Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/119

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

HOÀ THUẬN VỚI MỌI NGƯỜI

Lưu Ngưng Chi đang đi giày. Có người đến nhận, ông đưa ngay. Sau người ấy tìm thấy giày, đem giày ông lại giả. Ông nhất định không nhận nữa.

Thẩm Lân Sĩ đang đi giày. Cũng có người láng giềng đến nhận. Ông cười hỏi: "Giày của bác đấy à? Rồi ông đưa ngay. Sau, người láng giềng tìm thấy giày, đem giày ông lại giả. Ông nói: "Không phải giày của bác à?" Ông cười rồi nhận.

Việc này tuy là việc nhỏ mọn. Song ở đời ta nên cư xử như ông Lân Sĩ, không nên như ông Ngưng Chi.

TÔ THỨC

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Lưu Ngưng Chi: người đời Tống (Nam triều) tính khảng khái, phần gia tải của mình nhường cho anh em mà tự thực kỳ lực, vua triệu ra làm quan, không chịu ra, chỉ thích ngao du sơn thuỷ.

- Thẩm Lân Sĩ: người đời Nam Tề, học thức rộng, không chịu ra làm quan, chỉ thích dạy học và trước thuật.

- Cư xử: ăn ở đối đãi với người ta.

- Tô Thức: tức là Tô Đông Pha là một nhà đại thi sĩ nước Tàu làm quan đời nhà Tống, văn hay chữ tốt, sách làm kể có hàng vài trăm quyển lưu truyền ở đời.

NHỜI BÀN[sửa]

Giày của mình, mình đang đi, có người đến nhận mà mình cũng đưa, không thèm cãi 'của tao của mày' như Ngưng Chi và Lân Sĩ thực ở đời cũng là hiếm có vậy. - Kịp khi người ta tìm thấy giày của người ta, đem giày mình lại giả là người ta đã biết nhầm lỗi. Nếu mình khăng khăng không chịu nhận, là minh quá ư nghiêm khắc mà làm ngăn trở cái lòng hối quá của người ta. Sao bằng nhận, mới tỏ rõ tấm lòng bao dong được người, cả lúc người nhầm, cả lúc người biết nhầm. Như thế mới thực là có lượng 'hoà chúng' vậy.

Liên kết đến đây