Ca dao em và tôi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mỗi vùng đất có một nền văn học dân gian đặc trưng. Đó là một kho tàng nghệ thuật quý giá của bao thế hệ dày công xây đắp.Tìm hiểu văn học dân gian của vùng đất ấy sẽ thấy tính cách con người, sẽ hiểu chiều sâu tâm hồn của người dân từng xứ sở. Văn học dân gian Nam Trung Bộ có một vẻ đẹp riêng, đặc biệt thể hiện qua các bài ca dao, các điệu dân ca.

Vẻ đẹp đặc sắc của ca dao dân ca Nam Trung Bộ[sửa]

Đêm qua, tôi đang viết bài thì nghe bà ngọai nằm ru em bé ngủ bằng bài hát ru miền Trung “Ầu ... ơ... Ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ ta rời bậu ra, bậu ra cho khỏi tay ta, cái xương bậu nát, cái da chẳng còn...”. Là người miền Trung, tiếng ru ấy làm tôi nhớ quê nhà, nhớ những điệu dân ca thô ráp mà mặn mà một vẻ đẹp khó quên.

Có lẽ do đặc điểm địa lý lắm núi nhiều đèo, lại có biển chạy dọc suốt một vùng từ Ninh Thuận đến Quảng Bình,nên văn hóa dân gian Nam Trung Bộ vốn là nơi sản sinh ra nhiều điệu hò, vè, lý rất khác nhau, có đủ âm sắc vùng biển, vùng trung du, vùng núi... Song, qua ca dao dân ca miền Nam Trung Bộ, có thể thấy đặc điểm tâm hồn chung của con người Việt Nam: Gắn bó với cuộc sống, tha thiết với quê hương, say sưa trong yêu đương, thủy chung trong tình nghĩa, cần cù thiết thực giản dị mà giàu ước mơ hòai bão, giàu tinh thần lạc quan yêu đời. Tuy nhiên, sắc thái địa phương riêng của phong cách con người Nam Trung Bộ cũng thể hiện rất rõ trong ca dao dân ca vùng mình. Đó là phong cách con người ở vùng đất mới: mãnh liệt thắm thiết nhưng mộc mạc chất phác, ít trau chuốt mượt mà, có cái gì sống sít và phóng khóang đến táo bạo. Ca dao Nam Trung Bộ mang những tình cảm đậm đà nhân nghĩa:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa ngấm đã say
Thương nhau chưa đặng mấy ngày
Đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi

Cái cách lập tứ của ca dao miền Trung thường ít vòng vo mà trực diện, bày tỏ thẳng tình cảm tuy không kém phần đằm thắm, sâu đậm trong tình yêu:

Thò tay mà bứt cọng ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ

Hoặc:

Con chim điểu nó biểu con chim hùynh
Nó biểu lia biểu lịa nó biểu mình ưng tui

Thậm chí có khi biểu lộ sự bạo dạn ít gặp trong xã hội cũ:

Khoát màn bước thẳng lên giường
Thương anh nên phải tìm đường gần anh

Chính vì yêu nhau mãnh liệt như vậy, cho nên khi bị tình phụ họ cũng rất quyết liệt, thể hiện rõ tính cách con người miền Trung cứng rắn, dữ dội như sóng gió:

Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ,ta rời bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay ta
Cái xương bậu nát, cái da chẳng còn

Mặt khác, những sở thích, phong tục của con người miền Trung cũng thể hiện, tạo thành một sắc thái riêng biệt trong ca dao. Ví dụ tiêu biểu nhất là sự ham mê đối với nghệ thuật hát bội trong ca dao Bình Định. Đây là đất tuồng, quê hương của ông Hậu Tồ Tuồng Đào Tấn. Người Bình Định rất ưa coi hát bội. Mỗi lần có đám hát dù xa mấy, lắm người cũng rủ nhau đi. Có người bị cha mẹ, hoặc chồng cấm cũng lén đi:

Bầu Đông đóng Lý Phụng đình
Dù chồng có đánh thì mình cũng đi

Hoặc:

Trồng trầu thả lộn dây tiêu
Con theo hát bội mẹ liều con hư

Ngòai ca dao, một hình thức dân ca thể hiện rõ sắc thái địa phương khác là hát bài chòi, theo cách gọi dân địa phương là hô bài chòi. Đây là một cuộc chơi thường tổ chức vào các dịp lễ tết, có người lĩnh xướng hô,còn gọi là chú hiệu, vừa rút con bài, vừa hô tên các lá bài Tam Cúc kèm theo các câu hát. Như, rút được con “Ba gà”thì hô:

Mình vàng bận áo mã tiên
Ngày ba bốn vợ tối nằm riêng một mình

Nét đặc sắc là trong nhiều câu bài chòi, văn chương khá chải chuốt và thể hiện nhiều tình cảm cảm động. Như được con bài “Nhì nghèo” thì hô:

Ngày thường thiếu áo thiếu cơm
Đêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường
Dù đôi dép bướm chật đường
Màn loan gối phụng ai thương thằng nghèo

Một nét đặc sắc khác của ca dao hò vè vùng Nam Trung Bộ là có những điệu hát hò. Ở vùng Gia Lai, Bình Định phổ biến điệu hát hò cũng gọi là hát giã gạo. Tuy về tên gọi có giống về giã gạo ở vùng Thừa Thiên, nhưng làn điệu và nội dung của lời ca có nhiều nét dị biệt Nhà nghiên cứu văn hóa Hùynh Văn Tới nhận xét “ Về ngôn ngữ, hát hò sử dụng từ ngữ và lối diễn đạt của dân gian, vừa gần gũi với các thể lọai dân ca khác vừa mang đậm màu sắc địa phương”.Về làn điệu, hát hò là một làn điệu dân ca phóng khóang, tự do – mang tính tập thể cao, dễ hát và ai cũng có thể tham gia được. Nhận xét về nội dung hát hò vùng Bình Định, nhà thơ Qúach Tấn viết trong tác phẩm “Nước non Bình Định” “Những lời gái trai đối đáp với nhau rất sít sao. Nhiều câu ngẫu tác mà văn chương bóng bẩy, tươi đẹp, tình ý dồi dào, sâu sắc, đáng lưu truyền”. Thực ra, hát hò sử dụng đầy đủ các thủ pháp nghệ thuật phú, tỷ, hứng, lối so sánh và lối nói hình ảnh như trong ca dao. Sự liên hệ về nghệ thuật với các lọai dân ca khác rất rõ nét.Thí dụ,miền Bắc có những câu:

Người về tôi những trông theo
Trông nước nước chảy trông bèo bèo trôi

Và:

Nhớ anh em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Thì hát hò có câu:

Thương anh em cũng muốn theo
Sợ truông cát nóng sợ đèo đá dăm
Đá dăm anh đã lượm rồi
Còn truông cát nóng anh bồi bùn non

Nhưng hát hò mang sắc thái địa phương rất đậm nét, nhất là những câu hát nói về thân phận, về tình yêu. Trong xã hội cũ, tình cảm yêu đương thường gặp nhiều ràng buộc từ tập tục, từ cha mẹ. Với tình cảm nồng nhiệt, mãnh liệt thường gặp ở người dân Nam Trung Bộ, nhiều câu hát hò thể hiện khát vọng yêu đương mạnh mẽ, là tiếng hát bảo vệ cho tình yêu trong sáng. Đây là niềm vui của cô gái khi sau bao nhiêu chờ đợi chợt được gặp người yêu:

Em gặp anh đây cha chả là mừng
Tưởng như lúa trổ nửa chừng gặp mưa
Em gặp anh đây tròn bóng đang trưa
Rưng rưng nước mắt tay đưa miếng trầu

Hát hò còn thể hiện khát vọng tự do yêu đương bằng chính những tình cảm rung động của con tim, không lệ thuộc gia đình, không tuân theo số mệnh, vượt qua mọi bức rào dư luận

Miệng thế gian sắc tựa gươm đao
Anh với em thương đặng ngần nào thì thương
Về nhà cha đánh mẹ dọa nghiền xương
Ví dầu có sẻ thịt em cũng vấn vương cùng chàng

Là tiếng nói tâm tình của người dân miền Trung nắng gió, ca dao dân ca Nam Trung Bộ là một mảng đặc sắc thể hiện rõ sắc thái địa phương của vùng văn hóa dân gian Nam Trung Bộ so với các vùng văn hóa khác. Để người đi xa, khi chợt nghe một tiếng hò câu hát, nhớ quê xa xao xuyến đến nao lòng.

LAN THU

Liên kết đến đây