Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/174

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

THẤY LỢI NGHĨ ĐẾN HẠI

Liệt Tử nghèo khổ, có khi đói khát không có gì mà ăn. Có người nói với vua Tử Dương nước Trịnh rằng:

- Liệt Tử là một người cao thượng, nay ở nước nhà vua mà phải bần cùng, thì chang hoá ra nhà vua không biết quí chuộng người giỏi ư?

Tử Dương nghe nói sai sứ giả đưa cho Liệt Tử vài nước xe thóc.

Liệt Tử ra yết kiết sứ giả, vái hai vái, xin từ không nhận.

Sứ giả đi, Liệt Tử vào nhà trong. Vợ ngóng trông, bực tức, tự đập vào ngực mà nói rằng:

- Thiếp nghe vợ con những bực đạo đức cao thượng đều được an nhàn vui vẻ, nay vợ con tiên sinh túng đói, vua đưa cho tiên sinh thóc gạo, tiên sinh lại từ. Thế chẳng phải là sô' mệnh xui ra vậy hay sao!

Liệt Tử cười, bảo vợ rằng: Vua mà biết ta không phải là tự chính vua biết ta, tại nghe có người nói mới biết ta. Vua nghe người nói mới biết mà cho ta thóc, thì lúc bắt tội ta, tất vua những lại nghe người nói mà thôi. Vì thế mà ta không nhận thóc. Vả chăng chịu bổng lộc của người, hoặc khi người mắc hoạn nạn, không liều chết giúp người là bất nghĩa. Mà nếu liều chết giúp kẻ vô đạo thì lại còn gọi là nghĩa thế nào được.

Tử Dương sau quả bị nạn chết.

LIỆT TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Trịnh: tên một nước nhỏ đời Xuân Thu thuộc về tỉnh Hà Nam bây giờ.

- Cao thượng: cao xa không chịu làm những điều hèn hạ khuất lụy người ta.

- Sứ giả: người thay mặt và nhận nhời người trên để đi nói hay làm một việc gì với ai.

- Yết kiến: đi chào người trên.

- Số mệnh những sự hay, dở, được, hỏng của đời người hình như định sẵn tự giời, không phải sức người làm nổi.

- Vô đạo: ăn ở không theo nhẽ phải.

NHỜI BÀN[sửa]

Cổ nhân có câu: “Đã sáng suốt lại khôn ngoan để giữ lấy thân", Liệt Tử đây phần biết việc sâu xa, phần biết người hay, dở, thực là vừa sáng suốt lại vừa khôn ngoan vậy. Đang gặp cái lúc cơ hàn, có người đem cho ăn tiêu sung sướng, mà lại chối từ như Liệt Tử, thực rất là hiếm có.

Ôi! Thấy của còn nhớ đến nghĩa, thấy lợi còn suy đến hại, mới thật là người thấu được hết nhân tình, giữ được hết tiết nghĩa đáng kính phục lắm vậy. Chẳng bù với những kẻ nông nổi thấy lợi thì ham muốn híp mắt, bỏ cả đạo nghĩa, mà rồi nguy cả đến thân.

Liên kết đến đây