Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/240
THIÊN HẠ SĨ
Lỗ Trọng Liên có khí tiết lạ lùng, có lòng trung nghĩa phẫn khích, không phải hạng sách sĩ mà sánh kịp được.
Kìa như con diều, con két bay cao trên đám mây; con hổ, con báo gầm thét trong rừng núi, mạnh mẽ, dữ tợn, có ai dám lại gần. Song một mai bị người ta trói buộc, nuôi vào trong chuồng thì có khác gì giống gà, giống chó. Mà diều, két hổ báo sở dĩ để cho người ta đánh bẫy được, có phải chỉ do một cái lòng thèm muốn mà thôi không?
Như Lỗ Trọng Liên thì thực không có ham muốn gì, cho nên bay cao, gầm dữ mà vẫn ngang tàng trong một đời. Người ta khen Lỗ Trọng Liên là thiên hạ sĩ rất là phải.
TIẾM THẤT TỬ
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Lỗ Trọng Liên: người nước Tề về đời Chiến quốc là một bực nghĩa sĩ xưa nay ai cũng biết tiếng.
- Khí tiết: khí khái tiết nghĩa.
- Trung nghĩa: trung là hết lòng, nghĩa là ở phải.
- Phẫn khích: phẫn là căm giận, khích là hăng hái.
- Sách sĩ: người có mưu kế.
- Ngang tàng: khảng khái không theo thói thường người đời.
- Thiên hạ sĩ: tay giỏi trong thiên hạ, ai cũng phải phục.
NHỜI BÀN[sửa]
Nhà Tần giệt nhà Chu, Lỗ Trọng Liên không chịu công nhận Tần làm vua, nhẩy xuống bể chết. Cái tiết tháo của Lỗ Trọng Liên như thế, cho nên mới được tôn lên làm thiên hạ sĩ. Vậy thiên hạ sĩ là gì? Cứ theo truyện Lỗ Trọng Liên và theo câu thí dụ trong bài, thì kẻ nào có khí tiết, có trung nghĩa, biết đường tới, lui, không bụng ham muốn tức là thiên hạ sĩ vậy.