Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/185

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

GÕ DỊP MÀ HÁT

Vợ Trang Tử chết. Huệ Tư đến viếng, thấy Trang Tử đang ngồi duỗi xoạc hai chân, tay gõ dịp vào bồn nước mà hát.

Huệ Tử bảo: "Mình đã ăn ở với người ta, có con với người ta. Bây giờ người ta già, người ta chết, mình đã không khóc thì cũng là đủ, lại còn ngồi gõ bồn mà hát, chẳng là quá lắm ư!

- Trang Tử nói: Không phải thế. Lúc vợ tôi mới chết tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm. Nhưng xét cho cùng, thì vốn là không có gì cả, chẳng những không có gì mà vốn lại không có hình, chẳng những không có hình mà vốn lại không có khí, cái người ấy chẳng qua là tạp chất biến hoá ra có khi, khí biến mà hoá ra có hình, hình biến mà hoá ra có sinh, có sinh lại biến ra có tử, cuộc sống khác nào như xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa cứ tuần hoàn đi lại không? Vả lại người ta chết là giở về với tạo hoá, cũng như người ra ngoài mà về nhà, thế mà ta cứ còn theo đuổi nghêu ngoa khóc lóc, thì chính ta chẳng hoá ra không biết mệnh giời ư? Cho nên ta không khóc mà lại còn hát nữa".

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Trang Tử: tên là Chu, người thời Chiến quốc học rộng và cao, theo tôn chỉ Lão Tử, có làm sách, phần nhiều là ngụ ngôn.

- Huệ Tử: tức là Huệ Thi, người thời Chiến quốc có tài khéo nói là bạn thân của Trang Tử.

- Bồn: chậu nước rửa xác cho người chết.

- Cũng đã là đủ: ý nói cũng đã là người biết, người đạt rồi.

NHỜI BÀN[sửa]

Vợ chết đáng là một mối đau đớn to, chồng nào mà cầm lòng không thương, không xót, không tiếc, không sụt sùi giọt ngắn, giọt dài cho đậu. Thường tình như thế. Nên Huệ Tử trách Trang Tử là chỉ vì nhẽ thường tình vậy.

Còn Trang Tử đáp thế, là lại lấy một cái nhẽ cao xa, siêu việt hẳn ra ngoài thường tình. Ta không rõ cái thuyết của Trang Tử cho người ta vốn tự chỗ không, do khí, do hình mà sinh ra để đợi lại giở về chỗ không có đúng với khoa cách trí chăng, nhưng khi ta thấy người qua mất, ta cũng có thể nói được rằng: người ta sống thực không biết tự đâu mà đến, rồi chết cũng không biết rằng là đi đâu? Ôi! Nếu coi cái sống chết như thế thì cái chết có còn khiến cho ta đáng thương tiếc, khóc lóc làm trò đàn bà nữa hay không?

Liên kết đến đây