừng trệ, điều này dẫn đến việc áp suất trong hòm nhĩ bị giảm dần, khi đó niêm mạc hòm nhĩ sẽ tiết dịch nhầy và làm cho hòm nhĩ ứ đầy dịch nhầy, ảnh hưởng tới sức nghe của trẻ.

Những biểu hiện rất dễ bị bỏ qua[sửa]

Biểu hiện của bệnh viêm tai giữa thanh dịch rất nghèo nàn, trẻ không sốt, không đau tai, rất ít khi có ù tai, không chảy dịch ở tai, triệu chứng duy nhất là trẻ bị nghễnh ngãng. Nghĩa là trẻ bị nghe kém nhưng mức độ không nhiều lắm, trẻ vẫn giao tiếp được nhưng đôi khi như thiếu tập trung, bố mẹ thường cho rằng do trẻ mải chơi mà thiếu tập trung và đó là một sai lầm. Bởi vì nghe kém sẽ tăng dần và ảnh hưởng khá nhiều tới sự phát triển ngôn ngữ và trí tuệ của trẻ.

Nhận biết bệnh như thế nào?[sửa]

Mặc dù những biểu hiện của viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ em là rất nghèo nàn nhưng cách phát hiện bệnh không khó. Nếu cha mẹ thấy hình như con mình nghe kém, ít tập trung hơn trước những âm thanh, lời nói thì phải đưa trẻ đến khám tại các chuyên khoa tai mũi họng. Khi khám tai, bác sĩ sẽ thấy màng nhĩ mất đi tính bóng, sáng, thay vào đó là một màng nhĩ dày, đục, đôi khi có thể nhìn thấy mức dịch trong hòm nhĩ. Kết quả đo thính lực đơn âm sẽ cho thấy một tình trạng nghe kém kiểu truyền âm mức độ nhẹ (dưới 20dB) hoặc vừa (từ 20-40dB), đo nhĩ lượng sẽ thấy một biểu đồ hình dẹt với biên độ thấp. Với những dấu hiệu đó, người thầy thuốc có thể chẩn đoán chắc chắn một trường hợp viêm tai giữa thanh dịch.

Xử trí và phòng bệnh[sửa]

Đối với viêm tai giữa thanh dịch ở trẻ em thì điều trị căn nguyên viêm VA để tránh tái phát là điều rất cần thiết. Để điều trị viêm tai giữa thanh dịch, thầy thuốc sẽ trích một lỗ nhỏ ở màng nhĩ và đặt vào đó một cái ống thông nhỏ, mục đích là làm thông khí hòm nhĩ, một khi hòm nhĩ được thông khí nó sẽ hồi phục dần dần. Để hiệu quả hơn, việc đặt ống thông khí sẽ được làm cùng với việc nạo VA trong một lần mổ.

Phòng ngừa bệnh cho trẻ là phải giữ gìn vệ sinh mũi họng hằng ngày được sạch sẽ, hạn chế tối đa viêm mũi họng ở trẻ. Nếu trẻ bị viêm mũi họng viêm VA thì phải điều trị dứt điểm, đúng cách. Trong nhiều trường hợp, nếu viêm VA quá nặng phải tiến hành nạo VA khi có chỉ định của bác sĩ. Đây là bệnh có thể chẩn đoán dễ dàng và điều trị đơn giản, hiệu quả, nhưng nếu không được phát hiện sớm lại gây ra cho trẻ nhiều hậu quả về sự học hỏi, nhận thức. Chính vì vậy nếu thấy trẻ dường như có sự nghễnh ngãng phải đưa trẻ đi khám.

(nguồn Khoa học, Sức khỏe & đời sống)

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này