Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/236

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

QUÍ NHỜI NÓI

Vua nước Tấn đi chơi thuyền. Các quan đi hầu đông đủ cả.

Vua hỏi: "Loan Doanh ta đã cấm cố một nơi, con là Loan Phường trốn chạy ra ngoại quốc. Có ai biết Loan Phường bây giờ ở đâu không?"

Các quan yên lặng không ai giả nhời cả.

Người lái thuyền tên là Thanh Quyên buông tay chèo, đứng dậy, thưa rằng:

"Nhà vua hỏi Loan Phường làm gì?

Vua nói: Từ khi ta đánh được họ Loan đến nay, nghe họ Loan người già chưa chết hết, người trẻ đã nhớn lên. Ta lo họ phục thù, cho nên ta mới hỏi.

- Thanh Quyên nói: Nếu nhà vua khéo sửa sang chính sách nước Tấn, trong được lòng quan, ngoài được lòng dân, thì dù cho còn con nhà họ Loan mà làm gì được nhà vua. Nhưng nếu nhà vua không sửa sang chính sách nước Tấn, trong mất lòng quan, ngoài mất lòng dân, thì ngay những người ngồi trong thuyền này, ai cũng là con nhà họ Loan cả.

Vua khen:

- Ngươi nói phải lắm".

Rồi sáng hôm sau cho đòi Thanh Quyên đến, ban cho một vạn mẫu ruộng.

Thanh Quyên từ không nhận.

Vua nói: "Lấy một vạn mẫu mộng ấy đổi lấy một nhời nói kia, kể ra nhà ngươi còn thiệt mà quả nhân còn lợi nhiều, nhà ngươi cứ lấy.

Ấy người đời cổ quí nhời nói như thế đấy.

THI TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Tấn: tên một nước đời Xuân Thu ở vào vùng Sơn Tây ngày nay.

- Loan Doanh: người nước Tấn, đời Xuân Thu, làm quan hạ khanh, sau phải tội giết cả họ.

- Cấm cố: giam cấm ở riêng một nơi rất là nghiêm ngặt.

- Phục thù: báo lại kẻ đã làm oan uổng sỉ nhục mình hay người có can hệ với mình.

- Chính sách: công việc xếp đặt để cai trị.

- Quả nhân: nghĩa đen là người ít đức, tiếng vua dùng để tự xưng, một cách khiêm tốn.

- Thi tử: người nước Lỗ đời nhà Chu, thày học Thương Ưởng, có làm sách hai mươi thiên.

NHỜI BÀN[sửa]

Sợ người phục thù, mà muốn giết chết hết cả họ người ta, thế là tàn nhẫn mà đã chắc trừ hẳn được hết mối oán thù chưa, hay lại chỉ gây cho mối oán thù càng to lên. Nhà có quyền thế chỉ có thể giết chết được người, chớ có bao giờ ghét chết được bụng người. Cho nên lo sợ như vua Tấn đây là chỉ biết lo sợ người ngoài muốn làm hại mình mà thôi. Sao cho bằng phỏng bị như Thanh Quyên, mới là biết tự làm cho mình khoẻ hơn. Sợ người, nhưng người không phải là mình, sợ sao cho được, chớ làm cho mình khoẻ, dù cho người ngoài đáng sợ cũng không cần sợ. Khi mình là người có đức, thì ai cũng là bạn mình cả, thì dù có cừu địch, cừu địch cũng không làm gì nổi. Chớ nếu mình là người tàn ác, thì đến cả những người ở ngay bên mình cũng thành ra cừu địch mà hại mình được cả. Thanh Quyên tỏ bày cái ý ấy rất phải mà vua Tấn biết nghe cũng là đáng khen lắm vậy.

Liên kết đến đây