Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/220

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

THƯ VIẾT RĂN CON

"... Nếu người quân tử tĩnh để tu thân, kiệm để nuôi đức. Nếu không đạm bạc, thì không thể nào sáng được chí; nếu không ninh tĩnh thì không thể nào thấu được xa.

Ôi! Học nên phải tĩnh, tài nên phải học. Không học, thì không rộng được tài, không tĩnh thì không thành được học. Lười biếng khinh nhờn thì chẳng thể biết cho tường. Hiểm hóc táo bạo thì chẳng thể sửa được tính.

Một năm một tuổi, mỗi tuổi một kém, rồi thành ra con người khô héo, dài thở vắn than trong chỗ xó nhà, bấy giờ mới hối thì còn sao kịp nữa..."

GIA CÁT LƯỢNG

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Quân tử: bực tài đức hơn người.

- Tĩnh: yên lặng, trong sạch

- Tu thân: sửa mình, bỏ nết xấu, tập tính tốt.

- Kiệm: đây chỉ nghĩa rộng là có tiết chế, không phóng phiếm

- Nuôi đức: gây nên những đức hạnh tốt.

- Đạm bạc: điềm tĩnh và ít lòng ham mê.

- Ninh tĩnh: im lặng không rối rít nóng nẩy.

- Gia Cát Lượng: người đời tam quốc, tự là Khổng Minh, trước ẩn ở Nam Dương, sau giúp Lưu Huyền Đức làm tướng, tri nước Thục, ông là người trí mưu, trung nghĩa có tiếng ở nước Tàu.

NHỜI BÀN[sửa]

Tóm lại cái ý của Khổng Minh dạy con đây, thì người quân tử cốt phải tu thân, phải dưỡng đức, vốn có tài lại cần phải học, cứ bình tĩnh mà tiến dần lên mỗi tuổi một hơn, chớ không chịu để luống tuổi khô héo mà không bổ ích gì cho đời.

Liên kết đến đây