Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/209

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

KHÔNG NÊN CÂU NỆ

Giời không có thể làm cho hoa mùa nọ nở mùa kia, cho nên thánh nhân không trái thời.

Đất không có thể làm cho khí tiết xứ kia đổi ra xứ nọ, cho nên thánh nhân không trái tục.

Thánh nhân không có thể làm cho tay biết đi chân biết cầm, cho nên thánh nhân không làm cho trái cái tài riêng.

Thánh nhân lại không có thể làm cho cá biết bay trên không, chim biết bơi dưới nước, cho nên thánh nhân cũng không dùng trái cái tài riêng của người.

Vì vậy, lúc nên động, lúc nên tĩnh, lúc nên tối, lúc nên sáng ta không nên câu nệ một đường nào, thì mới là hợp đạo.

QUAN DOÃN TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Thánh nhân: bực tài, đức, học vấn, nhân phẩm hơn người.

- Thời: mùa, nói rộng ra là thời đại.

- Khí tiết: thuỷ thổ, thời tiết.

- Tục: thói quen đã thành nếp mà ai cũng thích theo.

- Động: làm công nọ, việc kia.

- Tĩnh: ở yên

- Câu nệ: bo bo cố chấp không biết biến thông.

NHỜI BÀN[sửa]

Cây cỏ, giống vật, cả đến người ta, mỗi loài mỗi giống thường có những đặc tính riêng của loài ấy, giống ấy, cách trí dù có tinh sảo, cũng không thể bắt cho cả mọi loài, mọi giống cùng y như nhau cả. Suy như thế, thì bất cứ về mặt gì tính tình, phong tục cho đến cả tôn giáo, học thức ta không nên câu nệ chấp nhất một đường nào, chỉ biết cái phải của ta, mà không rõ cái phải của người. Ta phải có lượng rộng đong được cả mọi cái, bao quát được cả mọi việc, thì ngõ hầu mới là người sáng suốt vậy.

Liên kết đến đây