Cừu nhỏ đi do hiệu ứng nhà kính

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Một nghiên cứu kéo dài 20 năm trên cừu Scotland cho thấy, tình trạng thay đổi khí hậu đang làm biến đổi kích thước cơ thể và quy mô dân số của chúng. Những mùa đông lạnh giá tạo ra những con cừu to lớn, nhưng trong những mùa đông không quá lạnh, tác dụng này biến mất.

"Cho đến tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa thể chứng minh cách thức tác động lẫn nhau của hệ sinh thái và quá trình tiến hoá của động vật, nhưng chúng tôi đã tìm ra cách để liên kết chúng với nhau", Tim Coulson, nhà khoa học tại Đại học Imperial (London, Anh), phát biểu.

Tiến sĩ Coulson và cộng sự tìm hiểu điều này bằng cách theo dõi giống cừu Soay trên đảo Hirta thuộc quần đảo Outer Hebrides. "Chúng tôi nghiên cứu những con cừu này vì môi trường mà chúng sống giống như một phòng thí nghiệm thiên nhiên. Trên hòn đảo ấy chỉ có cừu và cỏ - một hệ sinh thái thực sự đơn giản", Coulson giải thích.

Các nhà khoa học phân tích quy mô dân số và các số đo cơ thể cừu dựa trên những số liệu được ghi lại từ năm 1985. "Để biết được hệ sinh thái có ảnh hưởng như thế nào tới quá trình tiến hoá và ngược lại, chúng tôi cần phải tìm hiểu xem những đặc tính cơ thể được kiểm soát một phần bằng gene như kích thước, màu mắt ảnh hưởng thế nào đối với quy mô dân số".

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng kích thước cơ thể có mối liên hệ với số lượng cừu: Khi nhiều con cừu to lớn xuất hiện trên đảo, số lượng cá thể có xu hướng dao động với biên độ khá rộng, có thể là do kích thước cơ thể quyết định khả năng thành công trong sinh sản. Nhưng các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng kích thước cơ thể của cừu lại bị chi phối bởi môi trường sống.

"Mức độ khắc nghiệt của mùa đông tại Scotland thay đổi liên tục trong suốt quá trình nghiên cứu", Coulson cho biết. "Trong những mùa đông vô cùng lạnh giá ở những năm 80, dữ liệu cho thấy số cừu to lớn chiếm tỷ lệ cao trên đảo. Nhưng trong vài năm sau, mùa đông ngày càng ấm hơn, chúng tôi nhận thấy rằng những con có kích thước lớn không còn chiếm ưu thế như trước kia; thậm chí đó còn là yếu tố bất lợi".

Theo Coulson, nghiên cứu này cho thấy cách thức mà các yếu tố môi trường chi phối những thay đổi về mặt sinh thái và tiến hoá, đồng thời dự đoán rằng do khí hậu thay đổi, và mùa đông trở nên đỡ khắc nghiệt hơn, cừu có thể sẽ ngày càng nhỏ đi và số lượng của chúng sẽ ổn định hơn.

"Nhiều người cho rằng tình trạng thay đổi khí hậu sẽ để lại hậu quả sinh thái, nhưng chúng tôi đã chứng minh được rằng nó cũng sẽ để lại một di sản đối với sự tiến hoá của động vật", ông nói.

(nguồn BBC)

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này