Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/223
THAM THÌ THÂM
Ngu Thúc có hòn ngọc. Ngu Công nghe tiếng muốn lấy, sai người đến cầu.
Ngu Thúc trước không chịu cho. Sau hối lại, nói rằng:
- Tục ngữ có câu: "Kẻ thường dân vốn không có tội, chỉ vì có ngọc bích mà thành có tội”. Ta giữ làm gì hòn ngọc này? Thật là mua tai hại vào mình.
Rồi liền đem ngọc dâng cho Ngu Công.
Ngu Công đã lấy được ngọc, nghe Ngu Thúc còn thanh gươm báu, muốn lấy nốt, lại cho người đến cầu gươm.
Ngu Thúc giận quá, nói:
- Ngu Công cầu hết cái này, lại đến cái khác. Thật là người vô yêm! Đã là vô yêm, thì tất có ngày hại cả đến thân ta nữa.
Nói rồi, đem quân đi đánh Ngu Công.
Ngu Công thua, chạy ra đât Cung Trì.
"TẢ TRUYỆN"
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Tham thì thâm: muốn được nhiều không chán, thường hay gặp tai hoạ. Chữ thâm vốn nghĩa là sâu, đây có ý nói là sâu cay đau đớn.
- Hối: ăn năn nghĩ lại tự biết làm thế là không phải.
- Tục ngữ: câu nói dùng lâu ngày thành thói quen, ai ai cũng nói như vậy.
- Câu tục ngữ: "Kẻ thường dân..." chính chữ Hán là: " Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội"
- Ngọc bích: thứ ngọc quí nhẵn, hình tròn và có lỗ.
- Vô yêm: muốn lấy cho nhiều, không biết thế nào là vừa, là chán.
NHỜI BÀN[sửa]
Tham là mốt nết rứt xấu. Tham vừa người ta còn có thể chiều hay nể, chớ tham quá lắm, như chỉ biết có mình không biết còn ai nữa, thì ai người ta chịu nổi!
Ngu Công đây muốn ngọc, mà được ngọc đã là may, lại còn muốn cả gươm, thì Ngu Thúc chịu sao được mà không tính cách để trị lại. Ôi! Gươm đã chẳng được, nước cũng không còn, lòng tham chẳng là hại lắm ru!