Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/131

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

ĐỜI NGƯỜI

Sống bảy mươi năm đã mấy người!

Trước thì tuổi trẻ, sau, già lão,

Thì giờ quãng giữa được bao lâu?

Lại còn nực rét cùng phiền não.

Hoa quá mùa xuân, hoa kém tươi;

Giăng quá mùa thu, giăng kém sáng.

Hoa tươi, giăng sáng, ta ngâm nga,

Rượu năm, ba chén say chuếnh choáng.

Tiền của càng nhiều, càng oán to.

Quan chức càng cao, càng nhọc xác,

Quan to, tiền nhiều, lòng những lo,

Chỉ tổ làm cho đầu chóng bạc.

Xuân đi, hạ lại, thu sang đông,

Chóng như thoi đưa, như nước chảy.

Vừa tiễn buổi chiều, chuông chùa kêu,

Đã báo rạng đông, gà sống gáy.

Ta thử tính xem người nhởn tiền,

Một năm đã thấy khuất vô số.

Lô nhô nám đất cánh đồng hoang,

Quá nửa không ai người tảo mộ.

ĐƯỜNG BÁ HỔ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Nực, rét: ý nói khí hậu thay đổi, thói đời biến cải không nhất định.

- Phiền não: buồn bã khó chịu.

- Say chuếnh choáng: say ngả nghiêng, đứng ngồi không vững.

- Chỉ tổ: chỉ càng làm ra như thế.

- Người nhỡn tiền: người hiện đang sống, đồng thời với mình,

- Khuất: kiệt hết, nói người khuất là người chết không còn thấy nữa.

- Đường Bá Hổ: người đời nhà Tống tên tự là Trưởng Nhụ ở Đan Lang, chuyên học kinh Dịch, kinh Xuân Thu, trị gia rất có phép.

NHỜI BÀN[sửa]

Đời người trăm năm, sống được sáu bảy mươi đã là hiếm. Trong khoảng sáu, bảy mươi năm ấy, trừ lúc tuổi trẻ chưa khôn, tuổi già hết khoẻ, quãng giữa còn được vài mươi năm có là bao, mà lại còn gặp biết bao nhiêu những sự đau đớn phiền não! Ôi đời người rút lại như thế có mấy lúc là sống cho ra sống!

Nên chi, hàng năm, hễ gặp được thắng cảnh, lương thời, thì ta kíp nên vui chơi cho sung sướng thoả thích, hơi đâu mà cứ mài miệt theo đuổi lấy cái sang giàu giả dối chốc nhát để làm lụy đến tấm thân.

Lúc sống thì người chóng già, khó giữ lâu được cái thân, lúc chết thì thiên hạ chóng quên khó giữ được mồ mả. Thời giờ mau chóng, thói đời viêm lương, vậy người ta lúc sống, mà tự khổ thân quá, tưởng cũng là khờ vậy! Đối với cái thời gian, không gian vô cùng, vô hạn, thì một người và một đời người kể có thấm vào đâu?

Liên kết đến đây