Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/211
GIỒNG KHÓ, NHỔ DỄ
Điền Nhu được vua nước Ngụy tin dùng. Huệ Tử bảo Điền Nhu:
- Ngươi phải khéo ăn ở với cận thần nhà vua mới được. Này xem như cây dương, giồng ngang cũng mọc, giồng ngược cũng mọc, bẻ cành mà giồng cũng mọc. Giả sử mười người giồng cây dương, một người nhổ lên, thì không dương nào sống được. Thế cho nên nhiều đến mười người giồng giống cây dễ mọc cũng không lại được một người là làm sao? - Là tại giồng thì khó mà nhổ thì dễ. Nay ngươi muốn được vua tin dùng lâu dài, nhưng có nhiều người muốn bỏ ngươi, thì ngươi nguy mất.
BÁCH TỬ TOÀN THƯ
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Huệ Tử: tức là Huệ Thi là một nhà đàm luận, biện bác giỏi đời chiến quốc.
- Cận thần: bầy tôi chầu chực ở gần vua.
- Dương: thứ cây gần giống như cây liễu.
- Giả sử: ví như.
- Nguy: hư hỏng.
NHỜI BÀN[sửa]
Được vua tin dùng thế là vua đã có lòng yêu, mà vua đã có lòng yêu, thì lại còn lo chi không giữ dược địa vị mình vững bền. Thế mà vị tất. Vua yêu, tuy cho vua là chủ nữa, nhưng cũng chỉ là một người, còn bao nhiêu người bên cạnh vua, nếu ai ai cũng ghét mình cả, thì mình không thể sao đứng lại được. Nên cái nhẽ giồng khó, nhổ dễ của Huệ Tử nói với Điển Nhu rất là phải. Ở đời làm vẫn khó, mà phá vẫn là dễ vậy.