Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/237

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

TƯ TƯỞNG LÃO TỬ

Cái đẹp mà đến thiên hạ đua nhau cho là đẹp là cái đẹp rất xâu; cái hay mà đến thiên hạ mượn tiếng để làm hay, là cái hay rất dở.

Để thân lại sau, mà thân được ở trước; gác thân ra ngoài mà thân vẫn còn mãi. Thế chẳng phải là bởi mình không lòng riêng, cho nên mới được thoả lòng riêng ư?

Tuy là cương cường, nhưng giữ tính mềm mỏng.

Tuy là sáng sủa, nhưng giữ cách mờ tối.

Tuy là vinh hiển, nhưng giữ lối tầm thường.

Học cho rộng trí khôn thì một ngày một hay; tìm nhẽ huyền bí, lâu hoá vẩn vơ, thì một ngày một dở.

Trộn lẫn cái hay của mình với đời để làm thân thiết; cùng hùa cái dở của đời với mình mà vẫn trong sạch.

Có ba điều quí báu: một là từ; hai là kiệm, ba là chẳng dám phạm vào việc bất tường của thiên hạ.

Ta mà lo phiền, sợ hãi là vì ta có thân ta, đến khi ta đã không có thân ta, thì ta còn có lo phiền, sợ hãi gì nữa.

LÃO TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Huyền bí: sâu sa khó biết, khó hiểu.

- Thân thiết: gần gũi yêu mến.

- Cương cường: cứng cát, mạnh bạo.

- Từ: nhân đức, tình thương yêu.

- Kiệm: có tiết chế không xa phí.

- Bất tường: việc dở, việc chẳng tốt mà ai cũng không thích.

NHỜI BÀN[sửa]

Ba câu trên là nói được lại cái thói đời, câu 1 cái ngược ấy là dở, câu 2 và 3 cái ngược ấy lợi cho mình, câu 4 nói cách học hành, câu 5 nói cách xử thế, câu 6 nói các đức tính nên có, câu 7 nói sự lụy thân. Những câu vặt này tuy mỗi câu nói một việc, nhưng tựu trung câu nào cũng hàm súc một cái tư tưởng vô danh, vô vi là cái tôn chỉ của đạo Lão.

Đạo của Lão Tử cốt ở vô vi. Muốn cho thành được vô vi, thì người ta trước hết phải vô dục, vô cầu, vô tranh, vô danh như những câu nói trong bài này. Khi đã được như thế, thì mỗi cảnh có một cái thú cho mình, cái sướng cho người, loài người ở với nhau được hoà bình mà không mấy khi xảy ra sự tàn hại lẫn nhau nữa. Phải thật, đến đem đức mà báo oán, thì còn oán nào mà chẳng tan!

Liên kết đến đây