Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/176

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

MA NÓI CHUYỆN

Có người trốn tránh quân thù nghịch, đi ẩn núp ở chỗ núi thẳm, hang cùng.

Một đêm, gió mát, trăng trong, người ấy bỗng thấy một con ma vẩn vơ quanh quẩn ở dưới cây dương liễu, sợ quá, cứ nằm phục xuống, không dám giở dậy.

Con ma thấy thế, lại tận nơi bảo: Sao không ra đây mà chơi.

- Người kia run cầm cập mà giả nhời: Thưa ông, con sợ ông lắm.

Con ma nói: Sao mà gàn thế! Việc chi mà sợ! Kể mà đáng sợ thĩ chỉ có giông người là đáng sợ hơn cả mà thôi. Bác thử nghĩ xem. Ai làm cho bác đến nỗi điên bái cơ cực như thế này, người hay là ma?"

Ma nói xong, cười một hồi rồi biến mất.

"DUYỆT VI"

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Thù nghịch: kẻ căm giận mình, trái ngược với mình chỉ muốn làm hại.

- Dương liễu: loài cây cao, lá hẹp và dài, đầu lá nhọn, quả nó thành bông trắng bay rải rác mọi nơi. Lá dương thì dơ lên, lá liễu thì rủ xuống. Nay thường gọi gồm hai thứ là một.

- Điên bái: nghiêng ngửa không được yên ổn.

- Cơ cực: khổ sở quá chừng.

NHỜI BÀN[sửa]

Ma qủi tuy ai cũng có lòng sợ, nhưng chẳng qua chỉ là một điều huyền hoặc không đâu. Nên sợ ma quỉ, là một sự mê tín vu vơ, sợ hão, sợ huyền, sợ một cái thực không đáng sợ. Người mà đáng sợ là chỉ nên sợ có chính người mà thôi. Trong bài đây, tác giả thác vào con ma mà nói thế là cốt để phơi bầy cái lòng nham hiểm của loài người. Chỉ có người mới thực hại được người, làm cho người điêu đúng khổ sở trăm đường nghìn nỗi. Bao nhiêu những sự quấy nhiễu lẫn nhau, khổ nhục lẫn nhau, hãm hại, giết chóc lẫn nhau chẳng phải tự người sinh ra để hại người cả sao! Nên nói: "Người là loài tàn bạo hạng nhất trong các loài tàn bạo" cũng là đáng vậy.

Liên kết đến đây