Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/234

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

CÁCH LÀM CHO KHỎI TỨC GIẬN

Người ta ở đời, đối với loài người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như đi trong bụi rậm, áo vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gở dần ra mà thôi. Cái gai góc kia có biết gì mà đáng giận?

Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan được ngay. Cổ nhân có câu nói:

"Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không nhỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ nhỡ tạt phải ta, ta nghĩ cho cùng, có gì mà đáng giận".

Ba cấu tự phản của ông Mạnh Tử, thật là cái phép để giữ thân, cái phương để nuôi tính vậy.

Vì nếu ta chỉ một mực thấy cái trái của người, thì ngay như anh em, vợ con, bè bạn, tôi tớ cho đến con gà, con chó trong nhà, thật cũng có nhiều lúc đáng làm cho ta bực.

Nếu ta việc gì cũng biết tự phản thì sự tức giận mười phần giảm ngay năm phần. Thật chẳng khác nào như người đang phải bệnh nóng sốt mà được uống bài thuốc thanh lương vậy.

"BẢO HUẤN"

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Cổ nhân: người đời trước.

- Ba câu tự phản: ba câu tự mình hỏi mình, xét lại mình đã thật là nhân hậu chưa, đã thật là lễ phép chưa, đã thật là khôn ngoan chưa.

- Giảm: bớt đi.

- Thanh lương: mát lạnh, tức là giải nhiệt.

NHỜI BÀN[sửa]

Ở đời cứ kể thực có lắm điều khiến cho ta phải lấy làm tức giận. Mà cái nguyên lai của sự tức giận là do ở như cái ta chỉ biết có người, trách người, mà không biết có ta, trách chính ta vậy. Sự tức giận vốn là một sự không may, chẳng những không có lợi gì, mà lắm khi nóng tiết quá, lại sinh mất khôn, sinh ra tai hại nữa. Vậy hoài hơi mà giận người dưng. Mà cái cách giữ cho khỏi giận không gì bằng những lúc đáng giận, mình tự phản ngay lại mình, coi như vướng phải cái gai, gặp phải cơn gió một lúc qua rồi lại gỡ được, lại thoát ngay được lập tức.

Liên kết đến đây