Cải thiện sức khỏe tuyến tiền liệt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ ở nam giới và có vị trí gần bàng quang. Bệnh về tuyến tiền liệt khá phổ biến và nếu bạn là nam giới thì cần phải chú ý các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt xác suất mắc bệnh cao dần theo tuổi tác. Theo số liệu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ thì cứ 7 người đàn ông sẽ có 1 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt vào giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Tại Hoa Kỳ, đây là căn bệnh có số ca tử vong cao thứ hai trong số các trường hợp tử vong vì ung thư ở nam giới. Năm 2015 ước tính có 27.540 người chết vì ung thư tuyến tiền liệt.[1] Tuy nhiên chúng ta có một số cách phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ phát triển căn bệnh này, bao gồm thay đổi chế độ ăn và lối sống, nhận thức về tiền sử bệnh của gia đình.

Các bước[sửa]

Thay đổi Chế độ Ăn[sửa]

  1. Ăn ngũ cốc nguyên hạt, nhiều hoa quả và rau. Chọn mua bánh mì và mì sợi làm từ ngũ cốc nguyên hạt thay cho bánh mì và mì sợi trắng. Mỗi ngày bạn phải tiêu thụ ít nhất năm phần hoa quả và rau, bao gồm các loại nông sản chứa nhiều lycopene và chất chống ôxi hóa, chẳng hạn như ớt đỏ và cà chua. Lycopene chính là chất khiến hoa quả có màu đỏ và đã được chứng minh có khả năng chống ung thư. Nói chung nông sản có màu càng đậm và sáng thì càng tốt.[2]
    • Hiện tại chưa có hướng dẫn nào về lượng lycopene cần hấp thu mỗi ngày, nhưng nghiên cứu cho thấy để lycopene phát huy tác dụng thì bạn phải ăn thực phẩm chứa lycopene suốt cả ngày mới nhận đủ lượng chất này.[3]
    • Các loại rau thuộc họ cải như bông cải xanh, súp lơ, cải bắp, cải Brussels, cải thìa và cải xoăn cũng là thực phẩm tốt chống lại ung thư. Một số nghiên cứu có kiểm soát cho thấy rủi ro mắc ung thư tuyến tiền liệt giảm xuống khi tăng tiêu thụ rau họ cải, dù hiện tại bằng chứng chỉ mới ở mức suy luận.[4]
  2. Chọn lọc thực phẩm cung cấp protein. Bạn nên giảm ăn thịt đỏ, bao gồm thịt bò, lợn, cừu và dê, giới hạn tiêu thụ thịt đã qua chế biến như thịt dùng cho bánh sandwich và xúc xích.[2]
    • Thay vì ăn thịt đỏ, bạn nên chọn loại cá có hàm lượng axít omega-3 cao như cá hồi và cá ngừ. Các thực phẩm này không chỉ có lợi cho sức khỏe tuyến tiền liệt mà còn tốt cho tim và hệ miễn dịch. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc ăn cá với khả năng ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt chủ yếu dựa trên dữ liệu tương quan, ví dụ như có một sự thật là người Nhật rất ít bị ung thư tuyến tiền liệt, trong khi đó họ ăn rất nhiều cá. Cho dù hiện nay người ta vẫn còn tranh luận về mối quan hệ nhân quả này.[5]
    • Đậu, thịt gia cầm không da và trứng cũng là các lựa chọn cung cấp protein tốt.
  3. Bổ sung thêm đậu nành vào bữa ăn. Đậu nành là thành phần có trong nhiều món ăn chay, có đặc tính kháng ung thư. Các nguồn cung cấp đậu nành bao gồm đậu hũ, hạt đậu nành, bột đậu nành chín và bột đậu nành sống. Thay thế sữa bò bằng sữa đậu nành khi ăn ngũ cốc hay uống cà phê cũng là cách bổ sung thêm đậu nành.[6]
    • Nghiên cứu gần đây cho thấy hạt đậu nành và một số sản phẩm của nó, như đậu hũ, có thể ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên chúng ta không thể mở rộng nhận định này cho tất cả sản phẩm làm từ đậu nành, bao gồm sữa đậu nành. Hiện nay chưa có hướng dẫn nào về lượng đậu nành bạn nên tiêu thụ, cho dù là hướng dẫn dưới dạng thông tin truyền miệng hay dựa trên bằng chứng cụ thể.[7]
  4. Giới hạn tiêu thụ rượu bia, caffein và đường. Mặc dù bạn không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn chất caffein ra khỏi chế độ ăn, nhưng hãy cố gắng giảm bớt lượng dùng. Ví dụ, bạn chỉ nên uống từ một tới hai cốc (120ml/cốc) cà phê mỗi ngày, tương tự đối với bia. Bạn nên xem đó là cách để chiều chuộng bản thân và chỉ uống vài cốc nhỏ mỗi tuần.[8]
    • Tránh thức uống có đường (đôi khi còn chứa cả caffein) như sô đa và nước ép hoa quả. Các thức uống này hầu như không có lợi về mặt dinh dưỡng.
  5. Hạn chế ăn muối. Cách tốt nhất để giảm lượng natri tiêu thụ là ăn nông sản tươi, sản phẩm từ sữa và thịt, tránh ăn các thực phẩm đóng gói, đóng hộp và đông lạnh. Muối được dùng làm chất bảo quản, vì thế nó có mặt rất nhiều trong thực phẩm đóng gói sẵn.[2]
    • Khi đi chợ bạn nên lảng vảng ở vành ngoài của siêu thị vì đa số thực phẩm tươi bán ở đó, trong khi thực phẩm đóng hộp và đóng gói tập trung vào các kệ ở lối đi giữa sảnh.
    • Dành thời gian đọc và so sánh nhãn hàng. Hầu hết các nhãn thực phẩm đều phải ghi rõ lượng natri có trong sản phẩm, và tỷ lệ phần trăm của nó trong lượng natri khuyến cáo tiêu thụ mỗi ngày.
    • Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo người Mỹ chỉ nên tiêu thụ ít hơn 1.500 mg natri mỗi ngày.[9]
  6. Duy trì chất béo có lợi và loại trừ chất béo có hại. Giới hạn tiêu thụ chất béo bão hòa từ động vật, thay vào đó bạn nên chuyển sang ăn chất béo lành mạnh có trong dầu ôliu, các loại hạt và quả bơ. Các sản phẩm từ động vật giàu chất béo như thịt, bơ và mỡ lợn có liên quan tới việc gia tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.[2][10]
    • Tránh thức ăn nhanh và hầu hết các thực phẩm đã qua chế biến, vì chúng thường chứa chất béo hiđrô hóa một phần (chất béo chuyển hóa), là loại chất béo rất có hại.

Thay đổi Thói quen khác trong Cuộc sống[sửa]

  1. Uống thực phẩm chức năng. Nhiều nghiên cứu về ung thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm thay vì dùng viên bổ sung vitamin bất kì khi nào được.[11] Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mà thực phẩm chức năng là lựa chọn tốt hơn. Bạn phải nhờ bác sĩ tư vấn về loại thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng hay định sử dụng.
    • Uống viên bổ sung kẽm. Đa số đàn ông không nhận đủ kẽm trong bữa ăn nên cần uống viên bổ sung để duy trì sức khỏe tuyến tiền liệt. Nghiên cứu cho thấy thiếu kẽm có thể dẫn tới bệnh phì đại tuyến tiền liệt và kẽm cũng đóng một vai trò nào đó trong tiến trình phát triển của tế bào tuyến tiền liệt thành khối u ác tính. Bạn có thể uống từ 50 tới 100 (thậm chí tới 200) mg kẽm mỗi ngày dưới dạng viên bổ sung để giảm phì đại tuyến tiền liệt.[12]
    • Uống chiết xuất quả cọ lùn được bào chế từ quả mọng của cây cọ lùn (Saw Palmetto). Cả giới y học và người sử dụng đều phản hồi thông tin trái chiều về công dụng của loại thực phẩm chức năng này, do đó bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Một số nghiên cứu cho rằng chiết xuất quả cọ lùn có thể giúp ngăn chặn sự phát triển và phân chia của tế bào ung thư ở tuyến tiền liệt.[13]
    • Những nghiên cứu khác xác nhận việc uống một số loại thực phẩm chức năng như viên bổ sung vitamin E hay axít folic (một loại vitamin B) có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra cũng có nghiên cứu chứng minh nếu bạn uống nhiều loại thực phẩm chức năng (nhiều hơn 7), kể cả loại đã biết về khả năng tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, sẽ đẩy nhanh ung thư sang giai đoạn di căn.[11]
  2. Cai thuốc lá. Dù vẫn còn nhiều tranh luận về sự liên quan giữa ung thư tuyến tiền liệt với hút thuốc, nhưng người ta tin rằng thuốc lá có thể gây tổn thương cho tế bào thông qua gốc tự do, khiến mối liên hệ giữa ung thư và hút thuốc càng đáng tin cậy hơn. Trong một phân tích tổng hợp trên 24 nghiên cứu, người ta thấy hút thuốc thật sự là mối nguy với ung thư tuyến tiền liệt.[14][6]
  3. Duy trì cân nặng lành mạnh. Nếu bạn quá cân thì nên thực hiện chế độ ăn kiêng và luyện tập thể dục để đưa khối lượng cơ thể về giới hạn khỏe mạnh. Chỉ số khối lượng cơ thể BMI được dùng để xác định tình trạng quá cân hay béo phì, đó là thông số cho thấy độ mập của bạn. Chỉ số BMI được tính bằng cách lấy khối lượng cơ thể theo kilogam (kg) chia cho bình phương của chiều cao theo mét (m). Giá trị BMI nằm từ 25-29 được xem là quá cân, còn nếu lớn hơn 30 thì bạn thuộc nhóm béo phì.[15]
    • Giảm lượng calo hấp thu và tăng cường tập thể dục, đây là bí quyết để giảm cân.[10]
    • Giám sát kích cỡ khẩu phần ăn, cố gắng ăn chậm lại, nhai kỹ và hưởng thức đồ ăn, cuối cùng dừng ăn khi đã cảm thấy no. Bạn nên nhớ chỉ ăn cho đủ no chứ không ăn tới độ no tận cổ.[2]
  4. Tập thể dục đều đặn. Tập thể dục thường xuyên không chỉ giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, mà còn giúp bạn phòng ngừa những vấn đề khác về sức khỏe, bao gồm chứng trầm cảm, bệnh tim và đột quỵ. Dù mối quan hệ nhân quả giữa tập thể dục với sức khỏe tuyến tiền liệt vẫn chưa được xác nhận, nhưng tới nay người ta đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tập thể dục rất có ích trong việc duy trì sức khỏe tuyến tiền liệt. [2][10]
    • Bạn nên tập thể dục khoảng 30 phút với cường độ vừa phải cho tới nhanh và tập nhiều ngày trong tuần. Tuy nhiên, cho dù bạn chỉ tập ở tốc độ chậm tới vừa phải như đi bộ nhanh thì cũng rất có ích cho tuyến tiền liệt. Nếu đã lâu không tập thể dục thì bạn nên bắt đầu bằng việc đi bộ tới chỗ làm, đi cầu thang bộ thay cho cầu thang máy, và đi tản bộ vào buổi tối. Sau đó bạn tăng dần cường độ tập luyện bằng các bài tập làm tăng nhịp tim như chạy xe đạp, bơi lội hay chạy bộ.[10]
  5. Thực hiện bài tập Kegel. Bài tập Kegel thực hiện bằng cách co các cơ ở vùng sàn chậu (giống như bạn đang cố gắng dừng tiểu nửa chừng), cố giữ chúng trong thời gian ngắn rồi thả ra. Thực hiện phương pháp tập này thường xuyên giúp làm săn chắc cơ sàn chậu. Bạn có thể luyện bài tập Kegel ở bất kì đâu vì nó không đòi hỏi phải dùng dụng cụ đặc biệt nào!
    • Siết chặt cơ xung quanh bìu dái và hậu môn trong vài giây rồi thả ra, lập lại 10 lần và mỗi ngày thực hiện từ ba tới bốn lần để cải thiện sức khỏe tuyến tiền liệt. Bạn cố gắng nâng thời gian mỗi lần siết cơ lên 10 giây.
    • Bạn cũng có thể tập Kegel bằng cách nằm thẳng trên sàn nhà với xương chậu nâng lên khỏi mặt đất, mím chặt hai mông. Giữ yên như vậy trong 30 giây rồi thả ra. Mỗi lần tập trong năm phút và ngày tập ba lần.
  6. Xuất tinh đều đặn. Trong thời gian dài nhiều nhà nghiên cứu tin rằng việc xuất tinh thường xuyên trong khi quan hệ tình dục, thủ dâm hay thậm chí lúc mộng tinh sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng những nghiên cứu sau này lại cho rằng thực ra xuất tinh đều đặn có thể bảo vệ tuyến tiền liệt. Theo quan điểm của họ thì xuất tinh giúp đào thải các chất gây ung thư có trong tuyến tiền liệt, cũng như làm chất dịch trong tuyến này thay mới nhanh hơn và giảm rủi ro ung thư. Bên cạnh đó, xuất tinh đều đặn còn giảm căng thẳng về mặt tâm lý, từ đó làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư.[16]
    • Nói là thế nhưng những nghiên cứu về vấn đề này mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, các nhà khoa học cũng nói rằng còn quá sớm để đưa ra khuyến cáo chính thức về thói quen sinh hoạt tình dục của đàn ông. Ví dụ, họ không rõ đàn ông nên xuất tinh với tần suất thế nào để có được kết quả như nghiên cứu. Tuy nhiên, họ thật sự nghi ngờ rằng những người xuất tinh đều đặn thường cũng có các chỉ số khác của một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.[16]

Phòng ngừa bằng Thuốc[sửa]

  1. Nhận thức về tiền sử gia đình. Có thành viên nam trong gia đình thuộc thế hệ kế cận (như bố hoặc anh trai) bị ung thư tuyến tiền liệt thì rủi ro bạn mắc căn bệnh này cao hơn đáng kể. Thật ra thì rủi ro cao hơn gấp đôi! Điều quan trọng là bạn phải cho bác sĩ biết về tiền sử ung thư tuyến tiền liệt của gia đình để cùng nhau xây dựng một chương trình phòng ngừa tổng quát.[17]
    • Lưu ý là nếu anh hoặc em trai mắc ung thư tuyến tiền liệt thì rủi ro sẽ cao hơn so với bố mắc bệnh này. Ngoài ra rủi ro cũng tăng cao đối với những người có nhiều người thân trong họ mắc bệnh, đặc biệt khi những người thân đó phát hiện bệnh từ lúc còn trẻ (ví dụ trước 40 tuổi).[17]
    • Yêu cầu bác sĩ xét nghiệm nếu bạn có đột biến gen BRCA1 hay BRCA2, đó là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.[18][19]
  2. Nhận biết triệu chứng bệnh về tuyến tiền liệt. Các triệu chứng này bao gồm rối loạn cương cứng, có máu trong nước tiểu, đau khi tiểu hoặc quan hệ tình dục, đau ở hông hoặc lưng dưới, hoặc thường xuyên cảm thấy mắc tiểu.[17]
    • Tuy nhiên, ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng cho đến khi bệnh lan ra các bộ phận khác của cơ thể, như di căn vào xương. Bệnh nhân mắc bệnh này hiếm khi thông báo về các triệu chứng như không thể nín tiểu, có máu trong nước tiểu, liệt dương, hoặc các triệu chứng đề cập bên trên v.v…
  3. Khám bệnh định kỳ. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nên khám bệnh tầm soát ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu từ tuổi 50 (hoặc 45 nếu có nguy cơ mắc bệnh). Khám bệnh tầm soát yêu cầu phải xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu với tuyến tiền liệt (PSA). PSA sản sinh ra từ tế bào thường lẫn tế bào ung thư trong tuyến tiền liệt với hàm lượng nhỏ trong máu. Đa số đàn ông có mức PSA là 4 nanogam mỗi mililít (ng/ml) máu, mức PSA càng cao thì nguy cơ mắc ung thư càng lớn. Thời gian giữa các lần khám bệnh tầm soát phụ thuộc vào kết quả của xét nghiệm này. Đàn ông có mức PSA dưới 2,5 ng/ml cần xét nghiệm lại sau mỗi 2 năm, nhưng những người có mức PSA cao hơn cần phải khám bệnh hằng năm.[20]
    • Khám bệnh tầm soát cũng có thể bao gồm xét nghiệm thăm khám trực tràng bằng ngón tay (DRE). Bác sĩ dùng ngón tay dò tìm một cục u nhỏ nằm phía sau tuyến tiền liệt.[20]
    • Cả hai xét nghiệm PSA và DRE đều chưa thể đi đến kết luận cuối cùng. Bạn cần làm thêm xét nghiệm sinh thiết để xác định ung thư tuyến tiền liệt.[21]
    • Hiện tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị nam giới nên quyết định về việc tầm soát bệnh ung thư tuyến tiền liệt sau khi đã hội ý đầy đủ với bác sĩ. Tầm soát bệnh có thể phát hiện ung thư sớm nhưng chưa có nghiên cứu nào khẳng định được liệu phát hiện bệnh sớm thì có thể cứu mạng bệnh nhân hay không. Dù là vậy nhưng phát hiện ung thư sớm thì khả năng trị bệnh thành công sẽ cao hơn.[22]

Cảnh báo[sửa]

  • Không được lờ đi các vấn đề về tuyến tiền liệt. Nếu bạn không chữa bệnh phì đại tuyến tiền liệt nó sẽ phát triển thành các bệnh khác nặng hơn như nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận và bàng quang, các vấn đề khác với thận và bàng quang.
  • Nếu bạn là cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam thì có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt tăng triển.[23]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.cancer.org/cancer/prostatecancer/detailedguide/prostate-cancer-key-statistics
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 http://www.health.harvard.edu/healthbeat/10-diet-and-exercise-tips-for-prostate-health
  3. Barber NJ, Barber J Nature Prostate and Prostatic Diseases , 2002, Vol 5 no 1 p 6-12.
  4. http://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/diet/cruciferous-vegetables-fact-sheet
  5. Zhennen, Gu, Janel Suburu, Haigin, Chin et al Mechanism of Action of Omega Poly unsaturated Fatty Acids in Prostate Cancer Prevention, Biomedical Resident International 2013 824563 May 23 doi 1155/2013/824563
  6. 6,0 6,1 http://www.mensfitness.com/training/pro-tips/tips-healthy-prostate#sthash.kEwqK0qc.dpuf
  7. Hwang, YM, Kim, SY, Jee, SH Soy food consumption and risk of prostate cancer: a meta-analysis of observational studies, Nurition Cancer Journal 2009 61 ( 5) 598-606.
  8. http://www.cancer.gov/types/prostate/understanding-prostate-changes
  9. http://www.heart.org/HEARTORG/GettingHealthy/NutritionCenter/HealthyEating/Frequently-Asked-Questions-FAQs-About-Sodium_UCM_306840_Article.jsp
  10. 10,0 10,1 10,2 10,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prostate-cancer/in-depth/prostate-cancer-prevention/art-20045641
  11. 11,0 11,1 http://www.cancer.org/cancer/prostatecancer/detailedguide/prostate-cancer-new-research
  12. Pamela Christudos, R Selvakumar, Joseph, Fleming. Zinc Status in Patients With Benign Prostatic Hyperplasia and Prostatic Carcinoma, Indian Journal of Urology 2011 Jan-March 27 (1) 14-18.
  13. Hiroko Shimada, Varro Tyler , Jerry McMLaughlin Biologically Active Acylglycerides from Berries of Saw Palmetto Journal of Natural Products 1997, 60 (4) pp 417-418
  14. Michael Huncharek MD, MPH, K, Sue, Haddock PhD, Rodney Reid MD, et al< Prostate Cancer : A Meta Analysis of 24 Prospective Cohort Studies , American Journal of Public Health 2010 April 2010 100, 4 693 -701.
  15. http://www.cdc.gov/healthyweight/assessing/bmi/adult_bmi/index.html
  16. 16,0 16,1 http://www.webmd.com/prostate-cancer/news/20040406/frequent-ejaculation-prostate?page=2
  17. 17,0 17,1 17,2 http://www.cancer.org/cancer/prostatecancer/detailedguide/prostate-cancer-risk-factors
  18. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12474142?dopt=Abstract
  19. http://www.cancer.gov/types/prostate/hp/prostate-genetics-pdq
  20. 20,0 20,1 http://www.cancer.org/cancer/prostatecancer/moreinformation/prostatecancerearlydetection/prostate-cancer-early-detection-acs-recommendations
  21. http://www.cancer.org/cancer/prostatecancer/moreinformation/prostatecancerearlydetection/prostate-cancer-early-detection-tests
  22. http://www.cancer.org/cancer/prostatecancer/detailedguide/prostate-cancer-detection
  23. http://www.publichealth.va.gov/exposures/agentorange/conditions/prostate_cancer.asp

Liên kết đến đây