Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/146

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

GHEN CŨNG PHẢI YÊU

Hoàn Ôn trước đã có vợ là Nam Khang công chúa, con gái vua Minh Đế nhà Hán. Sau Hoàn Ôn sang đánh dẹp được nước Thục lại lấy con gái của Lý Thế là một nhà quyền quí nước Thục về làm thiếp.

Lúc về nhà, công chúa biết chuyện, nổi cơn ghen, liền cầm gươm và đem theo mấy người nàng hầu, xăm xăm đến, chực chém chết Lý thị. Lúc đến nơi, công chúa thấy Lý thị ngồi trước cửa sổ, chải đầu, tóc rũ chấm đất, dung nhan tư mạo đoan trang tươi đẹp, thong thả vấn tóc, lượm tay, đến trước công chúa, thưa rằng:

- Nước tôi mất, nhà tôi tan, tôi quả vô tâm mà hoá ra đến đây. Được bà chém cho, thật cũng thoả lòng tôi mong mỏi.

Lý thị, khi nói, mặt trông nghiêm chính ung dung, tiếng nghe êm đềm thâm thìa.

Công chúa thấy vậy, ném gươm xuống đất, ôm lấy nàng mà nói rằng:

- Này em ơi! Chị đây thấy em cũng còn phải yêu, phải thương, huống chi là lão già nhà ta.

Rồi tự đây, công chúa rất trọng đãi Lý thị.

THẾ THUYẾT

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Hoàn Ôn: người đời nhà Tấn, làm quan đến chức Đại tư mã, uy quyền lừng lẫy, thường hay nói câu: "Tài giai chẳng có thể để tiếng thơm trăm đời cũng nên để tiếng xấu muôn năm."[1]

- Thục: nước ở vào vùng Thành đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay.

- Nhà quyền qui: người quyền thế, sang trọng.

- Dung nham. dáng điệu vẻ mặt.

- Tư mạo: vẻ người, nét mặt.

- Đoan trang: ngay ngắn nghiêm trang.

- Nghiêm chính: nghiêm trang, đứng đắn.

- Trọng đãi: xử một cách rất tử tế hậu dĩ.

- Thế thuyết: pho sách của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống soạn, nói những truyện vụn vặt tự đời Hậu Hán đến Đông Tấn.

NHỜI BÀN[sửa]

Người hồng nhan số bạc mệnh đã phải cảnh nước phá, nhà tan, quân cừu địch bắt về làm tì thiếp, mà nào đã yên, lại còn nỗi gặp tay vợ cả phũ phàng, xăm xăm đến những chực mổ mề, móc gan, róc xương, lột xác. Đau đớn thay phận đàn bà thật! Thương thay! Lý thị nào phần thù riêng, nào phần nghĩa công, lo phiền uất ức, trăm mối bên lòng, sống cũng là thừa, người yêu ta xấu, thì thà rằng chết trẻ còn hơn. Cho nên câu Lý thị thưa công chúa khí khái tràn ra ngoài nhời nói, tưởng một liều, ba bẩy cũng liều cho xong. Nào ngờ, vì chính câu nói có khí khái ấy lại thêm được cái vẻ nghiêm nghị mà khiến cho người đang giận dữ phải dẹp ngay nỗi bất bình, đang ghen ghét lại hoá ngay ra chiều thân ái.

Ta chắc xem câu chuyện này, chẳng những các bà có tính ghen với cây, hờn cùng bóng, thành ra có lượng bao dong rộng rãi, mà nam nhi ta, những phường giá áo túi cơm, bội gốc, quên nguồn cũng phải sinh lòng khảng khái vậy.

Chú thích[sửa]

  1. Câu chữ Hán là:
    Nam tử bất năng lưu phương bách thế,
    diệc đương di khứu vạn niên.

Liên kết đến đây