Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/126
CHIẾC THUYỀN ĐỤNG CHIẾC ĐÒ
Một chiếc đò sang sông. Có chiếc thuyền không có người, đâu trôi đến, đâm phải. Người lái đò tuy hẹp bụng đến đâu cũng không lấy làm giận. Giả sử trên chiếc thuyền có người ngồi, thì người lái đò tất phùng má trợn mắt, chu chéo một lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến hai lần, hai lần không nghe thấy tiếng, tất chu chéo đến ba lần, rồi đến buông nhời chửi rủa thậm tệ nữa.
Một việc xảy ra cũng giống nhau, mà như lúc trước thì không giận, như lúc sau lại giận là tại làm sao?
- Tại lúc trước chiếc thuyền không có người mà lúc sau chiếc thuyền có người.
Người ta mà cứ thản nhiên không có chút tư ý gì thì ở đời còn có ai hại mình nữa.
TRANG TỬ
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Giả sử: ví phỏng.
- Chu chéo: kêu rầm lên mà kêu một cách tức bực căm giận.
- Thản nhiên: trong bụng bằng phẳng tự nhiên như không.
- Tư ý: ý riêng, chỉ biết có mình.
NHỜI BÀN[sửa]
Ta đã sinh làm người, tất phải chung đụng với loài người. Ta đã chung đụng với loài người, mà chính ta sinh ra có nhiều sự cần dùng, thì tài nào tránh khỏi những sự xô xát, sự ghen ghét, điều nọ, tiếng kia, cãi nhau, rủa nhau, đánh nhau, đâm chém nhau rất là tàn hại. Cho nên tuy ở đời "có ăn có chọi" mới là hay, mới tiến hoá được, nhưng chắc chỉ vì thế mà hoá ra bao nhiêu chuyện rắc rối lôi thôi, lắm khi làm cho ta phải phiền muộn khổ sở. Bởi vậy những bậc muốn an thân, cư xử với đời, thường cứ thản nhiên vô tâm, như không can thiệp gì đến ai, giận dữ ai bao giờ, để cố tránh lấy cái hại "sinh sự sự sinh."