Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/158

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

PHẨM TRẬT ÔNG QUAN, PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Phẩm trật ông quan là phẩm trật có một đời, phận có, khắc có. Phẩm giá con người là phẩm giá lưu truyền trăm đời, tự mình không cố gây dựng cho mình, thì không bao giờ có.

Sĩ quân tử ta trông thấy giời ở ngoài giời, biết rõ người ở trong người, hiểu thấu đến cái vật ngoài vật chất ở đời, nghĩ xa đến cái thân sau thân hiện tại, thì biết đằng nào ngắn, đằng nào dài, đằng nào còn, đằng nào mất, chắc không ham mê cái này mà quên bỏ cái kia.

CHÚC TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Phẩm trật: bậc trên dưới của hàng quan lại tự tòng cửu đến chánh nhất.

- Phận: số mệnh giời phú cho người ta tốt hay xấu.

- Phẩm giá: tự cách danh dự của từng người.

- Lưu truyền: để được đời này sang đời khác.

- Trăm đời: ý nói lâu dài mãi mãi.

- Sĩ quân tử: nói người có học thức.

- Cái này: tức chỉ quan phẩm.

- Cái kia: tức chỉ nhân phẩm.

NHỜI BÀN[sửa]

Cái phẩm giá người ta là chung đối với cái phẩm giá ông quan là riêng, nên cái phẩm giá người đáng tôn quí gấp bao nhiêu lần. Cho nên người làm quan đã có phẩm trật ông quan mà lại giữ được phẩm giá con người thì mới là đáng trọng. Chớ nếu làm quan mà để cho cái danh lợi làm mất hết cái nhân cách, phẩm trật quan làm trôi mất phẩm giá người, thì danh tuy gọi là quan mà thực không bằng người bạch đinh vẫn còn giữ trọn phẩm giá. Ôi! Người làm quan chẳng nên đọc Chúc tử, cân nhắc đôi bên phẩm trật và phẩm giá mà tư tưởng hành động cho phải hay sao!

Liên kết đến đây