Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/135
ÁO ĐƠN MÙA RÉT
Mẫn Tử Khiên mồ côi mẹ từ thuở nhỏ. Mẹ kế sinh được hai con giai, chỉ yêu con đẻ mà ghét Tử Khiên.
Mùa đông tháng giá, mẹ kế không cho Tử Khiên mặc áo mền bông, chỉ cho mặc áo mền hoa lau. Một hôm Tử Khiên đẩy xe hầu cha, cha thấy co ro run rảy thì quở mắng. Tử Khiên nín không dám nói. Cha giận đánh, ngờ đâu áo rách, bật hoa lau ra.
Cha thấy thế căm giận người vợ kế, bạc đãi con mình, liền muốn đuổi đi.
Tử Khiên khóc mà van rằng:
- Dì con mà còn ở lại, thì chỉ một mình con rét. Dì con mà phải đuổi đi, thì ai may vá cho chúng con, có nhẽ ba anh em đều không có áo, phải chịu rét cả.
Cha nghe nói, cảm động, bèn thôi không đuổi người vợ kế nữa. Và tự đó người vợ kế cũng có lòng thương yêu Tử Khiên như thương yêu con đẻ vậy.
THUYẾT UYỂN
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Mẹ kế: tức là mẹ ghẻ.
- Bạc đãi: xử với ai một cách đơn bạc khống còn chút tình nghĩa nào nữa.
NHỜI BÀN[sửa]
Thói thường, dì ghẻ đối với con chồng, phần nhiều là hay bạc ác. Đó là hạng nan hoá, ta chẳng nói làm chi. Đến như con chồng, không kể-những đứa thơ dại, có nhiều đứa nhớn tuổi, hoặc vì ghen tức, hoặc vì kình địch mà gây ra cái nền loạn trong nhà, cái mối khổ cho cha, thực cũng không phải là ít. Bởi vậy lắm khi cái tội không thể qui cho cả một mình dì ghẻ được.
Như truyện Man Tử Khiên đây, nếu cứ theo thế tình mà xử, thì chồng bỏ vợ, con mất mẹ, anh em sau này hoá ra cừu thù, gia đình tránh sao khỏi nỗi tan nát. Nhưng Mẩn Tử Khiên lại là một người con biết cách ăn ở mà cảm được lòng cha, hoá được nết xấu dì ghẻ, gây được tình thân anh em dị bào, gia đình được nhờ đó mà đoàn viên hoà thuận. Thực là một cái gương sáng cho đám con chồng thiên hạ muôn đời về sau vậy.