Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/218
MỘT CÂU ĐOÁN TRÚNG
Ông Tử Sản nước Trịnh sang nước Trần về việc minh ước.
Khi về, ông tâu mọi việc với vua xong, ông có đem chuyện nước Trần nói với các quan rằng:
"Nước Trần thế nào rồi cũng mất, chẳng nên giao hiếu với nước ấy làm gì. Này họ chứa nhiều lương thực, họ sửa sang thành quách, họ chỉ cứ cậy hai điều ấy đủ làm yên nước mà chẳng thương gì đến nhân dân. Vua thì không có chí gì là độc lập, thái tử thì hèn yếu, các nhà đại gia thì xa xỉ dâm dật, các quan thì kiêu ngạo, tham tàn, chính quyền thì chia xé không ai chịu trách nhiệm. Như thế mà ở chen vào giữa các nước nhớn, thì tài nào mà còn được. Bất quá mười năm nữa, nước Trần thế nào cũng mất".
Sau quả nhiên nước Trần mất thật.
"TẢ TRUYỆN"
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Trịnh: tên một nước nhỏ đời Xuân Thu ở vào huyện Tân Trịnh tỉnh Hà Nam ngày nay.
- Trần: tên một nước nhỏ đời Xuân Thu, ở vào một phần đất phủ Khai phong (Hà Nam) và Bạc Châu (An Huy) ngày nay.
- Lương thực: thóc gạo của ăn
- Thành quách: đất hay gạch, đá đắp xây cao bao bọc, để phòng giữ một nơi nào; ở trong gọi là thảnh, ở ngoài gọi là quách.
- Độc lập: có quyền tự trị lấy, không bị người ngoài can thiệp đến.
- Thái tử: con cả vua, sau sẽ làm vua.
- Đại gia: nhà quan to.
- Tham tàn: muốn được không chán, và mất hết lòng lành.
- Trách nhiệm: sự nhận lấy, chịu lấy cái kết quả hay dở công việc đã làm.
NHỜI BÀN[sửa]
Trong một nước mà vua chẳng ra vua, quan không ra quan, dân cùng, tài tận chẳng ai nghĩ đến, chỉ cậy vào cái kho lương đầy, cái thành đất cao cùng những tờ minh ước của các nước lân bang thì tài nào mà còn được. Một nước như thế, thật là tự làm cho mình mất trước, rồi các nước ngoài mới làm cho mất sau vậy.