Cứu vãn mối quan hệ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi bạn cảm thấy mối quan hệ của bạn và người yêu đang gặp khó khăn hoặc không suôn sẻ, có lẽ bạn sẽ có cảm giác mất phương hướng trong việc tìm kiếm cách để cứu vãn nó. Nhiều cặp đôi phải trải qua thời kỳ mà họ thường xuyên tranh cãi hoặc không thể làm việc cùng nhau như một đội. Đánh giá mối quan hệ, điều chỉnh cách giao tiếp với người bạn đời của bạn, và dành thời gian chất lượng cho nhau sẽ giúp bạn cứu vãn mối quan hệ và bảo đảm rằng cả hai sẽ cùng nhau vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.

Các bước[sửa]

Đánh giá mối quan hệ[sửa]

  1. Quyết định xem liệu cả hai có thật sự muốn cứu vãn mối quan hệ. Cả hai cần phải cam kết cùng nhau cố gắng hàn gắn mối quan hệ và biến nó trở nên tốt đẹp hơn. Bạn và người bạn yêu nên thể hiện sự đồng ý thông qua từ ngữ vì đây là cách để chứng tỏ rằng cả hai đều cống hiến hết mình cho mối quan hệ. Nếu người bạn đời của bạn không chắc chắn về khao khát của mình trong vấn đề này, bạn nên cân nhắc lại ý nghĩa của mối quan hệ này đối với người đó. Nếu cả hai bạn không thật lòng muốn cứu vãn nó, sẽ khó để bạn có thể thực hiện.[1]
  2. Cân nhắc lý do vì sao bạn vẫn còn duy trì mối quan hệ với người ấy. Trước khi bắt tay vào cứu vãn mối quan hệ, bạn cần ngồi xuống và tự hỏi bản thân về yếu tố khiến bạn bị thu hút bởi người ấy vào lúc đầu và cách chúng thay đổi hoặc chuyển hướng. Dành một vài phút để tái đánh giá lý do bạn vẫn còn đang trong mối quan hệ với người ấy sẽ nhắc nhở bạn tại sao bạn lại muốn ở bên người ấy và cố gắng tìm cách để làm mới mối quan hệ của mình.[1]
    • Bạn và người bạn yêu có thể cùng nhau thực hiện điều này. Bạn phải sẵn sàng đối mặt với sự phê bình mang tính xây dựng và sử dụng câu nói bắt đầu từ chủ từ “Em/Anh”. Ví dụ: “Em cảm thấy như thể chúng ta đã từng dành nhiều thời gian hơn cho nhau. Bây giờ, chúng ta rất ít gặp nhau”, hoặc “Anh cảm thấy rằng một trong những nhân tố to lớn nhất mà anh yêu ở em là sự tràn trề năng lượng và niềm say mê đối với cuộc sống. Nhưng anh có cảm giác như dạo gần đây em đang trở nên chán nản và thu mình lại”. Tập trung vào phẩm chất mà bạn trân trọng và ngưỡng mộ ở người ấy, và tìm hiểu thời điểm cũng như cách mà chúng đang dần trở nên phai mờ trong mối quan hệ.
  3. Tìm kiếm quan điểm và lời khuyên từ phía gia đình và bạn bè. Đôi khi, sẽ khó để bạn tiến hành đánh giá mối quan hệ của mình, đặc biệt là khi cảm xúc đang dâng trào. Bạn nên trò chuyện với bạn bè thân thiết và người thân mà bạn tin tưởng, người hiểu rõ bạn cũng như người bạn yêu. Thảo luận về một vài vấn đề mà bạn đang gặp phải và tham khảo xem liệu họ có từng trải qua vấn đề tương tự hay không. Họ có thể sẽ cung cấp cho bạn một vài phương pháp để hàn gắn quan hệ.[1]
    • Bạn nên nhớ rằng quá nhiều lời khuyên và ý kiến bên ngoài có thể gây xáo trộn cho mối quan hệ của bạn và hình thành giả định, thành kiến giữa bạn và người ấy. Lắng nghe lời khuyên của người khác, nhưng không nên tin tưởng mọi thứ. Bạn nên nhớ rằng bạn cần phải tập trung vào việc giao tiếp một cách cởi mở với người ấy, thay vì với mọi người xung quanh bạn, để mối quan hệ của bạn không bị tan vỡ.

Cải thiện giao tiếp[sửa]

  1. Cố gắng giữ bình tĩnh và tỏ thái độ tôn trọng khi trò chuyện với người ấy. Sẽ khó để bạn duy trì sự tôn trọng và kiểm soát cảm xúc của bản thân khi bàn luận với người bạn yêu về vấn đề đang diễn ra trong mối quan hệ.[2]
    • Trò chuyện bằng sự quan tâm và lòng tôn trọng dành cho đối phương sẽ cho người đó biết rằng bạn đang cố gắng cứu vãn mối quan hệ. Tránh nói tục hoặc lên giọng với người ấy khi thảo luận về vấn đề. Thay vào đó, bạn cần phải trung thực và rõ ràng trong việc trình bày cảm giác của mình với thái độ đầy quan tâm và yêu thương.
    • Trước khi nói chuyện với người bạn yêu, bạn nên sử dụng kỹ thuật xoa dịu để kích hoạt phản ứng bình tĩnh của cơ thể. Hít thở sâu, thiền, hoặc thậm chí là tập thể dục trước khi trò chuyện sẽ giúp bạn duy trì sự bình tĩnh trong suốt quá trình giao tiếp.
  2. Trình bày cảm xúc của bản thân một cách trung thực và cụ thể. Để cải thiện giao tiếp với người bạn yêu, bạn cần phải cố gắng tránh gây hiểu nhầm hoặc không truyền đạt điều muốn nói một cách rõ ràng. Một phương pháp để thực hiện điều này là bạn phải trình bày một cách rõ ràng, trực tiếp, và cụ thể về cảm giác cũng như mong muốn của bản thân với người ấy. Nếu bạn cảm thấy như người bạn đời của bạn đang bỏ bê mối quan hệ, bạn nên thành thật và rõ ràng về lý do và cách thức mà vấn đề này đang gây rắc rối cho bạn.[2]
    • Bạn chỉ cần nói rằng “Em cảm thấy rằng dạo gần đây, chúng ta không thường gặp nhau và em rất nhớ cảm giác được ở bên anh, chỉ có hai ta”. Sau đó, bạn có thể đề nghị cả hai cùng nhau đi ăn tối. Người ấy sẽ hiểu rõ ý định của bạn và bạn có thể yên tâm rằng bạn đang thật sự giao tiếp với người bạn yêu.
    • Ngoài ra, khi có bất đồng, bạn nên tập trung chủ yếu vào yếu tố khiến bạn cảm thấy tức giận hoặc khó chịu, thay vì bàn luận về mọi vấn đề cùng một lúc. Nếu bạn có cảm giác như cả hai không dành đủ thời gian cho nhau, bạn nên chú ý bàn luận biện pháp để cả hai có thể gặp gỡ nhau nhiều hơn và dành thời gian cho nhau. Nếu bất đồng là về công việc nhà, ví dụ như đi đổ rác, bạn nên chú tâm vào vấn đề này bằng cách đề nghị cùng nhau xem xét lý do vì sao đi đổ rác lại quan trọng.
    • Tránh để quá trình thảo luận về việc đổ rác chuyển hướng bàn về vấn đề người ấy không lưu tâm đến việc nhà hoặc rằng người ấy lười biếng hoặc không chu đáo. Giải quyết từng vấn đề một để bạn và người bạn đời của bạn không cảm thấy rối ren và để bất đồng không trở thành cuộc tranh cãi to tiếng.
  3. Luyện tập cách lắng nghe tích cực. Lắng nghe tích cực có nghĩa là lắng nghe và phản hồi người khác theo cách có thể giúp cải thiện sự cảm thông lẫn nhau. Thay vì xem cuộc trò chuyện với người ấy như một cuộc chiến hoặc cuộc thi mà bạn cần phải chiến thắng, bạn nên nghĩ về nó như cơ hội học hỏi và là cách để bạn có thể hiểu rõ hơn về người ấy. Phương pháp này sẽ cho thấy rằng bạn xem cuộc trò chuyện với người ấy như là biện pháp để tích cực lắng nghe điều người ấy nói, thay vì ngắt lời người ấy hoặc xem thường điều mà họ muốn nói.[3][1]
    • Để luyện tập cách lắng nghe tích cực, bạn nên tập trung chú ý vào người bạn đời của bạn và cho phép họ hoàn tất câu chuyện của mình mà không ngắt lời họ. Sau đó, hãy lập lại mọi điều mà họ nói bằng từ ngữ của bạn. Mặc dù, bạn không nhất thiết phải đồng ý với chúng, hành động này sẽ cho thấy bạn hiểu rõ lời nói của người ấy và sẵn sằng thảo luận về quan điểm của họ thông qua việc trao đổi cảm giác và suy nghĩ một cách lành mạnh thay vì to tiếng với nhau.
  4. Sẵn sàng thừa nhận quan điểm của người ấy. Lắng nghe tích cực chỉ là một phần của quá trình giao tiếp hiệu quả. Phần còn lại là xác nhận quan điểm của đối phương, xem xét lại cảm giác của người ấy, và bàn luận về cách giải quyết mâu thuẫn. Nó có thể là một cuộc thảo luận cởi mở khi cả hai đều có thể trao đổi về cách điều chỉnh thói quen hoặc lịch làm việc sao cho chúng phù hợp hơn với nhau, hoặc là giải pháp cho mâu thuẫn mà bạn đang trình bày và cùng nhau bàn luận. Bạn cần phải cho người ấy biết rằng bạn tôn trọng quan điểm của họ và sẵn sàng hợp tác với họ để đưa ra giải pháp cho vấn đề.[2]
    • Ví dụ, có lẽ người bạn đời của bạn không thích bạn làm việc trong nhiều giờ và chỉ về nhà khi tối muộn. Một khi người ấy đã nói xong, bạn nên hồi đáp bằng câu nói “Em nghe anh nói rằng anh muốn em về nhà sớm hơn và không làm việc quá nhiều để chúng ta có thể dành thời gian cho nhau. Em cũng muốn như vậy. Em phải làm việc trong nhiều giờ bởi vì kỳ hạn sắp đến gần nhưng em cũng muốn cùng đi ăn tối với anh vào cuối tuần này để chúng ta có thể thời gian bên nhau”. Kiểu hồi đáp này sẽ chứng tỏ rằng bạn đã lắng nghe điều mà người ấy nói và đưa ra giải pháp cho mâu thuẫn. Bạn nhận trách nhiệm cho hành động của mình và đồng tình với ý kiến của người ấy.
  5. Tìm gặp nhà trị liệu hoặc chuyên viên tư vấn nếu cần. Đôi khi, bạn cần phải đến gặp nhà trị liệu hoặc chuyên viên tư vấn để giải tỏa một vài cảm xúc và cảm giác đang đe dọa kết thúc mối quan hệ của bạn. Bạn nên tìm kiếm nhà trị liệu hoặc nhà tư vấn dành cho cặp đôi mà bạn có thể tin tưởng và có thể trình bày mọi việc một cách thành thật với họ. Thông thường, cùng nhau đến gặp nhà trị liệu là bước đầu tiên để khẳng định sự quyết tâm của bạn trong việc cứu vãn mối quan hệ.[1]
    • Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc đến gặp riêng nhà trị liệu nếu bạn đang phải đối phó với vấn đề cá nhân có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn. Đánh giá vấn đề riêng của bản thân sẽ giúp bạn giải tỏa cơn giận, sự lo âu, hoặc sự căng thẳng mà bạn đang đem lại cho mối quan hệ của mình.

Dành thời gian chất lượng với nhau[sửa]

  1. Lên kế hoạch để đi chơi với nhau. Một trong những lý do chính hình thành vấn đề cho cặp đôi là một người có cảm giác như người còn lại không cống hiến đủ thời gian và sức lực cho mối quan hệ. Bạn nên dành thời gian cho người ấy và bảo đảm rằng họ cũng dành thời gian cho bạn bằng cách thiết lập kế hoạch để đi chơi và thực hiện hoạt động mà cả hai có thể làm cùng nhau. Tập trung vào việc hình thành khoảng thời gian chất lượng, thời điểm bạn và người ấy đều có cơ hội để tương tác, trò chuyện, cười vang, và làm việc cùng nhau một cách vui vẻ.[1]
    • Nó có thể chỉ đơn giản như là một đêm hẹn hò đặc biệt tại một nhà hàng đẹp hoặc cùng nhau đi bộ đến nơi mà bạn thích. Cố gắng kết hợp hoạt động cả hai cùng yêu thích và sẵn sàng thử qua những điều mới lạ. Phương pháp này sẽ khiến cho khoảng thời gian hai bạn dành cho nhau trở nên thú vị và hấp dẫn.
  2. Cam kết hẹn hò với nhau một lần mỗi tuần. Nếu bạn và người bạn yêu đều khá bận rộn với sự nghiệp và lịch làm việc riêng, bạn nên chọn một ngày cụ thể trong tuần và biến nó trở thành ngày hẹn hò chính thức của cả hai. Điều này có nghĩa là bất kể mọi sự kiện hoặc công việc mà bạn phải thực hiện, cả hai sẽ chỉ dành riêng đêm đó cho nhau, không có bất kỳ một tác nhân xao nhãng nào khác. Sở hữu thời gian hẹn hò cụ thể sẽ giúp bạn dễ dàng lên kế hoạch đi chơi hoặc thực hiện hoạt động nào đó và giúp hai bạn ý thức rõ về thời điểm cả hai sẽ có cơ hội được ở bên nhau.[1]
    • Một khi bạn đã đồng ý về thời gian hẹn hò cụ thể, bạn nên tránh bỏ qua hoặc bỏ lỡ ngày hẹn. Cam kết thực hiện theo như thời điểm đã nêu có nghĩa là bạn phải sẵn sàng hủy bỏ mọi hoạt động khác vì người bạn yêu và theo sát thỏa thuận về việc dành thời gian chất lượng cho nhau.
  3. Gây ngạc nhiên cho người ấy với cuộc hẹn độc đáo. Nếu bạn đang muốn làm cho người bạn đời của bạn gắn bó hơn với mối quan hệ và làm mới sự cam kết dành cho nhau, bạn có thể lập kế hoạch cho một cuộc hẹn hò ngạc nhiên trong khung cảnh độc đáo.[4]
    • Bạn có thể cùng người ấy chơi bắn súng laser, chơi bowling, hoặc thực hiện một hoạt động nào đó tuyệt vời hơn như chèo thuyền trên sông hoặc tham gia trò chơi chó kéo xe trên núi. Bạn nên kết hợp giữa hoạt động mà người bạn đời của bạn yêu thích với yếu tố mà người ấy sẽ không nghĩ đến hoặc sẽ tạo thành một sự bất ngờ thú vị cho cuộc hẹn hò của mình.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]