Chăm sóc hình xăm

Từ VLOS
(đổi hướng từ Chăm sóc Hình xăm)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chọn một nghệ nhân xăm mình nổi tiếng mới chỉ là bước quan trọng đầu tiên để bạn có một hình xăm đáng tự hào. Cách bạn chăm sóc hình xăm sau đó cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là còn quan trọng hơn. Một hình xăm đẹp cũng có thể bị hỏng nếu được chăm sóc không tốt. Mỗi thợ xăm sẽ có một hướng dẫn khác nhau, nhưng đây là những bước cơ bản nhất để bạn giữ được một hình xăm rõ nét.

Các bước[sửa]

Vệ sinh và Chăm sóc Ban đầu[sửa]

  1. Hãy làm theo lời dặn của nghệ nhân. Nếu bạn đã chọn được một thợ xăm ưng ý, anh ấy hoặc cô ấy sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn cách chăm sóc hình xăm, và bạn nên làm theo thật cẩn thận. Mỗi thợ xăm sẽ có những hướng dẫn khác nhau một chút, nhưng đừng lo, những người thợ xăm uy tín đã có nhiều năm kinh nghiệm rồi nên những lời khuyên của họ đều đã được kiểm chứng.[1]
    • Hãy nghĩ rằng một hình xăm cũng đi kèm bảo hành. Nếu bạn không nghe theo lời khuyên của thợ xăm, điều đó cũng giống như bạn đã vi phạm quy định bảo hành sản phẩm. Thợ xăm của bạn có thể sẽ từ chối sửa hình xăm miễn phí cho bạn.
    • Hãy nhớ, cũng giống như bạn, người thợ xăm rất muốn hình xăm của bạn được lành lặn và đẹp đẽ nên họ sẽ không đưa ra những lời khuyên tồi.
    • Những hướng dẫn sau có thể hơi khác những gì thợ xăm đã nói với bạn, nhưng chúng sẽ là những lời khuyên cơ bản nhất.
  2. Hãy để nguyên lớp băng dán từ 2 đến 4 tiếng. Khi xăm xong, thợ xăm sẽ rửa sạch hình xăm, bôi kem chống nhiễm khuẩn và băng hình xăm lại. Khi rời cửa hàng, đừng nôn nóng tháo băng ra để khoe bạn bè. Lớp băng đó sẽ bảo vệ hình xăm của bạn khỏi vi khuẩn, ngăn chúng xâm nhập vào cơ thể bạn qua chỗ da bị hở. Lớp băng phải được dán ít nhất 2 tiếng.
    • Loại băng gạc dày, chống thấm nước và không dính da là loại các được thợ xăm sử dụng nhiều nhất. Chúng rất hiệu quả vì vừa giúp vết thương thoáng khí, lại vừa đủ dày để chống nhiễm khuẩn và giảm va đập. Ngoài ra, chúng cũng chống thấm nước.[2]
    • Có nhiều thợ xăm cho rằng bạn nên che hình xăm bằng màng bọc thực phẩm, nhưng cũng có rất nhiều thợ xăm nói rằng đó là điều hoàn toàn không nên làm.
    • Những thợ xăm khuyên dùng màng bọc bằng ni lông cho rằng: việc dán và bóc màng bọc khỏi vết thương rất dễ thực hiện và không bị dính da. Nó cũng là một lớp bảo vệ hiệu quả ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vết thương.
    • Những thợ xăm phản đối việc trên thì cho rằng: màng bọc sẽ ngăn cản khí ô xy tiếp xúc với hình xăm trong khi ô xy rất quan trọng trong việc làm lành vết thương. Thêm vào đó việc bọc kín hình xăm bằng ni lông sẽ làm tăng độ ẩm và nhiệt độ, do đó tạo ra môi trường sinh sôi cho vi khuẩn.[1]
    • Dù thợ xăm của bạn có dùng loại băng nào cho bạn, hãy làm theo lời khuyên của họ cẩn thận. Cả hai loại băng đều đã từng được áp dụng có hiệu quả. Hãy nhớ, màng bọc ni lông cần được thay và hình xăm cần được lau rửa thường xuyên hơn so với khi bạn dùng băng gạc để phòng tránh nhiễm khuẩn.
  3. Hãy cẩn thận khi gỡ băng. Vẫn còn nhiều tranh cãi quanh việc nên băng hình xăm trong bao lâu. Phần lớn các thợ xăm đều đồng tình với việc bạn nên băng hình xăm trong ít nhất 2 tiếng, và tốt nhất là nên băng từ 4 đến 6 tiếng. Riêng đối với việc sử dụng màng bọc ni lông, bạn không nên để nó lâu hơn 2 tiếng.[3]
    • Thực tế, thời gian dán băng sẽ khác nhau, tùy kích cỡ và vị trí của hình xăm lẫn lượng mực bị chảy và loại băng bạn dùng. Tốt nhất là bạn nên làm theo lời khuyên của thợ xăm. Tuy nhiên bạn cũng nên để ý và có nhận định của riêng mình.
    • Để tháo băng, hãy nhúng nó vào nước ấm để nó đỡ bám dính vào da. Khi ướt, nó sẽ dễ được gỡ ra hơn. Vứt bỏ băng sau khi gỡ xong.
  4. Nhẹ nhàng rửa sạch hình xăm. Hầu hết các thợ xăm sẽ khuyên bạn nên dùng nước ấm và xà phòng loại nhẹ chống khuẩn và không chứa hương liệu. Dùng tay nhẹ nhàng xoa rửa hình xăm để loại bỏ những vết máu, huyết tương hoặc vết mực. Việc này sẽ ngăn việc vết xăm bị đóng vảy quá sớm. Đừng dùng khăn mặt, xơ mướp hay mút tắm để cọ hình xăm. Vi khuẩn có thể cư trú trong những thứ đó.[1]
    • Không nhúng hình xăm trực tiếp xuống nước. Hãy rửa bằng cách dùng tay dấp nước lên hình xăm vì nước chảy trực tiếp từ vòi là quá mạnh đối với một hình xăm mới.
    • Nếu hình xăm mới của bạn chiếm diện tích lớn, sẽ dễ hơn khi rửa bằng vòi hoa sen.
  5. Để hình xăm tự khô. Khi bạn đã rửa sạch hình xăm, nhẹ nhàng thấm khô nó bằng khăn mềm. Đừng chà xát hình xăm, da bạn sẽ bị kích ứng. Khi phần da được xăm đã không còn nhờn, bạn hãy để nó khô trong vòng 20 phút đến 1 tiếng. Việc này sẽ giúp hình xăm được khô thoáng.
    • Hãy để hình xăm thông thoáng như vậy sau mỗi lần lau rửa hoặc làm ướt.
  6. Bôi thuốc mỡ. Khi hình xăm đã khô hoàn toàn và vùng da đó đã săn vào, bạn có thể bôi một lớp thuốc mỡ, ví dụ như Bepanthen hoặc vitamin A&D. Hãy chỉ bôi một lớp thật mỏng đủ để làm bóng hình xăm và xoa nhẹ nhàng tới khi kem đã thẩm thấu hết vào da.[4]
    • Bạn nên tiếp tục bôi kem sau mỗi lần lau rửa hình xăm trong vòng 3 đến 5 ngày, hoặc tới khi hình xăm bắt đầu bong vảy. Lúc đó, bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng không mùi thông thường.
    • Đừng sử dụng các sản phẩm có chứa dầu hỏa như Vaseline. Chúng có thể làm tắc lỗ chân lông và làm hình xăm bị hỏng. Chúng cũng sẽ làm mực xăm bị hút lên bề mặt da và khiến hình xăm bị mờ trước khi kịp lành.
    • Có một số loại kem chuyên dùng để chăm sóc hình xăm được bán trên thị trường, tuy nhiên chúng hơi đắt. Một trong những sản phẩm đó có thể kể đến là Tatoo goo, loại kem này không nhờn và có thành phần tự nhiên. Một sản phẩm rất tuyệt vời khác là H2Ocean, ở dạng bọt và có nồng độ muối phù hợp để sát khuẩn.[1] Nếu ở nước ngoài, bạn có thể tìm mua sản phẩm "After Inked", nó không chứa dầu hỏa mà chứa dầu hạt nho – một thành phần chống ô-xy hóa tốt hơn cả vitamin E. Sản phẩm này sẽ giúp quá trình phục hồi nhanh hơn và có khả năng giữ ẩm rất tốt.
  7. Tiếp tục lau rửa và dưỡng ẩm hình xăm từ 3 đến 5 lần một ngày. Bạn nên sử dụng loại xà phòng diệt khuẩn và nước ấm để rửa cho tới khi hình xăm lành hẳn. Hãy rửa nó khoảng 3 lần một ngày. Đối với những vị trí xăm có khả năng tiếp xúc với nhiều vi khuẩn hơn như bàn tay, cổ tay hoặc bàn chân thì bạn nên rửa thường xuyên hơn.[5]
    • Sau khi bôi thuốc mỡ chống nhiễm khuẩn chuyên dụng trong 3 đến 5 ngày đầu, bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm thông thường sau mỗi lần lau rửa. Các thợ xăm sẽ khuyên bạn tránh dùng những loại kem có hương liệu, phẩm màu hoặc nhũ. Hãy nhớ là chỉ bôi một lớp kem thật mỏng, bởi vì độ ẩm cao cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới hình xăm.
    • Vùng da được xăm sẽ hồi phục trong vòng hai tuần. Trong khoảng thời gian đó, bạn có thể thấy hình xăm bị bong vảy hoặc tróc da, rất giống với lúc bị cháy nắng. Phần da đã xăm có thể bong ra một chút nhưng việc đó là hoàn toàn bình thường.
    • Sau khi đã bong vảy, hình xăm của bạn trông sẽ bóng và săn lại. Nó cũng có thể trông hơi mờ hoặc vẫn còn những mẩu da trắng mà bạn rất muốn bóc ra, tuy nhiên bạn không nên làm thế. Phần da đó sẽ tự bong ra trong vài tuần.
    • Nếu bạn chăm sóc hình xăm đúng cách, hình xăm của bạn sẽ lành lặn và da của bạn sẽ phục hồi tốt trong vòng 6 tuần[2]

Những điều Cần tránh[sửa]

  1. Tránh ngâm nước hình xăm. Bạn không nên đi bơi ở bể bơi hoặc biển hoặc ngâm mình trong bồn tắm cho tới khi hình xăm đã lành hẳn. Có hai lý do để bạn nên tránh việc này. Thứ nhất, ngâm hình xăm trong nước quá lâu sẽ làm phai mực xăm. Thứ hai, nước trong bể bơi, ở biển hoặc bồn tắm đều có thể chứa nhiều chất bẩn, vi khuẩn, chất hóa học và những tạp chất khác. Chúng có thể khiến hình xăm của bạn bị nhiễm khuẩn.[2]
    • Khi hình xăm đã lành, bạn hoàn toàn có thể tham gia những hoạt động trên. Nhưng hiện tại, bạn chỉ nên rửa hình xăm ở bồn rửa tay hoặc vòi hoa sen.
  2. Đừng để lộ hình xăm dưới ánh nắng mặt trời. Mặt trời có tác động không tốt tới những hình xăm mới. Ánh nắng gay gắt có thể khiến da bạn bị rộp và làm phai màu hình xăm. Vì thế, tốt nhất là bạn nên che hình xăm khi đi dưới nắng trong vòng 3 đến 4 tuần khi hình xăm đã lành hẳn.[2]
    • Sau đó, bạn vẫn cần phải bảo vệ hình xăm bằng cách bôi kem chống nắng với chỉ số SPF 30. Nó sẽ giúp hình xăm không bị mờ đi do tác động của ánh nắng, đồng thời giúp màu sắc được tươi lâu hơn.
  3. Đừng gãi hoặc chọc vào hình xăm. Trong khi hồi phục, hình xăm của bạn sẽ đóng vảy. Việc này là bình thường. Phần vảy sẽ khô vào và tự bong ra. Đừng bóc vảy. Nếu làm thế, phần vảy có thể bị bong ra trước khi chúng khô, để lại vết lõm hoặc những điểm mờ trên hình xăm.
    • Nếu tay hoặc móng tay của bạn không sạch, chúng cũng có thể khiến hình xăm bị nhiễm khuẩn. Bạn hãy luôn rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi chạm vào hình xăm và không bao giờ để người khác chạm vào khi hình xăm chưa lành.[5]
    • Trong quá trình bong da hoặc đóng vảy, bạn sẽ cảm thấy rất ngứa, nhưng nếu bạn gãi, lớp vảy cũng sẽ bị bong ra. Bạn có thể vỗ nhẹ vào hình xăm hoặc xoa ít kem dưỡng ẩm để giảm ngứa.[3]
  4. Tránh mặc quần áo chật. Bạn không nên mặc quần áo chật bó sát vào vùng da mới được xăm, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của hình xăm. Khi hình xăm đang phục hồi, nó sẽ chảy ít huyết tương và mực, việc đó sẽ khiến quần áo bị dính vào vết xăm. Lúc đó, việc gỡ quần áo ra khỏi hình xăm sẽ rất đau và làm bong lớp vảy mới hình thành.[4]
    • Nếu quần áo của bạn bị dính vào hình xăm, đừng kéo ra. Hãy làm ướt chỗ bị dính. Việc đó sẽ giúp chỗ bị dính trở nên dễ gỡ ra hơn và không làm hỏng hình xăm.
    • Ngoài ra, quần áo chật sẽ ngăn cản hình xăm tiếp xúc với khí ô xy. Khí ô xy rất quan trọng trong quá trình hình xăm phục hồi.
    • Luôn mặc đồ sạch và rộng rãi cả ngày lẫn đêm trong giai đoạn hình xăm phục hồi.
  5. Tránh vận động mạnh. Những hình xăm có kích thước lớn hoặc ở những vị trí gần các khớp (như khuỷu tay hoặc khuỷu chân) sẽ lâu phục hồi hơn nếu phần da bị co kéo mạnh trong lúc bạn tập thể thao. Những cử động mạnh sẽ làm da bị kéo căng và kích ứng, khiến quá trình phục hồi bị kéo dài. Vì thế, bạn nên tránh vận động mạnh trong vòng vài ngày sau khi xăm.[3]
    • Nếu bạn đang tham gia các lớp võ tự vệ như karate hay kick-box, hãy báo trước với bạn tập để họ tránh tung đòn vào đúng hình xăm.
    • Nếu bạn có một công việc đòi hỏi phải vận động, ví dụ như xây dựng hoặc khiêu vũ, bạn có thể xem xét việc đi xăm mình vào thứ Sáu để có hai ngày cuối tuần cho vết xăm phục hồi.
  6. Tránh làm sưng chỗ xăm. Hình xăm mới trên bàn chân, mắt cá chân hoặc bắp chân có thể bị sưng, nhất là khi bạn phải đứng trong một thời gian dài. Nếu việc này xảy ra, bạn có thể làm giảm vết sưng tấy bằng cách uống Ibuprofen, chườm đá vào chỗ sưng và nâng chân lên cao.


Lời khuyên[sửa]

  • Tránh mặc đồ lông vì những sợi lông có thể chui vào dưới lớp vảy và gây ra nhiễm trùng.
  • Nhiệt độ lạnh có thể giúp giảm ngứa. Hãy nhẹ nhàng chườm một túi đá lên hình xăm.
  • Không đi tắm hơi trong giai đoạn hình xăm đang phục hồi. Hơi ẩm sẽ làm màu xăm bị phai.
  • Không cạo lông trên vùng da được xăm. Nếu cạo xung quanh hình xăm, đừng để kem cạo hoặc lông khiến hình xăm bị kích ứng.
  • Đừng tiếp tục băng hình xăm sau khi đã tháo lớp băng đầu tiên. Hình xăm cần được thoáng khí để phục hồi. Đeo màng bọc ni lông hoặc băng gạc quá lâu sẽ khiến hình xăm bị bí và kéo dài thời gian phục hồi. Khi đi ngủ, đừng nằm đè lên hình xăm. Nếu bạn sợ mực bị dây ra đồ đạc chăn màn, hãy đặt một cái khăn tắm ở chỗ bạn nằm. Việc đó cũng sẽ khiến ga trải giường không bị dính vào hình xăm.
  • Sử dụng túi gel chườm lạnh cũng là một lựa chọn tốt ngoài túi chườm đá.
  • Để nước nóng chảy qua hình xăm trong 1 phút cũng giúp bạn thấy đỡ ngứa trong vòng 3 đến 4 tiếng. Việc đó sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn và ngủ ngon hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Ngay cả sau khi hình xăm đã phục hồi, có thể trông nó vẫn hơi gồ ghề. Đó là do phần mực vẫn chưa kịp “phẳng ra”. Việc này có thể mất tới 4 tuần.
  • Bạn có thể bị lây nhiễm bệnh tật và vi rút khi kim xăm không sạch. Vì thế, bạn hãy tìm một cửa hàng xăm uy tín. Bạn nên nhớ rằng: tiền nào của nấy.
  • Đừng dùng các loại kem mỡ kháng sinh điều trị vết thương như Neosporin. Loại thuốc đó không được áp dụng với những vết đâm chích trên da (và hình xăm của bạn thực tế là hàng nghìn vết đâm như vậy). Loại thuốc này sẽ khiến lớp da phía dưới lẫn xung quanh hình xăm của bạn lành lại quá nhanh.
  • Đừng dán gạc hoặc đeo băng quá 6 tiếng. Việc đó sẽ khiến vết xăm bị nóng, chảy mồ hôi và làm vi khuẩn sinh sôi dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng.


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây