Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/73

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

KHẤU CHUẨN THƯƠNG NHỚ MẸ

Ông Khấu Chuẩn thuở nhỏ, tính hay du đãng, không giữ lễ phép, lại thích chơi chim, chơi chó. Bà mẹ ông vốn người nghiêm khắc, thấy con thế quở phạt luôn, mà ông vẫn không chừa.

Một hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận lắm, cầm cái quả cân ném ông, trúng phải chân, máu chảy đầm đìa... Ông bị đau, ít lâu mới khỏi. Tự bấy giờ, ông không dám lêu lổng, phóng túng; chỉ chuyên cần học tập. Về sau, thi đỗ, làm quan đến Tể tướng. Lúc ông quí hiển, thì mẹ ông đã tạ thế rồi. Mỗi khi ông sờ đến vết thương ở chân, thì ông lại nức nở khóc lóc và nói rằng: "Chính cái vết thương này làm cho ta nên người đây".

NHÂN PHẢ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Khấu Chuẩn: người đời nhà Tống đỗ Tiến sĩ, làm quan đời vua Chân Tôn đã đển chức Tể tướng có công đánh giặc Khiết Đan.

- Du đãng: chơi bời phóng túng, tự mình không trì chủ.

- Nghiêm khắc: nghiêm: có oai nghi đáng sợ; khắc: khe khắt, chặt chẽ.

- Phóng túng: dông dài liều lĩnh.

- Chuyên cần: chuyên: để tâm mải làm; cần: chăm chỉ.

- Học tập: học: bắt chước; tập: học rồi lại ôn lại.

- Tể tướng: bậc trọng đứng đầu hàng quan.

- Quí hiển: làm quan sang nên danh giá.

- Tạ thế: không ở đời nữa, nghĩa là chết.

NHỜI BÀN[sửa]

Mẹ làm cho con đến chảy máu chân, đến thành vết thương cũng là quá. Nhưng chẳng qua cũng từ một cơn giận dữ, bất ngờ đến nỗi thế. Chớ thực bản tâm là có ý muốn rần bảo con, cố làm cho con chừa được những nết xấu đi, thực là một bà hiền mẫu biết dạy con vậy. Còn ông Khấu Chuẩn, vì cái vết thương ấy mà thành ra học tập, trở nên một người quí hiển, mỗi khi trông thấy vết chân, lại ngậm ngùi nhớ đến mẹ, thì cũng là một người con thảo, biết nghe nhời mẹ và thương mẹ suốt đời vậy.

Liên kết đến đây