Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/178

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

CHỈ BIẾT CÓ MÌNH

Người ta sở dĩ đến nỗi phạm phải nghìn muôn tội lỗi là chỉ vì cái bệnh "chỉ biết có mình". Vì cớ mình chỉ biết có mình, mình mới suy tính thiên phương bách kế: chỉ muốn cho mình giàu, chỉ muốn cho mình sang, chỉ muốn cho mình yên, chỉ muốn cho mình vui, chỉ muốn cho mình sống, chỉ muốn cho mình thọ, còn người ta nghèo, hèn, nguy, khổ, lụn bại, chết chóc, nhất thiết là chẳng nghĩ gì đến cả. Bởi thế mà sinh ý chẳng liên can, thiên lý đến tuyệt duyệt, tuy có hình người, kỳ thực không khác gì cầm thú.

Ví bằng trừ bỏ cái mệnh "chỉ biết có mình", tâm địa rộng rãi công minh, già, sang, nghèo, hèn, vui, khổ, sống, chết đều cùng chung với cả loài người, thì sinh ý quán triệt ai nấy đều được hả lòng mà thiên lý giữ được trọn vẹn. Thế là thân ta cùng với muôn vật như là nhất thể vậy.

TIẾT HUYÊN

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Thiên phương bách kế: nghìn lối, trăm cách.

- Nhất thiết: cắt phăng một nhát không cần là ngay lệch, nghĩa bóng là hết thẩy một loạt.

- Sinh ý: cái cơ sinh hoạt của muôn loài.

- Thiên lý: nhẽ phải tự nhiên ai cũng nên theo.

- Tuyệt duyệt: dứt dời, tắt ngấm đi.

- Tâm địa: tấm lòng tốt.

- Quán triệt: thông suốt.

NHỜI BÀN[sửa]

Chỉ biết có mình, tức là ích kỷ, tức là có bao nhiêu cái hay chỉ muốn vơ vét vào cho một mình hết cả. Khi người đã có tính ích kỷ, là người để mình ra ngoài nhân loại, chẳng những không làm gì lợi cho thiên hạ, lại còn như chỉ làm hại thiên hạ, vì khi mình chỉ cầu lợi cho mình, tất thiên hạ phải phần thiệt vào đấy. Nên người ích kỷ là người mất hết nhân nghĩa, không còn ai trông cậy được nữa, Voltaire xưa có nói: “Chỉ hay cho mình, tức là không hay cho ai nữa”. Cái tính tư kỷ nó làm cho cạn ráo hết cả nhân tính rồi còn đâu. Ví bằng bỏ được cái tính ích kỷ, thì đời người sao có như bây giờ.

Liên kết đến đây