Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/109

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

KẺ BẤT CHÍNH

Nước Sở có người có hai vợ. Vợ cả và vợ lẽ cùng đẹp, cùng xinh.

Anh láng giềng ghẹo người vợ cả. Người vợ cả giận và mắng thậm tệ. Anh láng giềng lại ghẹo người vợ lẽ, người vợ lẽ bằng lòng và đi lại.

Không bao lâu, người có hai vợ ấy chết. Anh láng giềng muốn tính cuộc vuông tròn lại giạm hỏi người vợ cả.

Có kẻ hỏi rằng: "Người vợ cả trước đã mắng anh, người vợ lẽ vẫn có tifnh với anh, sao bây giờ anh lại định lấy người vợ cả?"

Anh ta đáp: "Lúc người ta còn là vợ người, thì thích kẻ tư tình với mình; lúc người ta đã là vợ mình, thì thích kẻ không tư tình với ai. Kẻ, trước đã tư tình vói tôi, thì rồi, ai nó cũng tư tình được, thiên hạ ai cũng là chồng nó được. Cho nên bây giờ tôi không lấy nó".

Thế mới hay con người bất chính đi làm tôi tớ người ta, dù làm cho người ta bằng lòng đến đâu, người ta vẫn rẻ rúng khinh bỉ.

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Bất chính: nghĩ, làm không ngay thẳng thường hay giáo giở hai lòng.

- Nước Sở: (xem bài số 9).

- Tính cuộc vuông tròn: suy nghĩ đắn đo về việc lấy vợ lấy chồng.

- Tư tình: có tình riêng với người ngoài.

NHỜI BÀN[sửa]

Ở đời những kẻ dễ đổi lòng như người vợ lẽ nói trong truyện này là những kẻ bất chính. Đã bất chính tà bất chắc, rất nên khinh bỉ. Còn những kẻ chính trực như người vợ cả nói trong truyện này, thì lúc nào cũng thuần chất, thẳng băng, dù chẳng may gặp sự khó khăn, thiên hạ như có phần không ưa, mà thực trong bụng vẫn kính phục vô cùng. Ta có hiểu rõ cái tâm lý ấy như người lấy vợ đây thì mới gần được người quân tử mà xa được kẻ tiểu nhân.

Liên kết đến đây