Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/188

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

VIẾNG NGƯỜI ĐI LÀM QUAN

Tôn Thúc Ngao được làm quan lệnh roãn nước Sở. Cả nước, quan, dân đều lại mừng.

Sau cùng có một ông lão già mặc áo vải, đội mũ trắng, đến viếng.

Tôn Thúc Ngao thấy thế, ăn mặc chỉnh tề ra yết kiến, thưa với ông lão rằng:

"Vua chúng tôi không biết tôi là người bất tài, quá tin mà cho làm quan để tôi làm lụy cho lại, cho dân. Ai ai cũng đến mừng, một mình lão đến viếng, chắc có ý kiến gì đấy chăng."

Ông lão nói:

- Có. Thân đã sang mà khinh người thì dân không chuộng; chức đã cao mà chuyên quyền, thì vua sinh ghét; lộc đã hậu mà không tri túc, thì gặp phải tai vạ.

Tôn Thúc Ngao vừa vái, vừa nói:

- Xin kính vâng nhời. Và nài ông lão dạy thêm cho mấy câu nữa.

Ông lão bảo:

"Chức đã cao, ý càng phải khiêm cung; quan đã to, tâm càng phải tế nhị; lộc đã hậu, càng phải cẩn thận, chớ có lấy sằng, lấy bậy. Ông giữ được ba điều ấy là đủ trị dân vậy".

THUYẾT UYỂN

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Tôn Thúc Ngao: quan tướng giỏi nước Sở, thời Xuân Thu, ông là một nhà cai trị rất có giá, dân trong nước nhờ có ông mà được bình trị.

- Lệnh roãn: chức quan cầm quyền chính trong nước.

- Yết kiến: đem mình đến ra mắt ai.

- Lại: người làm việc quan, giúp việc các quan trên,

- Ý kiến: ý nghĩ kiến thức.

- Chuyên quyền: một mình mình giữ lấy cả quyền.

- Tri túc: tự cho thế là vừa đủ không có lòng tham muốn hơn nữa.

- Khiêm cung: khiêm nhường cung kính.

- Tế nhị: tinh tế cẩn thận không có nông nổi sơ suất.

NHỜI BÀN[sửa]

Đầy mà không để ràn rụa là cách giữ được giàu bền. Cao mà không dám ngông nghênh là cách giữ được sang mãi. Ở đời nhiều người bần tiện biết tu đức mà được giàu sang; ít người giàu sang biết tu đức để được lâu dài hưởng thụ. Sao vậy? Vì xử cảnh giàu sang dễ sinh ra kiêu xa, phóng đãng mà đã kiêu xa, phóng đãng là cái hoạn nạn tai vạ nằm sẵn, ở đấy rồi. Cho nên nhời ông lão dặn Tôn Thúc Ngao đây thực là có giá vậy. Chả những người làm quan nên tuân theo, ai may mà được xử vào cảnh thịnh vượng, cũng nên nhớ câu khuyên răn ấy.

Liên kết đến đây