Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/217

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

PHẢI BIẾT PHÒNG XA

Ông Biển Thước đến yết kiến Hoàn hầu nước Tề, đứng ngắm một lát, tâu rằng:

- Vua có bệnh ở trong bì phu, không chữa, sợ sau nặng.

- Hoàn Hầu bảo: Ta vô bệnh.

Biển Thước đi ra.

Hoàn Hầu nói: - Thầy thuốc này lý tài lắm! Muốn chữa người khoẻ để lấy công.

Mười hôm sau, Biển Thước vào yết kiến Hoàn Hầu lại nói:

- Vua có bệnh ở gan ruột, không chữa mau, sau khó lòng.

Hoàn Hầu không giả nhời, lây làm không bằng lòng.

Biển Thước đi ra.

Cách mười hôm nữa, Biển Thước lại vào yết kiến Hoàn Hầu, vừa trông thấy, lùi chạy ra ngay.

Hoàn Hầu cho người gọi lại hỏi, vì cớ gì mà ra ngay như vậy.

Biển Thước tâu: - Bệnh ở bì phu còn châm trích được, bệnh ở gan ruột còn thuốc thang được, bệnh đã vào xương tuỷ, thì không tài nào chữa được nữa. Bây giờ bệnh nhà vua đã vào đến xương tuỷ, cho nên tôi không dám nói mà phải ra ngay.

Năm hôm sau, Hoàn Hầu phát bệnh, cho tìm Biển Thước, thì Biển Thước đã sang nước Tần rồi. Quả nhiên bệnh Hoàn Hầu không thầy nào chữa được nữa, Hoàn Hầu mất.

THANH LÊ TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Biển Thước: thầy thuốc hay có tiếng đời Xuân Thu.

- Bì phu: da, màng da.

- Lý tài: lập cách kiếm tiền.

- Châm trích: châm: kim nhể, trích: lửa đốt.

NHỜI BÀN[sửa]

Theo như y học ngày nay, thì ta không rõ có cái bệnh nào mà lại tuần tự nhi tiến trước ở bì phu, sau vào gan ruột, sau nữa vào đến cốt tuỷ như nhời Biển Thước nói không.

Nhưng ta chỉ hay phàm bệnh gì cũng vậy, lúc mới phát ra, biết mà chữa ngay thì còn dễ, chớ để lâu ngày, thì tất khó hơn hoặc có khi quá lắm, không sao chữa được nữa.

Suy rộng ý bài này ra, ta lại có thể lấy việc bệnh tật mà so với việc thân, việc nhà, việc nước, có nhẽ đều như thế cả. Nghĩa là bất kỳ việc gì, nếu đã gọi là hư hỏng, thì phải sớm biết phòng xa ngay đi, hoặc còn chữa chạy được, chớ nên để lâu ngày quá, đợi khi nước đã đến chân thì dù có muốn sao, cũng không kịp được nữa.

Liên kết đến đây