Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/155

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

KHÓ ĐƯỢC YẾT KIẾN

Tô Tần sang nước Sở, chầu trực suốt ba ngày mới được vào yết kiến vua Sở.

Đến khi được yết kiến, nói xong câu chuyện là xin cáo biệt ngay.

Vua bảo: Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quí như nghe tiếng một bậc cổ nhân. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao?

- Tô Tần thưa: Tôi xem ra bên nước Sở ta đồ ăn đắt hơn ngọc, củi thổi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như giời. Nhà vua nay muốn bắt tôi ở lại ăn ngọc, thổi quế, nhờ ma để thấy giời hay sao?

- Vua nói: Xin mời tiên sinh cứ ở lại. Quả nhân nghe đã hiểu ra rồi.

CHIẾN QUỐC SÁCH

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Tô Tần: một nhà du thuyết giỏi thời Chiến quốc đi nói sáu nước đồng minh để cự lại nước Tần.

- Yết kiến: xin vào hầu, vào ra mắt.

- Cáo biệt: nói để từ biệt về.

- Tiên sinh: tiếng dùng để gọi thầy hay người đáng tôn kính.

- Quả nhân: người ít đức, tiếng vua tự khiêm để gọi mình.

- Cổ nhân: đây là nói người hiền tài đời cổ.

NHỜI BÀN[sửa]

Lắm người có được chút quyền chức khiến cho người khác phải cầu đến mình, thì tự làm ra khó khăn hình như không muốn cùng ai xúc tiếp nữa. - Họ làm như thế, tưởng là nâng giá mình cho cao lên, có biết đâu lại là làm cho chức quyền mình kém đi vậy. Vì khi đã làm khó, ít cho người đến gần, tức là lấp đường không cho chân lý, không cho điều khuyết điểm của chức vụ mình đạt được đến mình nữa. Ôi! Như Tô Tần là bậc tài giỏi mà vua Sở làm cho khó yết kiến thì chỉ có phần thiệt cho vua, chớ có hại gì cho Tô Tần.

Liên kết đến đây