Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/239
THẾ NÀO LÀ ĐẠI TRƯỢNG PHU
Cảnh Xuân hỏi thầy Mạnh Tử:
- Công Tôn Diễn và Chương Nghi nổi một cơn giận đi du thuyết, thì các nước chư hầu sợ, ngồi yên một chỗ, thì thiên hạ không có chiến tranh. Hai người như thế chẳng là bực đại trượng phu ư?
Thầy Mạnh Tử nói:
- Hai người ấy gọi là đại trượng phu thế nào được! A dua, xiểm nịnh, lựa ý, chiều lòng các vua chư hầu để được quyền, được thế, cách cục hai người ấy y như đàn bà lẽ mọn, thừa thuận phục tòng. Đại trượng phu đâu có thế!
Bực đại trượng phu tâm địa chí công như ở cái nhà rất rộng trong thiên hạ, cử động mực thước thận trọng như đứng cái ngôi chính vị trong thiên hạ, công việc làm quang minh, chính đại như đi trên con đường cái trong thiên hạ. Đắc chí thì đem cái khôn ngoan học thức, thi thố cho thiên hạ được nhờ; bất đắc chí thì một mình vui vẻ giữ lấy cái hay của mình. Sự giàu sang chẳng chênh lệch được lòng, sự nghèo hèn chẳng biến đổi được nết, sự áp chế vũ lực chẳng làm toả nhục được chí... thế mới gọi là đại trượng phu.
MẠNH TỬ
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Công Tôn Diễn, Chương Nghi: hai nhà du thuyết giỏi có tiếng đời Chiến quốc.
- Du thuyết: ngôn luận biện bác một cách rất khôn khéo làm cho người ta phải nghe.
- Đại trượng phu: tài giai, anh hùng hào kiệt.
- Tâm địa: bụng dạ.
- Chí công: rất là công bình.
- Qang minh chính đại: sáng sủa, ngay thẳng, rộng rãi.
- Đắc chí: thoả cái chí muốn của mình.
- Học thức: sự học vấn khôn ngoan
- Thi thố: đem cái tài, học thức ra làm việc.
- Vũ lực: sức mạnh của nhà binh.
NHỜI BÀN[sửa]
Theo ý Cảnh Xuân, thì đại trượng phu chỉ là một kẻ lấy nhời nói hùng biện mà xui bẩy người ta để lấy quyền, lấy thế cho mình. Nếu như thế mà là đại trượng phu thì tiếng đại trượng phu còn có giá trị gì. Nên thầy Mạnh bác đi, mà nói rõ cho nghe thế nào mới đáng gọi là chân đại trượng phu. Rút lại thì người chân đại trượng phu tâm địa phải công bình cử động phải thận trọng, công việc phải chính đinh, không tham giàu sang, không sợ uy quyền, có tài thi thố ra được thì lấy việc ích lợi cho thiên hạ làm trọng. Ta cứ lấy những đức tính ấy ra mà hỏi, thì ở đời dễ đã được mấy kẻ chân đại trượng phu.